Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục trải qua một phiên giao dịch nhiều biến động, khi tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi các tín hiệu từ thị trường quốc tế. VN-Index giảm hơn 11 điểm, mức giảm mạnh nhất trong vòng một tháng qua.
Trong rổ VN30, có 26 mã giảm giá và chỉ 2 mã tăng
Ngay từ đầu phiên giao dịch ngày 19/12, sau lệnh ATO, chỉ số VN-Index đã rới nhanh xuống dưới ngưỡng tham chiếu, dao động trong khung 1.254-1.260 điểm trong suốt buổi sáng. Sang buổi chiều, thị trường giữ xu hướng đi ngang trước khi thủng mốc 1.250 điểm vào cuối phiên ATC. Nhờ lực cầu bắt đáy xuất hiện trong những phút cuối, VN-Index đóng cửa tại 1.254,67 điểm, giảm 11,33 điểm (-0,89%) so với phiên trước.
Toàn sàn HoSE ghi nhận 322 mã cổ phiếu giảm giá, cao gấp 4,3 lần so với số mã tăng. Thanh khoản trên sàn đạt hơn 17.800 tỷ đồng, mức cao nhất trong hai tuần qua. Nhiều ngành quan trọng như thực phẩm - đồ uống, tài nguyên, ngân hàng, bất động sản và hóa chất đều rơi mạnh, tạo áp lực kéo chỉ số chung giảm sâu.
Trong rổ VN30, có 26 mã giảm giá và chỉ 2 mã tăng. Các mã như VCB, HPG, TCB, và VHM đóng vai trò chính trong việc kéo VN-Index lao dóc. Trong khi đó, một số mã như SAM, YEG, VCA và TDH ngược dòng tăng trần nhờ thanh khoản thấp.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng khoảng 481 tỷ đồng, tập trung vào các mã SSI và VPB. Dù vậy, mức bán ròng này vẫn thấp hơn so với giai đoạn cuối tháng 11.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm mạnh này đến từ tác động của các yếu tố quốc tế và tâm lý nhà đầu tư trong nước. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu giảm tốc độ nới lỏng tiền tệ trong năm tới, với dự báo tổng mức giảm lãi suất năm 2025 chỉ khoảng 50 điểm cơ bản. Điều này khiến các chỉ số chính trên Phố Wall giảm khoảng 3%, kéo theo các thị trường châu Á như Hang Seng, Nikkei và Kospi lao dốc.
Đặc biệt, phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell nhấn mạnh việc giảm lãi suất tiếp theo sẽ phụ thuộc vào tiến triển trong kiểm soát lạm phát, khiến tâm lý thận trọng bao trùm các nhà đầu tư. Trên thị trường quốc tế, Dow Jones giảm 2,58%, S&P 500 mất 2,95%, và Nasdaq Composite giảm sâu nhất với mức 3,56%.
Tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến việc bán tháo cổ phiếu ở nhiều ngành quan trọng. Số lượng cổ phiếu giảm giá trên sàn HoSE vượt xa số mã tăng, phản ánh sự lo ngại lan rộng. Thêm vào đó, phiên đáo hạn phái sinh ngày 19/12 càng làm gia tăng biến động trên thị trường.
Nhà đầu tư trong nước được khuyến nghị không nên hoảng loạn bán tháo mà cần tiếp tục quan sát, đặc biệt lựa chọn những mã có yếu tố cơ bản tốt cho danh mục đầu tư dài hạn. Chân dung thị trường có thể sớm được cân bằng nhờ vào vùng hỗ trợ quanh 1.250 điểm.
Yến Linh