Trong khi nhiều đoàn quốc tế phải rút lui vì điều kiện khắc nghiệt và nguy cơ sập đổ hiện hữu tại hiện trường vụ sạt lở ở Myanmar, đoàn công tác cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam vẫn kiên cường bám trụ, đưa được hàng chục nạn nhân, trong đó có một người còn sống, ra khỏi đống đổ nát. Với tinh thần "tác chiến thời bình" và lòng nhân đạo sâu sắc, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam không chỉ hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giao mà còn lan tỏa hình ảnh người lính Cụ Hồ giữa tâm bão hiểm nguy và mất mát.
Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trò chuyện với Đại tá Nguyễn Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Phó trưởng đoàn công tác tại Myanmar về chuyến cứu hộ đặc biệt lần này.
Đại tá Nguyễn Duy Minh - Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng), Phó trưởng đoàn công tác tại Myanmar. Ảnh: BQP
Tranh thủ từng phút, từng giờ
-Đại tá có thể cho biết tình hình hiện tại của đoàn sau khi hoàn thành nhiệm vụ?
Đại tá Nguyễn Duy Minh: Đoàn công tác cứu hộ của Quân đội nhân dân Việt Nam tại Myanmar đã về nước tối ngày 8/4. Có thể nói, chuyến công tác của đoàn Việt Nam, đặc biệt là đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Thời gian chuẩn bị cho sứ mệnh này chưa đầy 24 tiếng, trong bối cảnh khó khăn, đòi hỏi nhiều công tác chuẩn bị cả về không gian lẫn hoạt động để đảm bảo thành công tại Myanmar.
Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, các thủ trưởng, cơ quan, đơn vị trong Bộ đã phối hợp quyết liệt, khẩn trương, tranh thủ từng phút, từng giờ để đảm bảo mọi mặt cho đoàn hoạt động thành công trên đất bạn.
Ý chí của các thành viên đoàn xác định đây là nhiệm vụ tác chiến trong thời bình, nhận thức rõ tính cao cả và ý nghĩa nhân văn, nhân đạo mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao phó. Vì vậy, chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng để triển khai nhanh chóng, hỗ trợ bạn hiệu quả.
Ngay khi đến Thủ đô Yangon, đoàn đã di chuyển trong đêm đến Naypyidaw thực hiện sứ mệnh. Sáng hôm sau, chúng tôi làm việc với cơ quan chức năng Myanmar, xác định vị trí tìm kiếm trong điều kiện rất khó khăn: nắng nóng trên 40 độ, mùi thi thể nặng, nhiều thi thể ngập sâu trong nước, vẫn còn dư chấn và các công trình xung quanh có thể sụp đổ bất cứ lúc nào, đe dọa tính mạng đội cứu hộ. Dù vậy, chúng tôi đã vượt qua tất cả, hoàn thành nhiệm vụ mà phía Myanmar kỳ vọng. Tại Bệnh viện Wattv Natri, 17 thi thể mất tích và bị vùi lấp đã được cứu hộ thành công với tinh thần quyết tâm không lùi bước trước khó khăn. Chúng tôi tự hào khi nhiều đoàn khác đến rồi rời đi do tính chất phức tạp của việc cứu hộ, nhưng đoàn Việt Nam vẫn kiên trì.
Ngoài ra, chúng tôi đã hỗ trợ nhân đạo, bàn giao cho Myanmar 40 tấn lương khô, 3.000 liều thuốc và các thành viên đoàn quyên góp khoảng 5.000 USD, giao cho Bộ An sinh Xã hội Myanmar để chia sẻ khó khăn với họ. Đoàn cũng phối hợp chặt chẽ với các tổ công tác truyền thông như Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, Thông tấn xã, Báo Nhân Dân, Truyền hình Hà Nội để lan tỏa hình ảnh đội cứu hộ Việt Nam, đặc biệt là Quân đội nhân dân Việt Nam, trên các nền tảng xã hội, đến bạn bè quốc tế và nhân dân trong nước. Tôi xin chân thành cảm ơn các lực lượng phóng viên đã tiếp thêm sức mạnh, nâng cao vai trò, trách nhiệm, ý chí, và lan tỏa hình ảnh đất nước, quân đội, đặc biệt là hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ. Hoạt động này có ý nghĩa sâu sắc với cộng đồng quốc tế, thể hiện tinh thần quốc tế cao cả và bản sắc Việt Nam: thương người như thể thương thân. Chính điều đó đã giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ.
