Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để Việt Nam tạo ra thay đổi lâu dài cho nền kinh tế, trong bối cảnh Đảng và Chính phủ đang nỗ lực cải cách thể chế và phát triển khoa học - công nghệ (KHCN).
Những tác động đến thế giới và Việt Nam
Rạng sáng 3-4 theo giờ Việt Nam, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam nằm ở nhóm những quốc gia bị áp thuế đối ứng cao nhất, lên đến 46%.
Ngành dệt may Việt Nam chịu áp lực nặng nề bởi phần lớn nguyên liệu đều đến từ Trung Quốc, quốc gia bị Mỹ áp thuế cao nhất. Ảnh minh họa: Đức Hòa.
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, Tổng lãnh sự của Việt Nam tại San Francisco, California (Mỹ), từ ngày 5-4-2025, mức thuế cơ bản 10% sẽ áp dụng cho mọi hàng nhập khẩu từ các đối tác thương mại. Từ ngày 9-4, mức thuế “có đi có lại” cao hơn sẽ áp lên hơn 60 quốc gia được Mỹ coi là "gây mất cân bằng thương mại", như Trung Quốc (34%) và Việt Nam (46%).
Theo ông, điểm đặc biệt của chính sách này, không chỉ là thuế quan đơn thuần mà còn kết hợp cả rào cản phi quan thuế và các chính sách thao túng tiền tệ mà Mỹ cho rằng các quốc gia đang áp dụng cho hàng hóa Mỹ.
Hơn nữa, dù tăng thuế cao đột ngột nhưng Tổng thống Trump coi mức thuế “có đi có lại” này là “hữu nghị”, vì Mỹ mới chỉ áp 50% mức thuế tính theo một công thức khá phức tạp của Bộ Tài chính Mỹ, nhằm để lại "dư địa linh hoạt" cho đàm phán.
Về công thức tính thuế quan, chính quyền Tổng thống Trump sử dụng công thức là: Thâm hụt thương mại song phương/Tổng giá trị nhập khẩu từ nước đó.
Với trường hợp Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ là 136,6 tỉ đô la Mỹ, nhập khẩu là 13,1 tỉ đô la. Như vậy, thâm hụt là 123,5 tỉ đô la, tương đương 90% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu mà Mỹ cho rằng đây là mức thuế mà Việt Nam đang áp cho hàng hóa Mỹ. Điều này khiến Mỹ áp thuế 46%, tức một nửa mức tính toán.
Với Trung Quốc, mức thuế 67% là dựa trên thâm hụt khoảng 320 tỉ đô la, tương đương 67% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu. Như vậy, Trung Quốc chịu mức thuế quan là 34%, bằng một nửa của 67%. Nhưng thực tế, quốc gia này chịu mức thuế "trừng phạt" lớn hơn vì đã có thuế nền 20% trước đó, nên tổng thực tế sẽ ít nhất là 54%.
Theo Đại sứ Hoàng Anh Tuấn, công thức này phản ánh mức độ mất cân bằng thương mại, theo cách tính của Mỹ, không dựa vào thuế danh nghĩa các nước công bố. Bối cảnh này giúp ông Tuấn đưa ra một số nhận định ban đầu.
Chẳng hạn, thuế không chỉ là công cụ tài chính mà là vũ khí kinh tế - chính trị, tích hợp an ninh quốc gia và tiền tệ, nhắm vào cấu trúc thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, với mức thuế "hữu nghị" 50%, Tổng thống Trump cho rằng mức thuế "có đi có lại" này mới chỉ bằng nửa mức Mỹ tính toán, thể hiện ý định linh hoạt, mở đường cho đàm phán song phương với các nước.
Về tác động, ông Tuấn dự báo chính sách thuế quan mới có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng, đẩy các nước và doanh nghiệp hướng tới nội địa hóa sản xuất, thay đổi xu thế thương mại tự do. Đồng thời, chính sách thuế mới cũng buộc các quốc gia điều chỉnh chính sách tỷ giá, thuế suất, hoặc mở cửa thị trường để tránh bị áp thuế cao hơn trong tương lai.
Theo đó, các nền kinh tế như Nhật Bản, Hàn Quốc, EU sẽ chịu mức thuế lần lượt là 24%, 25%, 20%, gây căng thẳng quan hệ đồng minh, dù mức thuế thấp hơn các nước xuất siêu lớn như Việt Nam.
