Ngày 5/11 là thời điểm bầu cử Tổng thống Mỹ 2024 diễn ra, là cuộc đua giữa ứng cử viên Đảng Cộng hòa cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên Đảng Dân chủ Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Cuộc bầu cử này sẽ tác động tới nền kinh tế Mỹ và rộng ra là nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam do những thay đổi về chính sách điều hành sắp tới.
Lo ngại nhiễu động có thể gia tăng trước bầu cử
Theo Trung tâm Phân tích CTCP Chứng khoán VPBank (VPBankS), thị trường chứng khoán Mỹ có sự điều chỉnh khi lo ngại nhiễu động có thể gia tăng trước kỳ bầu cử, đóng cửa điều chỉnh tuần thứ 2 liên tiếp. Chỉ số S&P 500 giảm 1,37% và Dow Jones đóng cửa giảm 0,15% so với tuần trước. Kết quả kinh doanh của các cổ phiếu lớn trong nhóm công nghệ gây thất vọng cùng với diễn biến của Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần, đang làm dấy lên mối lo ngại về những nhiễu động trong ngắn hạn.
Về dữ liệu kinh tế, Chỉ số PMI sản xuất của ISM thấp hơn dự báo, chỉ ra một sự suy giảm đáng kể khác trong sản xuất. Bên cạnh đó, báo cáo việc làm của Mỹ chỉ cho thấy 12.000 việc làm được thêm vào tháng 10, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng, mặc dù dữ liệu bị ảnh hưởng do sự gián đoạn do bão và cuộc đình công của Boeing.
Việt Nam là số ít trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại (Trade war)
Với những dữ liệu kinh tế yếu đi, giới đầu tư kỳ vọng Fed sẽ giữ lộ trình hạ lãi suất với mức 25 điểm cơ bản vào kỳ họp chính sách sắp tới (7/11) với tỷ lệ lên đến 98,9%.
VPBankS nhận định về thuế doanh nghiệp, ông Donald Trump đề xuất gia hạn một số phần của Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, chủ yếu là các điều khoản sẽ hết hạn vào năm 2025: Giảm thuế doanh nghiệp từ 21% xuống còn 15%; thúc đẩy đầu tư và tăng trưởng kinh tế, với kỳ vọng mức tăng trưởng trung bình hàng năm vượt 3%. Những người trong nhóm 0,1% giàu nhất nước này sẽ có thu nhập sau thuế tăng gần 377.000 USD. Còn nhóm 20% nghèo nhất chỉ nhận thêm 320 USD.
Chuyên gia VPBankS đánh giá, các chính sách này có thể khiến ngân sách Mỹ hao hụt 6.000 tỷ USD hoặc hơn, ngay cả khi không gia hạn giảm thuế, Mỹ vẫn có thể đối mặt với thâm hụt 22.000 tỷ USD trong thập kỷ tới. Chính sách giảm thuế của Trump sẽ ít tác động đến tăng trưởng tổng thể trong 10 năm vì khối nợ tăng lên.
Về thuế đối với hàng hóa nhập khẩu, ông Donald Trump đề xuất áp dụng thuế 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu từ nước ngoài vào Hoa Kỳ và mức thuế 60%-100% trở lên đối với hàng hóa Trung Quốc. Khẳng định chính sách không làm tăng lạm phát. Mục tiêu chính của sắc thuế này là khiến hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, từ đó thúc đẩy sản xuất trong nước, tăng việc làm trong nước.
Cựu Tổng thống Donald Trump cũng đề xuất không đánh thuế tiền hoa hồng, tiền làm thêm giờ hoặc trợ cấp cho người lao động và dừng thu thuế từ tiền phúc lợi an sinh xã hội. Bà Harris cũng ủng hộ ý tưởng không áp thuế với tiền hoa hồng. ”Loại trừ tiền hoa hồng khỏi thuế không có khả năng mang lại nhiều sự thúc đẩy kinh tế ngay cả khi một số cá nhân cảm thấy khá hơn khi chỉ có 2,5% người lao động nhận được tiền hoa hồng và nhiều người không kiếm đủ tiền để nộp thuế thu nhập cho chính phủ liên bang”- báo cáo VPBankS nhận định.
Về thuế, chính sách của bà Kamala Harris đề xuất giảm thuế cho những người có thu nhập trung bình và thấp, đồng thời đề xuất tăng thuế đối với những người giàu có, đồng thời, tăng thuế suất doanh nghiệp từ mức hiện tại là 21% lên 28%. Ước tính các chính sách của bà Kamala Harris sẽ khiến Mỹ chi thêm 2.300 tỷ USD. Đề xuất tăng thuế với doanh nghiệp lên 28% giúp ngân sách có thêm 1.100 tỷ USD tiền thuế. Giảm thu nhập trung bình của nhóm 0,1% giàu nhất khoảng 167.000 USD. Ngược lại, nhóm 20% nghèo nhất sẽ được nhận thêm 2.355 USD.
Tính toán của VPBankS cho thấy, kế hoạch của bà Kamala Harris sẽ làm tổn hại đến tăng trưởng nhiều hơn so với Trump. Các chuyên gia cho rằng cả Harris và Trump sẽ khiến khối nợ của quốc gia tăng nhanh hơn so với hiện tại bởi điều này sẽ suy yếu các công ty Mỹ và giảm tốc nền kinh tế.
Việt Nam là số ít trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hưởng lợi
Các chuyên gia của VPBankS cho rằng, Việt Nam là số ít trong các quốc gia tại khu vực Đông Nam Á hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại (Trade war) do cựu Tổng thống Trump khởi xướng.
“Nếu ông Trump tiếp tục thắng cử và Mỹ áp đặt thuế 60% đối với Trung Quốc, Việt Nam có thể gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ. Bên cạnh đó, lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp có thể hưởng lợi nhờ làn sóng chuyển nhà máy tiếp tục tăng mạnh theo dòng vốn FDI”, báo cáo của VPBankS nhận định.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, không có đủ bằng chứng liên kết giữa sự chuyển động của VN-Index với danh tính hoặc mối quan hệ đảng phái của Tổng thống Mỹ.
Dự báo về xu hướng của thị trường chứng khoán trong tuần diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ, các chuyên gia VPBankS nhìn nhận, chỉ số VN-Index có thể phản ứng kỹ thuật từ 1.240 – 1.250 điểm tạo ra nhịp hồi kỹ thuật ngắn hạn với biên dao động dữ kiến trong khoảng 1.240 – 1.265 điểm. Khả năng giảm mạnh có thể xuất hiện nếu chỉ số để mất hỗ trợ 1.240 điểm.
Về chiến lược đầu tư, các chuyên gia khuyến nghị tiếp tục hạ tỷ trọng danh mục trong các nhịp sóng hồi ngắn hạn giữ tỷ trọng tiền/CP ở mức 70/30 chờ đợi giải ngân tại các điểm mua trung hạn. Với nhà đầu tư ưa thích trading có thể canh vùng giải ngân tại hỗ trợ 1.235 – 1.240 điểm nhằm đón các nhịp sóng hồi. Hiện tại, xu hướng thị trường vẫn tiềm ẩn nhiều nhiễu động do dó ưu tiên chiến lược trading ngắn hạn. Vùng mua trung hạn tại 1.185 – 1.200 điểm.
Ngọc Ngân