Coi nạn nhân như người thân của mình
- Trong quá trình cứu hộ, đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam đã cứu được 21 nạn nhân, trong đó một người còn sống, đó là kết quả rất đáng tự hào. Đặc biệt phải kể đến việc trước đó, nhiều đoàn đến khảo sát vị trí cứu hộ nhưng rồi lại bỏ đi, tại sao đoàn Quân đội Việt Nam vẫn quyết tâm ở lại và xử lý những khó khăn?
Đại tá Nguyễn Duy Minh: Khi nhận nhiệm vụ, với bản sắc và bản chất của con người Việt Nam cũng như Bộ đội Cụ Hồ, chúng tôi luôn vì nhân dân, phục vụ nhân dân và chiến thắng vì nhân dân. Khi đến Myanmar, chúng tôi coi những nạn nhân như người thân của mình.
Các bạn có thể thấy qua TikTok, tình cảm và sự tri ân của người dân Myanmar dành cho chúng tôi, những hàng dài người thân chờ đợi người thân còn bị vùi lấp trong đống đổ nát. Chúng tôi không thể bỏ cuộc, phải cố gắng đưa thi thể nạn nhân về với gia đình dù họ đã qua đời. Đó là phẩm chất cao đẹp của nhân dân Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam.
Người dân Myanmar bày tỏ cảm kích trước tinh thần quả cảm và nhiệt huyết của bộ đội Việt Nam. Ảnh: QĐND
- Đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam trước đó đã tham gia nhiều hoạt động cứu hộ từ Thổ Nhĩ Kỳ và nay là đến Myanmar. Qua lần này, đoàn chúng ta đã rút ra thêm kinh nghiệm quy báu gì từ những hoạt động vừa qua, thưa Đại tá?
Đại tá Nguyễn Duy Minh: Tình hình thế giới và khu vực hiện nay, đặc biệt là các vấn đề an ninh phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh, khiến chúng ta rất quan tâm đến năng lực cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ nhân dân trước những mối đe dọa. Việc tham gia cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ và Myanmar đã nâng cao năng lực cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng thời góp phần tham mưu chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, bảo vệ nhân dân từ sớm, từ xa.
Đây là những kinh nghiệm quan trọng để tổng kết thực tiễn, đúc rút lý luận, xây dựng tài liệu quy chuẩn, đảm bảo sự sẵn sàng trước thảm họa như tại Thổ Nhĩ Kỳ hay Myanmar. Điều này rất cần thiết để lực lượng quân đội, công an và các lực lượng khác trở thành nòng cốt bảo vệ nhân dân.
Xin cảm ơn ông!
Thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã khẩn trương thành lập Đoàn công tác đặc biệt gồm 80 cán bộ, chiến sĩ và gần 60 tấn hàng hóa, trang thiết bị, sang Myanmar từ ngày 30/3 đến 7/4/2025 để tham gia công tác cứu hộ, cứu nạn.
Trong điều kiện nguy hiểm, đoàn đã lập tức triển khai nhiệm vụ tại 3 điểm sụp đổ nghiêm trọng ở Naypyidaw: chung cư Ba-lai-tai-di, bệnh viện Oát-ta-ra Thi-ri và khách sạn Ay-chan-Tha. Bằng thiết bị chuyên dụng hiện đại như radar xuyên tường, radar tìm kiếm hình ảnh và chó nghiệp vụ, đoàn đã phát hiện 32 vị trí có nạn nhân, trực tiếp tìm kiếm tại 20 điểm, bàn giao 12 vị trí cho lực lượng sở tại. Kết quả, đoàn đã đưa ra 21 thi thể, cứu sống một thanh niên 26 tuổi và bàn giao lại cho gia đình nạn nhân trước sự xúc động và cảm kích của người dân địa phương.
Thế Duy