Với chính sách thuế quan mới, Mỹ sẽ ở vị trí trung tâm, buộc các quốc gia đàm phán lại hiệp định thương mại theo chuẩn “America First” thay vì quy tắc chung toàn cầu. Theo đó, thuế quan là đòn bẩy mặc định, buộc các quốc gia chấp nhận điều khoản thương mại có lợi cho Mỹ thay vì dựa vào thể chế đa phương như trước.
Tuy nhiên, với chính sách này, các doanh nghiệp Mỹ phụ thuộc nhập khẩu, như Apple, Nike, phải tái cấu trúc chuỗi cung ứng, đối mặt tăng chi phí hoặc giảm lợi nhuận.
Về tác động với kinh tế Việt Nam, ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công, tính toán nếu kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ không đổi, khoảng 119 tỉ đô la mỗi năm thì hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ sẽ phải chịu khoảng 54,74 tỉ USD tiền thuế - tương đương hơn 10% GDP của Việt Nam.
Mức thuế chính quyền của Tổng thống Trump áp dụng với Việt Nam tương đương với một số quốc gia như Campuchia, Lào, Sri Lanca, Trung Quốc. Tuy nhiên, việc này được đánh giá là “kịch bản tồi tệ”, khi mức đánh thuế với hàng hóa Việt Nam cao hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Trong đó, có những nước là đối thủ của Việt Nam tại thị trường Mỹ như Thái Lan 36%, Ấn độ 26%, Indonesia 32%, Malaysia 24%, Bangladesh 37%, Philippines 17%, Pakistan 29%...
“Như vậy nếu xét tương quan thì hàng hóa của Việt Nam sẽ chịu thuế cao hơn khoảng 10-20% so với đối chủ chính. Các mặt hàng chính gồm đồ điện, điện tử, dệt may, da giày, nội thất”, ông Đức lưu ý.
Làm gì để giảm thiểu tác động?
Với dự báo ảnh hưởng của chính sách thuế quan không chỉ dừng lại ở hơn 60 quốc gia, mà sẽ gây hệ lụy trên phạm vi toàn cầu, ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng của Công ty chứng khoán SSI, cho rằng quy mô tác động thậm chí có thể tương đương với các đợt suy thoái kinh tế lớn hoặc đại dịch Covid-19. Do đó, các tính toán hiện nay mới chỉ là tương đối và cần nhìn nhận vấn đề ở góc độ rộng hơn.
Với Việt Nam, ông cho rằng, mức thuế 46% nhiều khả năng chỉ là "mức trần" nhằm tạo dư địa để đàm phán. Vì vậy, có thể thương lượng để đưa mức thuế này về ngưỡng thấp hơn sau đó.
Để giảm thiểu tác động, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại, gồm giảm thuế nhập khẩu một số mặt hàng, cấp phép thí điểm cho dịch vụ internet vệ tinh Starlink, lấy ý kiến về Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược do Bộ Công Thương chủ trì.
Đánh giá tác động đến ngành thép, ông Hưng cho biết, Việt Nam không xuất khẩu quá nhiều thép sang Mỹ và các mặt hàng thép cũng không bị áp mức thuế quá cao. Ngoài ra, nhiều sản phẩm còn được áp dụng chính sách thuế riêng, nên ngành thép trong nước sẽ không chịu tác động quá lớn từ chính sách mới.
"Các ảnh hưởng ngắn hạn chắc chắn là có nhưng dài hạn không có chuyện mức thuế này kéo dài hàng năm. Sẽ có sự bình thường hóa, đàm phán để Việt Nam có thể chịu thuế thấp hơn, thậm chí có thể 10%", ông kỳ vọng.
Mục tiêu xuất khẩu 29 tỉ đô la Mỹ trong năm 2025 của ngành da giày sẽ chịu không ít tác động từ chính sách thuế quan mới. Ảnh: TL
Bổ sung, TS Bùi Quý Thuấn, Phó trưởng ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), đánh giá chính sách thuế quan của Tổng thống Trump sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tạo ra thay đổi tích cực về lâu dài, trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải cách thể chế và phát triển KHCN.
“Việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP… hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal.
Với bối cảnh trước mắt, Chính phủ cần tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ về mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ. Đồng thời, tăng cường hút đầu tư từ các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam và mua hàng từ Mỹ
Để trụ vững trước áp lực về thuế quan, chuyên gia này khuyến nghị doanh nghiệp chú trọng hơn vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng thị trường và cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt.
“Chỉ như vậy mới có thể cạnh tranh sòng phẳng mà không lo ngại những rủi ro về chính sách thuế, cũng như các rào cản phi thuế quan từ các đối tác thương mại trong tương lai”, ông Thuấn lưu ý.
Vân Phong