Bao bì tiếng Hàn nhưng "made in PRC"
Theo ghi nhận của phóng viên, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều loại tã bỉm trẻ em với bao bì bắt mắt, được quảng cáo là bỉm Hàn, Nhật" với mức giá rẻ hoặc thậm chí cao hơn hẳn so với các thương hiệu được sản xuất trong nước. Nhiều bà mẹ đã tin tưởng vào những lời quảng cáo và mua về sử dụng. Tuy nhiên, thực sự nguồn gốc xuất xứ của những loại bỉm này ra sao?
Bỉm Gooby bao bì toàn tiếng Hàn Quốc, mang mã vạch 880 thể hiện xuất xứ sản xuất tại Hàn Quốc. Sản phẩm được quảng cáo hoa mỹ là "tã trẻ em được mẹ Hàn tin tưởng", "sản xuất theo công nghệ Hàn bởi Tập đoàn VK Trading Hàn Quốc" rầm rộ trên trên mạng. Song thực tế, đây là tã trẻ em được sản xuất tại Trung Quốc được nhập khẩu bởi một công ty có địa chỉ tại Hà Đông, Hà Nội. Điều đáng nói, công ty này cũng thường "quên" gắn tem phụ bằng tiếng Việt trên bao bì sản phẩm, không ghi tên công ty sản xuất hay xuất xứ ở đâu, dẫn đến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn về xuất xứ.
Tã trẻ em Trung Quốc với bao bì tiếng Hàn, mã vạch 880 xuất xứ Hàn Quốc và không tem phụ tiếng Việt dễ gây nhầm lần cho người tiêu dùng về xuất xứ hàng hóa.
Đặc biệt, khi thử tìm dòng chữ "Tã bỉm trẻ em Gooby tại Hàn Quốc" và "Tập đoàn VK trading Hàn Quốc" bằng tiếng Anh trên công cụ tìm kiếm Google cũng như cổng thông tin chính thức của Ủy ban Dịch vụ tài chính Hàn Quốc DART thì lại không thể tìm thấy bất kỳ hình ảnh, thông tin nào ngoài các trang bán hàng của Việt Nam.
Tã trẻ em Trung Quốc được quảng cáo trên mạng là bỉm của Nhật Bản
Hành vi mập mờ về nguồn gốc xuất xứ còn được thể hiện bằng cách viết tắt khiến người tiêu dùng dễ bị hiểu nhầm. Bỉm Hako được quảng cáo trên mạng là bỉm của Nhật Bản nhưng trên vỏ bao bì, phần xuất xứ nhà nhập khẩu lại chỉ in duy nhất dòng chữ "Made in PRC" khiến hầu hết người tiêu dùng không biết là ở đâu. Theo các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, 3 chữ cái PRC là ký hiệu viết tắt của cụm từ "People's Republic Of China" tức Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Như vậy, cụm từ "Made in PRC" có thể là các mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc.
Việc mập mờ về nguồn gốc xuất xứ không chỉ vi phạm Nghị định 111/2021/NĐ-CP về nhãn hàng hóa mà còn là hành vi gian lận thương mại, đánh tráo khái niệm, gây hiểu lầm cho người tiêu dùng. Luật sư Nguyễn Thế Truyền, Giám đốc Công ty Luật Thiên Thanh, nhận định: "Họ đưa ra nhãn mác như thế này là chưa đảm bảo theo quy định Việt Nam. Cơ quan chức năng có quyền xử phạt vi phạm hành chính hoặc buộc phải đầy đủ nhãn mác hoặc tiêu hủy, tùy từng hàng khác nhau. Đối với nhiều quốc gia khác thì có thể coi là hành vi gian lận thương mại khi cố gắng đánh tráo xuất xứ, khái niệm".
Ngoài các sản phẩm được quảng cáo là bỉm Nhật, bỉm Hàn nhưng lại mập mờ về xuất xứ, hiện nay trên các trang mạng xã hội còn bán các sản phẩm quảng cáo là "bỉm nội địa Trung cao cấp". Tuy nhiên, sản phẩm khi nhận về thì lại không hề có tem mác, nhãn phụ bằng tiếng Việt.
Nguy cơ gây hại cho sức khỏe trẻ em
Không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, việc sử dụng tã, bỉm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc còn tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe của trẻ nhỏ.
Một chuyên gia về da liễu cảnh báo: "Trong bỉm có những chất hóa học hay chất tẩy trắng công nghiệp hoặc mực in không đảm bảo sức khỏe, ngoài việc viêm da dị ứng thì có thể nhiễm độc mực in, ảnh hưởng đến sức khỏe sau này của trẻ ".
Theo một nghiên cứu của Viện Da liễu Hà Nội, cứ 1.000 bệnh nhân đến khám thì có 2 trẻ em bị dị ứng với bỉm, chủ yếu do sử dụng sản phẩm kém chất lượng và không đúng cách.
Việc lựa chọn bỉm cho trẻ em là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con trẻ. Chính vì vậy, bậc phụ huynh khi lựa chọn bỉm cho con nên ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, từ các thương hiệu uy tín đã được kiểm chứng về chất lượng và độ an toàn. Không nên ham rẻ, ham săn quà khuyến mãi mà mua các loại bỉm không rõ nguồn gốc vì có thể gây hại cho sức khỏe của trẻ khi trưởng thành.
Hãy là người tiêu dùng thông thái, cẩn trọng trước những chiêu trò quảng cáo và ưu tiên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Nhóm PV