SV tham gia hoạt động ngoại khóa vì điểm rèn luyện, trường tìm giải pháp

SV tham gia hoạt động ngoại khóa vì điểm rèn luyện, trường tìm giải pháp
7 giờ trướcBài gốc
Điểm rèn luyện và câu chuyện “kẻ chê, người thèm”
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng) chia sẻ: “Khi sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học, hội thảo, hội nghị, hiến máu nhân đạo, đều sẽ được cộng điểm theo quy định của nhà trường. Cố vấn học tập sẽ là người theo dõi khi sinh viên tham gia hoạt động này.
Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn tình trạng một số sinh viên tham gia các hoạt động theo sự phân công, nhưng không nghiêm túc, chỉ điểm danh ‘cho có’, sau đó lén về giữa chừng, gây ảnh hưởng tới chương trình”.
Thầy Tuấn cho biết, theo tiêu chí, khi sinh viên tham gia hoạt động của trường, sẽ được cộng 5 điểm vào điểm rèn luyện. Tuy nhiên, một số sinh viên chỉ tham gia trong khoảng thời gian đầu chương trình. Trong khi theo nguyên tắc, sinh viên phải tham gia từ đầu đến cuối, mới được trọn vẹn 5 điểm.
“Việc sinh viên đăng ký tham gia các hoạt động với mục đích muốn lấy điểm rèn luyện, nhưng sau đó, khi hoạt động diễn ra, sinh viên lại không tham gia sẽ gây ảnh hưởng nhiều đến nhà trường. Dù vậy, việc kiểm soát sinh viên còn nhiều khó khăn. Cố vấn học tập không thể theo sát từng người xem ai về trước, về sau.
Trước đây, việc quản lý sinh viên vô cùng dễ dàng. Đa số sinh viên một khi đã đăng ký, sẽ tuân thủ. Nhưng giờ đây, các bạn bị chi phối bởi nhiều hoạt động vui chơi, giải trí khác, dẫn đến ngày càng ít quan tâm đến hoạt động của nhà trường”, Thạc sĩ Lê Minh Tuấn chia sẻ.
Thạc sĩ Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng). Ảnh: NVCC.
Mặc dù vậy, thầy Tuấn đánh giá, bên cạnh việc một số sinh viên bỏ bê, không “tha thiết” với điểm rèn luyện, vẫn còn nhiều sinh viên có học lực giỏi, xuất sắc lại khát khao có được.
Những sinh viên giỏi, xuất sắc luôn muốn đạt được mức điểm rèn luyện tốt trở lên. Bởi nếu hai sinh viên có điểm GPA bằng nhau, sẽ xét đến điểm rèn luyện để xác định học bổng. Tuy nhiên, trên thực tế, việc đạt được 100 điểm rèn luyện là rất khó, nếu sinh viên không là cán bộ lớp hoặc tham gia các câu lạc bộ khác” - Thạc sĩ Lê Minh Tuấn cho biết thêm.
Một chuyên gia có nhiều năm làm công tác sinh viên cũng chia sẻ: “Không cơ sở giáo dục nào mong muốn việc đánh giá điểm rèn luyện trở thành áp lực, gánh nặng cho sinh viên.
Theo kinh nghiệm những năm qua, tôi thấy, sinh viên khối sư phạm thường có tâm lý phải giành được điểm rèn luyện cao. Bởi, các em chú trọng đến hồ sơ, lý lịch và xếp hạng thứ tự đánh giá sinh viên.
Đặc biệt, những sinh viên muốn có hồ sơ ‘đẹp’ ở các ngành khác cũng sẽ tự đặt ra áp lực cho bản thân, phải đạt được mức điểm rèn luyện tốt, xuất sắc. Thực tế, với một số ngành nghề, khi đi xin việc, các em chỉ cần đem theo bằng đại học, phía đơn vị tuyển dụng không mấy quan tâm đến điểm rèn luyện. Vì vậy, sinh viên không nên quá áp lực về đầu điểm này và chỉ cần đạt kết quả ở mức khá, tốt”.
Vị này cũng cho biết, một số sinh viên thường tự đặt cho mình chiến lược, “săn” các hoạt động ngoài giờ học do nhà trường tổ chức để được cộng điểm rèn luyện. Trong khi đó, một số sinh viên lại thờ ơ, vô trách nhiệm khi được phân công nhiệm vụ trong trường.
Trước tình trạng trên, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Chính sách và Phát triển) cho biết: “Từ Thông tư số 16/2015/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 12/8/2015 ban hành quy chế đánh giá kết quả rèn luyện của người học được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy, bất kỳ cơ sở giáo dục đại học nào cũng pháp điển hóa thành Quy chế đánh giá kết quả điểm rèn luyện của người học để áp dụng trong trường.
Mục đích của điểm rèn luyện là xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực “hồng” và “chuyên”, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Học viện Chính sách và Phát triển cũng không nằm ngoài quy luật chung đó để nâng cao chất lượng đào tạo, quản lý người học.
Việc khen thưởng và kỷ luật sinh viên vi phạm quy định cũng nhằm rèn luyện sinh viên trở thành người đủ đức, đủ tài, đủ tâm, đủ tầm để phát huy giá trị bản thân và có ích cho xã hội”.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng - Trưởng phòng Chính trị và Công tác sinh viên (Học viện Chính sách và Phát triển). Ảnh: Website trường.
