Tác động từ việc tàu ngầm của Hải quân Liên bang Nga bất ngờ 'mất tích' ở Biển Đen

Tác động từ việc tàu ngầm của Hải quân Liên bang Nga bất ngờ 'mất tích' ở Biển Đen
19 giờ trướcBài gốc
Ngày 16/7/2024, người phát ngôn của Hải quân Ukraine, ông Dmytro Pletenchuk đã xác nhận với báo The Kyiv Independent rằng tàu tuần tra cuối cùng thuộc Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên bang Nga rời Crimea vào hôm 15/7/2024. Ảnh: mediacenter.org.ua
Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến của Moskva chống lại Kiev, Hạm đội Biển Đen của Hải quân Liên bang Nga vận hành sáu tàu ngầm thông thường thuộc lớp Varshavyanka. Trong số đó, hai tàu ngầm Novorossiysk và Krasnodar đã được triển khai đến Địa Trung Hải trước khi xung đột bắt đầu và chưa quay lại Biển Đen.
Tàu ngầm thứ ba, Rostov-on-Don, được báo cáo là đang ở xưởng sửa chữa tại Sevastopol vào tháng 9/2023, sau khi bị hư hại do cuộc tấn công của tên lửa Storm Shadow-FK của Ukraine và chưa có báo cáo hoạt động trở lại kể từ đó.
Theo tình báo Ukraine, ba tàu ngầm còn lại được cho là đang hoạt động ở Biển Azov, nơi chúng vẫn nằm ngoài tầm phát hiện của Ukraine. Từ đây, các tàu ngầm này đã phóng từ 4 - 8 tên lửa hành trình Kalibr nhắm vào các mục tiêu ở Ukraine.
Vị trí chiến thuật ngoài tầm với của thiết bị bay không người lái (UAV) của Ukraine này cho phép Liên bang Nga duy trì sự mơ hồ chiến lược, khiến Ukraine gặp khó khăn trong việc dự đoán và đối phó hiệu quả với các cuộc tấn công bằng tên lửa.
Căn cứ hoạt động của các tàu ngầm này có khả năng là Novorossiysk, nơi các thành phần hoạt động của Hạm đội Biển Đen đã chuyển đến sau khi rút hoàn toàn khỏi cảng Sevastopol ở Crimea vào giữa tháng 7/2024.
Việc chuyển đến Novorossiysk không chỉ giúp các tàu ngầm Hải quân Liên bang Nga có một cảng an toàn hơn, tránh xa mối đe dọa từ các cuộc tấn công của Ukraine, mà còn đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho việc tiếp tế và bảo dưỡng.
Động thái này phản ánh sự thay đổi trong động lực tại khu vực Biển Đen, nơi sự thống trị hải quân truyền thống ngày càng bị thách thức bởi các mối đe dọa phi đối xứng như chiến tranh bằng thiết bay không người lái và các cuộc tấn công chính xác tầm xa.
Có khả năng tàu ngầm Alrosa, một tàu ngầm lớp Kilo, từng được bố trí tại cảng Sevastopol, nhưng đã ngừng hoạt động do tuổi thọ hơn 30 năm, lại được cải tiến để triển khai các tên lửa hành trình hiện đại sau khi Moskva mất các phương tiện khác.
Nếu đúng, sự cải tiến này cho thấy Liên bang Nga đang ứng phó chiến lược một cách linh hoạt và việc kéo dài tuổi thọ của các tàu cũ giúp nước này duy trì khả năng phóng tên lửa từ tàu ngầm, dù có thể với hiệu suất hoạt động thấp hơn.
Hiện tại, không có tàu ngầm nào của Hải quân Liên bang Nga hoạt động ở Biển Đen. Sự vắng mặt này là một sự thay đổi đáng kể, xét đến vai trò lịch sử của tàu ngầm trong việc thể hiện sức mạnh và duy trì kiểm soát hàng hải trong khu vực.
Tàu ngầm Rostov-on-Don từng bị hư hại đáng kể trong một cuộc tấn công vào xưởng đóng tàu hồi tháng 9/2023. Ảnh: CIT/X
Khoảng trống do các tàu ngầm này để lại có thể khuyến khích các hoạt động của Hải quân Ukraine và tăng hiệu quả của các hệ thống phòng thủ ven biển và chống hạm do phương Tây cung cấp. Ngoài ra, tính toán chiến lược của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại khu vực Biển Đen cũng có thể thay đổi, vì sự suy giảm số lượng tàu ngầm Liên bang Nga hiện diện ở đây làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực.
Sự vắng mặt của tàu ngầm Liên bang Nga ở Biển Đen có tác động lớn đến khả năng hoạt động của Moskva trong cuộc chiến đang diễn ra với Kiev. Bởi tàu ngầm, đặc biệt là những chiếc có khả năng phóng tên lửa hành trình, cung cấp nền tảng tàng hình cho các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu trên đất liền.
