Tình yêu với hai quê hương qua nhiều tác phẩm
Tuổi thơ của tác giả gắn với miền đất bưng biền nằm bên sông Vàm Cỏ Đông tím sắc bông lục bình, quanh năm rì rào sóng vỗ. Từ lúc học tiểu học tại xã Bình Hòa Nam, huyện Đức Huệ, tác giả đã biết ca vọng cổ và rất thần tượng giọng ca Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Thanh Tuấn. Học cấp 3 ở thị trấn Đông Thành (1986 – 1988) và đến khi là sinh viên Trường Đại học Cần Thơ, anh luôn tích cực tham gia phong trào văn nghệ của nhà trường. Anh Văn Bớt bắt đầu sáng tác bài ca vọng cổ và cải lương từ năm 1995. Soạn giả Diệp Vàm Cỏ, lúc đó công tác Phòng Văn nghệ, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, là người thầy có công lớn nhất dìu dắt tác giả Văn Bớt trong quá trình sáng tác. Đến nay, tác giả Văn Bớt viết hơn 100 bài ca cổ, đa số đã phát hình và phát thanh ở các Đài Trung ương và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.
Tác phẩm anh yêu thích nhất là bài ca cổ Đức Huệ chút tình quê viết về nơi “chôn rau cắt rốn”, được nhiều nghệ sĩ thể hiện như NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu, NSND Phượng Loan, NSND Hồ Ngọc Trinh, Nghệ sĩ ưu tú Kim Tiểu Long,... trên các Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, HTV, VTV Cần Thơ, Đài Tiếng nói Việt Nam,... Anh cũng gửi gắm tình yêu quê nhà Long An qua nhiều bài ca cổ: Tân Hưng khúc hát tự hào, Long An chiều quê mới, Xuân về bên sông Vàm Cỏ, Về thăm Cần Đước anh hùng, Mộc Hóa quê em,...
Như một lẽ tất nhiên, quê hương thứ 2 Cần Thơ cũng được tác giả Văn Bớt gửi gắm tình cảm yêu thương trong nhiều tác phẩm, như Vòng cung vùng đất anh hùng, Thương chuyến phà xưa, Cờ Đỏ quê mới tôi yêu, Sắc xuân Mỹ Khánh, Quê mới Thới Lai,…
Anh cũng hoàn thành 2 kịch bản sân khấu cải lương: Cùng xây quê mới và Tiếng gọi quê hương. Cả 2 kịch bản đã in chung thành sách với nhiều tác phẩm chọn lọc với các tác giả khác.
Hữu duyên với thần tượng
Thần tượng NSND Thanh Tuấn, tác giả Văn Bớt không thể ngờ sự nghiệp sáng tác sau này lại gắn chặt với thần tượng của mình. NSND Thanh Tuấn đã từng ca thu thanh và quay hình hơn 10 bài ca cổ của tác giả Văn Bớt. Tiêu biểu phải kể đến các bài: Ngàn năm thương nhớ Trường Sa, Tình người trong mùa dịch, Đức Huệ chút tình quê đều do NSND Thanh Tuấn và nhiều nghệ sĩ khác trình bày.
Một trong những mốc son đáng nhớ nhất trong sáng tác của tác giả Văn Bớt là sự kiện bài ca cổ Ngàn năm thương nhớ Trường Sa được thí sinh Nguyễn Thị Luận hát, đoạt giải Chuông vàng Vọng cổ năm 2013 do HTV tổ chức.
Những bài ca vọng cổ do anh sáng tác đều mang ca từ mượt mà, ý tứ sâu lắng nên nghệ sĩ rất dễ thể hiện cái hồn của bài ca và rất dễ dàng học thuộc. Sáng tác mang đậm tình yêu quê hương đất nước, biển đảo, tình người Nam Bộ, giản dị, mộc mạc, ca ngợi Đảng - Bác Hồ, lắng đọng cảm xúc trong lòng khán thính giả mộ điệu. Anh viết đa dạng đề tài. Các bài ca ngày càng đạt chuẩn về nội dung lẫn hình thức, câu chữ ngắn gọn nhưng đầy đủ ý tứ, ca từ bình dị nhưng cũng trang trọng, đủ sức lay động lòng người. Sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong các tác phẩm của tác giả Nguyễn Văn Bớt là lấy tinh thần phục vụ nhân dân làm trên hết, là trái tim hòa điệu từ nhiều phía, nhất là người mộ điệu cải lương.
Mỗi bài hát do tác giả Văn Bớt sáng tác là một đóa hoa góp phần tô thắm chủ đề chiến tranh cách mạng và tình yêu quê hương, đất nước./.
Nguyễn Phấn Đấu