Quét mã QR để quản lý sinh viên, linh hoạt hình thức cộng điểm rèn luyện
Hiện nay, một số hoạt động chính trị - xã hội, các chương trình văn hóa, văn nghệ thường gặp phải tình trạng “đánh trống ghi danh”. Sinh viên ồ ạt đăng ký tham gia với mục đích lấy điểm rèn luyện, tuy nhiên chỉ tham gia nửa buổi ‘cho có mặt’.
Về vấn đề này, Thạc sĩ Nguyễn Như Trường - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên - Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ việc làm sinh viên (Trường Đại học Phan Thiết) chia sẻ: “Nhà trường luôn tạo điều kiện cho sinh viên tình nguyện tham gia, đăng ký trực tuyến các sự kiện, hoạt động tại trường. Bên cạnh đó, để quản lý sinh viên tốt hơn, nhà trường đã áp dụng điểm danh bằng hình thức quét mã QR.
Đặc biệt, mã QR này chỉ mở khoảng 5 - 10 phút, khi buổi học/cuộc họp/chương trình kết thúc. Điều này giúp đảm bảo công bằng cho tất cả sinh viên. Những bạn không nghiêm túc, bỏ về trước sẽ không được tính điểm rèn luyện dù đã điểm danh ở đầu buổi”.
Thạc sĩ Nguyễn Như Trường - Phó Trưởng phòng Công tác chính trị sinh viên - Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ việc làm sinh viên (Trường Đại học Phan Thiết). Ảnh: Website trường.
Có thể thấy, hiện tượng sinh viên đăng ký tham gia các buổi hội họp, giao lưu tại trường chỉ để cộng điểm rèn luyện là không hiếm.
Nhằm đưa những hoạt động này trở về với vai trò, mục đích ban đầu, Thạc sĩ Lê Minh Tuấn cho biết, trước tiên, nhà trường cần khiến sinh viên cảm nhận được lợi ích của bản thân khi tham gia.
“Chẳng hạn, đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, hiến máu nhân đạo, các hoạt động cộng đồng… Đó là những trải nghiệm rất tốt cho sinh viên. Chính bản thân các bạn cũng muốn thực hiện, mà khởi nguồn không do mục đích cộng điểm rèn luyện.
Các trường nên xem xét chỉ đưa ra những hoạt động mang tính giáo dục, trải nghiệm, đem lại lợi ích cho sinh viên. Còn những hoạt động nhằm mục đích thương mại, không phù hợp, thì nên phản đối”, thầy Tuấn phân tích.
Đồng thời, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Trường Đại học Thể dục Thể thao Đà Nẵng) cũng cho rằng, bảng đánh giá điểm rèn luyện và các đầu mục đã cũ, không còn phù hợp với tình hình hiện tại: “Sinh viên vừa phải học tập, lại phải tích cực tham gia các chương trình, hội thảo, hội nghị và hoạt động câu lạc bộ. Các cơ sở giáo dục đại học nên có quy chế tính điểm rèn luyện mới, chi tiết hơn, áp dụng ‘nhẹ nhàng’ hơn cho sinh viên. Cần mở rộng, sáng tạo các hình thức cộng điểm rèn luyện, sao cho phù hợp với giai đoạn phát triển công nghệ thông tin hiện nay”.
Đồng tình với giải pháp trên, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm trong công tác sinh viên cho biết: “Một số trường đại học hiện nay đã có những cuộc thi trực tuyến phát động đến toàn bộ sinh viên. Đây là mô hình tốt để sinh viên tham gia mà không bị gò bó về vấn đề thời gian. Các cuộc thi trực tuyến có thể hướng đến viết bài giới thiệu khoa, kỷ niệm trường, cuộc thi về Chữ thập đỏ, tìm hiểu lịch sử thành lập nhà trường…
Với những cuộc thi trực tuyến như vậy, nhà trường chỉ cần giới hạn khung giờ nộp bài nhất định và phát động thông tin đó trước một vài ngày. Sinh viên rất dễ để thực hiện tại nhà hay bất cứ đâu, chỉ cần có thiết bị như điện thoại thông minh, máy tính là có thể làm được”.
Ngoài ra, vị chuyên gia này chia sẻ, nên xem xét cộng điểm rèn luyện linh hoạt cho sinh viên tham gia các chương trình tình nguyện, có hình ảnh minh chứng và đăng tải trên trang của câu lạc bộ, đội nhóm trong trường.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hùng cho biết, với mong muốn sinh viên nhiệt tình tham gia các hoạt động chính trị - xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể thao…, Học viện Chính sách và Phát triển đã đa dạng hóa các hình thức tính điểm rèn luyện, phù hợp với mục tiêu rèn đức, luyện tài, kỹ năng tốt, nên không gây áp lực cho người học.
Thầy Hùng cũng nhấn mạnh: “Các cơ sở giáo dục không nên áp dụng hình thức chạy theo thành tích để người học cảm thấy áp lực, khiên cưỡng, tự ép bản thân làm những điều mình không thích. Thay vào đó, có thể thúc đẩy sinh viên học thật - thi thật, tuyên truyền để người học hiểu được điểm hay, điểm tốt trong các hoạt động xã hội và chủ động tham gia. Như vậy, vừa giúp sinh viên có thêm kiến thức, kỹ năng, lại có thể cải thiện điểm rèn luyện đáng kể”.
Ngọc Huyền - Hà Giang
Nguồn Giáo Dục VN : https://giaoduc.net.vn/sv-tham-gia-hoat-dong-ngoai-khoa-vi-diem-ren-luyen-truong-tim-giai-phap-post247167.gd