Sau khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh tạm thời đóng băng các khoản viện trợ nước ngoài của Mỹ trong 90 ngày để xem xét liệu các khoản viện trợ này có phù hợp với đường lối, chính sách của chính quyền ông hay không.
Tại Sudan – nơi đang bị nạn đói hoành hành, các bếp ăn từ thiện cung cấp thức ăn cho hàng trăm ngàn thường dân bị mắc kẹt trong vùng chiến sự đã phải đóng cửa. Tại Thái Lan, những người tị nạn mắc các căn bệnh nguy hiểm đã bị các bệnh viện trong trại tị nạn từ chối và đưa đi trên những chiếc cáng tạm bợ. Tại Ukraine, cư dân ở những vùng chiến sự có thể sẽ không có củi vào giữa mùa đông.
Theo tờ The New York Times, chỉ trong vài ngày, sắc lệnh của ông Trump về việc đóng băng gần như toàn bộ viện trợ nước ngoài của Mỹ đã làm trầm trọng thêm các cuộc khủng hoảng nhân đạo. Trong bối cảnh đó, nhiều nhóm dân cư dễ bị tổn thương đối mặt những mối đe dọa từ nạn đói, bệnh tật và thiếu nơi trú ẩn.
Mỹ viện trợ lương thực cho người dân vùng lũ tại Nam Sudan vào năm 2023. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
Nhiều hoạt động viện trợ tê liệt
Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nhấn mạnh "hoạt động hỗ trợ nhân đạo cứu người" là những hoạt động "cốt lõi" nhằm cung cấp thực phẩm, thuốc men, nơi trú ẩn và các nhu cầu khẩn cấp khác cho những người có nhu cầu.
Theo ông Rubio, các hoạt động hỗ trợ này chỉ là tạm hoãn và có thể sẽ được tiếp tục thực hiện trong tương lai. Dù vậy, trong lúc đó, hàng trăm quan chức cấp cao và nhân viên giúp phân phối viện trợ của Mỹ đã bị sa thải hoặc cho nghỉ phép, đồng thời nhiều nỗ lực cứu trợ vẫn bị tê liệt trên khắp thế giới.
Các nhân viên y tế cho biết những tác động của lệnh đóng băng viện trợ đối với sức khỏe cộng đồng là rất lớn. Tại Nepal, chương trình do Mỹ tài trợ trị giá 72 triệu USD nhằm giảm tình trạng suy dinh dưỡng đã bị đình chỉ. Tại Nam Phi và Haiti, các quan chức và nhân viên cứu trợ lo ngại rằng hàng trăm ngàn người có thể tử vong nếu chính quyền ông Trump rút lại sự hỗ trợ cho chương trình ngăn ngừa HIV/AIDS tại những nơi này.
Quỹ Dân số Liên hợp quốc cho hay do việc đóng băng viện trợ, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ, sức khỏe tâm thần cho hàng triệu phụ nữ ở Afghanistan, Pakistan, Gaza, Ukraine và những nơi khác đã bị gián đoạn hoặc bị xóa bỏ. Tại Afghanistan, 1.700 phụ nữ Afghanistan làm việc cho cơ quan này có thể bị mất việc nếu các khoản viện trợ từ Mỹ đóng băng hoàn toàn.
Điều đáng lo ngại không chỉ các chương trình nhân đạo của Mỹ bị đóng băng mà cả việc thúc đẩy lợi ích an ninh của Mỹ cũng bị ảnh hưởng. Tại Bờ Biển Ngà, một chương trình do Mỹ tài trợ nhằm thu thập thông tin tình báo về các sự cố liên quan nhóm khủng bố Al Qaeda cũng đã bị gián đoạn.
Tại Cộng hòa Dân chủ Congo, một số khoản tài trợ cho các cơ quan của Liên Hợp Quốc – nhằm hỗ trợ hơn 4,5 triệu người phải sơ tán do xung đột – cũng đã bị đóng băng. Nhìn chung, phần lớn hệ thống viện trợ của Mỹ tại châu Phi đã bị tê liệt.