Thiếu các phương tiện này, Liên bang Nga mất đi yếu tố bất ngờ và tính linh hoạt trong chiến lược hàng hải, buộc phải dựa nhiều hơn vào tàu mặt nước và tên lửa phóng từ trên không, vốn dễ bị phát hiện và đánh chặn hơn.
Hơn nữa, việc thiếu tàu ngầm làm giảm khả năng của Liên bang Nga trong việc thể hiện sức mạnh và duy trì hiện diện chiến lược ở Biển Đen. Sự vắng mặt này hạn chế khả năng của họ trong việc thực thi phong tỏa hoặc thách thức các hoạt động của Hải quân Ukraine và NATO một cách hiệu quả.
Mối đe dọa từ các tên lửa phóng từ tàu ngầm giảm xuống cho phép Ukraine củng cố hệ thống phòng thủ ven biển và gia tăng mức độ tự do trong hoạt động cho Hải quân Ukraine và đồng minh.
Khoảng trống chiến lược do sự thiếu vắng tàu ngầm của Liên bang Nga tạo ra cũng làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực. NATO và các quốc gia thành viên ven Biển Đen có thể có nhiều tự do hơn trong việc triển khai, đồng thời tăng cường hỗ trợ Ukraine thông qua tuần tra hàng hải và vận chuyển viện trợ quân sự.
Ngoài ra, việc tàu ngầm của Liên bang Nga "mất tích" ở Biển Đen có thể khuyến khích Ukraine thực hiện các hoạt động hải quân táo bạo hơn, bao gồm việc sử dụng các phương tiện không người lái trên mặt nước và dưới nước, nhằm phá vỡ các tuyến tiếp tế và hậu cần của Moskva ở Biển Đen.
Nhìn chung, sự vắng mặt của tàu ngầm làm suy yếu chiến lược quân sự tổng thể của Liên bang Nga trong khu vực, làm giảm khả năng tiến hành các hoạt động hàng hải bí mật kéo dài cũng như khả năng răn đe của Moskva đối với các lực lượng của Ukraine và NATO.
Liên bang Nga đã sử dụng các tàu ngầm lớp Kilo thuộc Hạm đội Biển Đen để thực hiện nhiều cuộc tấn công bằng tên lửa vào Ukraine kể từ khi Moskva bắt đầu triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2/2022. Các tàu ngầm này đóng vai trò quan trọng trong chiến lược của Liên bang Nga, phóng tên lửa hành trình Kalibr từ các vị trí ngầm dưới nước, khiến việc phát hiện và đánh chặn trở nên khó khăn đối với hệ thống phòng thủ của Ukraine.
Vào ngày 24/2/2022, khi chiến dịch quân sự đặc biệt bắt đầu, các lực lượng của Liên bang Nga đã phóng hàng loạt tên lửa hành trình, bao gồm cả những tên lửa được phóng từ tàu ngầm, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng như trung tâm chỉ huy, căn cứ không quân và hệ thống phòng không. Làn sóng tấn công ban đầu này nhằm làm suy yếu khả năng kháng cự của Kiev và thiết lập ưu thế trên không và trên bộ cho Moskva.
Bộ Quốc phòng Liên bang Nga ngày 26/3/2022 tiết lộ rằng quân đội nước này đã sử dụng tên lửa hành trình Kalibr nhắm vào một kho vũ khí và khí tài ở vùng Zhytomyr, Tây Vắc Ukraine (xem video ghi lại cảnh các lực lượng của Liên bang Nga bắn liên tiếp 4 tên lửa hành trình Kalibr giữa bầu trời còn tối. Nguồn: RT
Trong suốt mùa hè năm 2022, Liên bang Nga tiếp tục sử dụng các tên lửa Kalibr phóng từ tàu ngầm để tấn công sâu vào lãnh thổ Ukraine.
Độ chính xác và sức mạnh của các tên lửa hành trình Kalibr đã nhấn mạnh hiệu quả của các phương tiện dưới nước của Liên bang Nga trong việc thực hiện các cuộc tấn công tầm xa với cảnh báo tối thiểu.
Bên cạnh đó, việc Liên bang Nga liên tục sử dụng các tên lửa phóng từ tàu ngầm phản ánh sự phụ thuộc của Moskva vào các tài sản Hải quân để duy trì áp lực lên Ukraine, ngay cả khi các mặt trận quân sự khác có sự biến động.
Thực tế đó đồng thời cho thấy tính tàng hình và tầm bắn của các nền tảng phóng từ tàu ngầm này vẫn là một thành phần quan trọng trong bộ công cụ tấn công của Liên bang Nga, giúp Moskva có được một phương tiện hiệu quả để thực hiện các cuộc tấn công chính xác trong khi giảm thiểu khả năng bị trả đũa.
Thành Nam/Báo Tin tức (Theo Bulgarian Milytary)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tac-dong-tu-viec-tau-ngam-cua-hai-quan-lien-bang-nga-bat-ngo-mat-tich-o-bien-den-20250108075452133.htm