Chiều 23/4, diện kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn SYRE (Thụy Điển) đã thông tin về kế hoạch đầu tư tổ hợp tái chế vải có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1 tỷ USD tại Bình Định.
Tổ hợp tái chế vải polyester của SYRE công suất thiết kế lên tới 250.000 tấn/năm, dự kiến đi vào vận hành vào cuối năm 2028.
“Dự án hướng tới đưa Việt Nam trở thành trung tâm toàn cầu đầu tiên về dệt may tuần hoàn, ứng dụng công nghệ cao theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ và EU, phù hợp định hướng phát triển bền vững của Việt Nam”, lãnh đạo SYRE cho biết.
SYRE dự kiến đầu tư 1 tỷ USD vào tổ hợp tái chế vải polyester tại Việt Nam.
Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia chịu mức thuế quan đối ứng cao tới 46% từ Hoa Kỳ và đang trong thời gian 90 ngày tạm hoãn để đàm phán. Dệt may là một trong những ngành được đánh giá sẽ chịu ảnh hưởng nặng, dẫn đến nguy cơ dòng vốn FDI chững lại hoặc suy giảm. Trong bối cảnh đó, kế hoạch đầu tư mới từ tập đoàn quốc tế đã phát đi những tín hiệu tích cực.
SYRE là công ty con của Tập đoàn may mặc H&M - thương hiệu thời trang nổi tiếng thế giới của Thụy Điển và Công ty Đầu tư công nghệ Vargas (Thụy Điển). Lý giải nguyên nhân lựa chọn Việt Nam làm địa điểm đầu tư chiến lược, đại diện SYRE cho biết Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ về năng lượng xanh, đồng thời có ngành dệt may với nền tảng vững chắc. Đầu tư tại Việt Nam, SYRE cam kết sử dụng nhiều nhất nguyên liệu từ Việt Nam, tăng cường chuỗi cung ứng và sản xuất tại Việt Nam.
Bên cạnh SYRE, thời gian gần đây nhiều "ông lớn" khác cũng công bố các kế hoạch đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam.
Cùng ngày 23/4, ông Daniel Rose, Giám đốc điều hành Tập đoàn Rosen Partners, trong chuyến trở lại thăm Việt Nam vào dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và năm thứ hai của quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ đã diện kiến Tổng Bí thư Tô Lâm. Thông tin về các kế hoạch đầu tư tại Việt Nam, ông Daniel Rose cho biết nổi bật là dự án xây dựng công viên giải trí tầm cỡ thế giới. Tập đoàn Hoa Kỳ cũng cam kết sẵn sàng thúc đẩy hợp tác về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, kết nối giữa các nhà khoa học Việt Nam - Hoa Kỳ và các nước, xây dựng những dự án hợp tác cụ thể như về khoa học công nghệ, trí tuệ nhân tạo, quản trị thông minh.
Trước đó, hôm 16/4, ông Jilei Hou, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách kỹ thuật Qualcomm diện kiến Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, cho biết tập đoàn đã nghiên cứu, phân tích và mong muốn xây dựng một trung tâm R&D công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tại Việt Nam. Đây sẽ là trung tâm lớn thứ ba của hãng trên thế giới.
Qualcomm đã có văn phòng đại diện tại Hà Nội và TP HCM. Ngày 1/4, hãng đã công bố mua lại MovianAI - công ty con chuyên phát triển trí tuệ nhân tạo tạo sinh của VinAI. Theo ông Jilei Hou, MovianAI quy tụ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về AI tốt nhất trên thế giới và phòng nghiên cứu chất lượng rất cao.
"Thông qua mua lại MovianAI, Qualcomm thể hiện cam kết mạnh mẽ đóng góp vào việc nghiên cứu và phát triển AI cũng như ươm tạo tài năng về AI tại Việt Nam", lãnh đạo Qualcomm nhận định.
Hôm 9/4, Tập đoàn Lego cũng chính thức khai trương nhà máy Lego Manufacturing Vietnam tại Khu công nghiệp VSIP III, tỉnh Bình Dương. Ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành của Tập đoàn Lego tới Việt Nam nhân sự kiện này, trả lời Bloomberg rằng Lego không hề nao núng trước làn sóng thuế quan khi mở một khu phức hợp sản xuất mới tại Việt Nam.
Lãnh đạo Lego cho biết, tập đoàn có kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong 15 năm vào khu phức hợp này, nơi sẽ sản xuất đồ chơi cho châu Á. "Là một nhóm, chúng tôi có thể sẽ xoay xở khá tốt", ông nói. “Chúng tôi thường sản xuất trong khu vực mà chúng tôi bán”.
Theo Cục Thống kê, Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/3/2025, cả nước thu hút được 2.061 dự án đầu tư nước ngoài với với số vốn đạt 10.978,6 triệu USD, tăng 16,8% về số dự án và tăng 34,7% về số vốn so với cùng kỳ năm 2024, cho thấy Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn đầu tư nước ngoài thực hiện đạt 4.962 triệu USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Bất chấp những thách thức đang bủa vây chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam đang khẳng định vị thế là điểm đến chiến lược của các nhà đầu tư quốc tế. Với sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, Việt Nam cam kết kiến tạo được một môi trường đầu tư cạnh tranh, hiện đại, hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI đã, đang và sẽ chọn Việt Nam làm điểm đến.
Trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đưa ra những chính sách thuế, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đánh giá đây chính là cơ hội cho cả hai bên tăng cường hợp tác, đồng thời cũng là mệnh lệnh để cả hai bên quyết tâm thực hiện.
Đỗ Kiều