"Khi họ ban hành những mệnh lệnh chung chung này, họ dường như không hiểu chính xác họ đang làm gì" – ông Jeremy Konyndyk, cựu quan chức cấp cao của USAID dưới thời chính quyền ông Biden, nêu quan điểm.
Một người phụ nữ đang bán đồ hộp tự làm tại miền bắc Ukraine vào tháng 12-2024. Ảnh: THE NEW YORK TIMES
“Mọi người đều hoảng loạn”
Hầu hết các bếp ăn từ thiện ở Khartoum (Sudan), vốn là nguồn nuôi sống 816.000 người dân trong khu vực, đã đóng cửa. Cho đến tuần trước, tài trợ từ Mỹ là nguồn tiền lớn nhất giúp cho các bếp ăn hoạt động.
"Đối với hầu hết mọi người [ở Khartoum], đó là bữa ăn duy nhất họ có được" – ông Hajooj Kuka, phát ngôn viên của nhóm tình nguyện Phòng ứng phó khẩn cấp tại thủ đô Khartoum, cho biết. Theo ông Kuka, hiện tại, 434 trong số 634 bếp ăn tình nguyện tại Khartoum đã đóng cửa.
"Mọi người đều hoảng loạn" – ông Atif Mukhtar, làm việc tại Phòng ứng phó khẩn cấp, cho biết.
Mỹ tài trợ học bổng cho hơn 1.000 sinh viên đại học tại các trường đại học tư thục và công lập tại Ai Cập. Việc các nguồn tài trợ bị đóng băng đồng nghĩa những sinh viên này có thể mất cơ hội học tập.
“Tôi thực sự bị sốc và không biết phải làm gì, đặc biệt là khi họ bảo chúng tôi rời khỏi ký túc xá ngay lập tức” – Ahmed Mahmoud, một sinh viên sắp bắt đầu học kỳ tới tại Đại học Mỹ (Ai Cập), cho hay. Giờ đây, Mahmoud phải dọn đồ của anh vào 5 chiếc hộp và chuẩn bị dọn đi.
Việc Mỹ đóng băng nguồn viện trợ thậm chí khiến nhiều người bất bình.
"Chúng tôi đã phụ thuộc quá nhiều vào một nhà tài trợ. Nhưng điều này thực sự khiến chúng tôi bị sốc. Bạn không thể lấy đi thức ăn của những người đang chết đói" – ông Mukhtar cho biết.
Ở biên giới Thái Lan và Myanmar, những tác động từ quyết định của ông Trump là rất rõ ràng.
Ông Saw Nah Pha sống tại trại tị nạn Mae La – trại tị nạn lớn nhất tại khu vực biên giới Thái Lan-Myanmar. Ông cho biết ông đã được đề nghị rời khỏi một bệnh viện do Mỹ tài trợ tại khu vực trại tị nạn. Trước khi rời đi, các nhân viên ở đây phát cho ông 1 tuần thuốc và thông báo rằng đó là tất cả những gì họ có thể cung cấp. "Khi thuốc của tôi hết, tôi không còn nơi nào khác để lấy nữa" – ông nói.
Người dân tại một điểm trú ẩn tạm thời tại biên giới Thái Lan-Myanmar. Ảnh: EPA
Ông Saw Tha Ker – người đứng đầu trại tị nạn Mae La – cho biết ông đã được Ủy ban Cứu hộ Quốc tế (nhận tài trợ từ Mỹ) thông báo rằng rằng họ sẽ ngừng hỗ trợ chăm sóc y tế, quản lý nước và chất thải cho tất cả 7 bệnh viện trong trại tị nạn.
Ông Tha Ker cho biết ông và nhân viên đã phải thông báo cho 60 bệnh nhân trong một bệnh viện rằng họ phải về nhà. Các video được đăng trên mạng xã hội cho thấy những người bệnh được khiêng ra khỏi bệnh viện trên những chiếc cáng tạm.
"Chúng tôi giải thích với họ rằng bản thân bệnh viện của chúng tôi giống như một người đang vật lộn để thở bằng mũi của người khác. Bây giờ khi hỗ trợ đã dừng lại, chúng tôi cảm thấy như thể mình chỉ đang chờ đợi sự kết thúc" – ông Tha Ker nói.
KHOA ĐIỀM