Quang cảnh cảng hàng hóa tại Bayonne, New Jersey, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Sau nhiều tháng leo thang căng thẳng và áp đặt thuế quan qua lại, động thái xoa dịu căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang mang đến những tín hiệu tích cực cho nền kinh tế Mỹ. Theo Wall Street Journal ngày 13/5, việc tạm hoãn và giảm thuế quan, dù chỉ là bước đi ban đầu, đã làm dịu bớt những lo ngại về nguy cơ suy thoái và mở ra cơ hội phục hồi tăng trưởng.
Dựa trên tính toán của các nhà kinh tế tại UBS, việc trì hoãn áp thuế trong 90 ngày sẽ giúp giảm đáng kể gánh nặng thuế quan thực tế cho các nhà nhập khẩu, xuống còn khoảng 35%. Con số này tuy vẫn còn đáng kể so với trước khi cuộc chiến thương mại nổ ra, nhưng đã loại bỏ nguy cơ thương mại song phương bị đình trệ hoàn toàn, một kịch bản có thể đẩy các doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng nhập khẩu vào bờ vực phá sản.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, việc giảm thuế quan không chỉ giúp giảm nguy cơ suy thoái mà còn có tác động tích cực đến dự báo tăng trưởng GDP của Mỹ. Tổ chức Oxford Economics đã điều chỉnh giảm xác suất suy thoái trong 12 tháng tới từ 45% xuống 35% và nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2025 lên 1,3%, tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Nhà kinh tế trưởng Ryan Sweet của Oxford Economics nhấn mạnh rằng việc bãi bỏ quy định, kích thích tài khóa và giảm bớt bất ổn chính sách sẽ mang lại nhiều triển vọng tốt đẹp hơn cho nền kinh tế trong năm tới.
Đồng quan điểm, các nhà kinh tế từ UBS ước tính rằng việc giảm thuế quan có thể đóng góp thêm khoảng 0,4 điểm phần trăm vào tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm nay. Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng của Nationwide, cũng lạc quan hơn khi cho rằng Mỹ sẽ kết thúc năm với mức tăng trưởng khiêm tốn, thay vì tình trạng trì trệ kinh tế như dự đoán trước đó. Ngay cả chuyên gia kinh tế Samuel Toombs của Pantheon Macroeconomics cũng điều chỉnh giảm tỷ lệ dự báo suy thoái trong năm tới từ 1/3 xuống còn 1/5.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent khẳng định rằng Mỹ đang tìm kiếm một "thỏa thuận thương mại lâu dài và bền vững" với Trung Quốc, cho thấy mong muốn thiết lập lại mối quan hệ kinh tế ổn định hơn. Các nhà kinh tế cho rằng việc này sẽ đưa nền kinh tế Mỹ trở lại vai trò quen thuộc là quốc gia tiêu thụ hàng hóa chính, đồng thời giảm bớt áp lực phải sử dụng biện pháp "liệu pháp sốc thuế quan" để tái thiết vị thế cường quốc sản xuất.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế không hoàn toàn màu hồng. Chuyên gia kinh tế Toombs ước tính rằng thuế quan vẫn có thể làm tăng thêm khoảng 1 điểm phần trăm vào lạm phát cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), gây áp lực lên quyết định cắt giảm lãi suất của ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, mức thuế quan sau điều chỉnh, dù đã giảm, vẫn cao hơn đáng kể so với trước khi cuộc chiến thương mại bắt đầu, có khả năng làm giảm biên lợi nhuận của doanh nghiệp và đẩy giá hàng nhập khẩu lên cao, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
Ông Michael Wieder, đồng sáng lập của công ty Lalo, doanh nghiệp nhập khẩu phần lớn hàng hóa từ Trung Quốc, cho biết mức thuế mới vẫn là một "sự điều chỉnh lớn" và gây ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty. Sự không chắc chắn liên tục về chính sách thuế quan cũng có thể khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư và mở rộng sản xuất.
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Adriana Kugler cũng lưu ý rằng các chính sách thương mại đang phát triển và có khả năng tiếp tục thay đổi, tạo ra những tác động kinh tế đáng kể. Một số nhà kinh tế còn lo ngại rằng việc giảm thuế quan có thể đồng nghĩa với việc ít việc làm sản xuất được chuyển về Mỹ hơn và nguồn thu thuế từ hàng hóa Trung Quốc cũng sẽ giảm sút.
Dù vậy, nhà kinh tế trưởng quốc tế của ING, James Knightley, nhận định rằng động thái hạ thuế cho thấy cả hai bên đều cảm nhận được những tổn thất kinh tế do thuế quan gây ra, và việc giảm thuế sẽ mang lại lợi ích cho cả Mỹ và Trung Quốc. Việc "tách rời" hoàn toàn giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như là một kịch bản khó xảy ra, và việc tìm kiếm một giải pháp cân bằng hơn đang trở thành ưu tiên hàng đầu.
Trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức khác như vấn đề nhập cư, cắt giảm chi tiêu chính phủ và gánh nặng nợ sinh viên, việc hạ nhiệt căng thẳng thương mại với Trung Quốc là một bước đi đúng hướng, mang lại hy vọng về sự ổn định và phục hồi tăng trưởng trong tương lai, dù chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc