Hướng tới kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), thầy Nguyễn Trí Hạnh, giáo viên Mỹ thuật trường Phổ thông Hermann Gmeiner (thành phố Vinh, Nghệ An) thực hiện tác phẩm đầy ý nghĩa bằng phấn màu ngay trên bảng lớp.
Tác phẩm tái hiện sống động thời khắc lịch sử hào hùng của ngày 30/4/1975, với hình ảnh xe tăng húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, đầy khí thế và hào hùng.
Thầy Nguyễn Trí Hạnh thực hiện bức vẽ tái hiện tái hiện khoảnh khắc lịch sử ngày 30/4. (Video: NVCC)
Chia sẻ về quá trình thực hiện, thầy Hạnh cho biết đã tìm hiểu nhiều tài liệu, sách báo, thậm chí trao đổi với các giáo viên dạy Lịch sử để hiểu rõ hơn về bối cảnh, từ đó xây dựng hình ảnh phù hợp cho tác phẩm. Sau khi hoàn thiện ý tưởng, thầy Hạnh mất hai buổi làm việc để hoàn thành.
"Những nét phấn rực rỡ màu sắc trên nền bảng xanh gợi nhớ một thời hào hùng không thể nào quên. Đó cũng là lời tri ân sâu sắc gửi đến những thế hệ cha anh đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Tôi tự hào và hạnh phúc khi được thể hiện bằng chính đôi tay và tấm lòng của mình", nam thầy giáo chia sẻ.
Tác phẩm tái hiện sinh động thời khắc lịch sử hào hùng ngày 30/4/1975 của thầy giáo xứ Nghệ. (Ảnh: NVCC)
Với nam giáo viên, việc thực hiện bức tranh không đơn thuần là hoạt động chào mừng kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Hơn cả một tác phẩm nghệ thuật, đây là cách giúp thầy truyền tải đến học sinh những bài học sâu sắc về lịch sử hào hùng của dân tộc.
"Bức tranh không chỉ là hình ảnh tái hiện khoảnh khắc lịch sử thiêng liêng, mà còn là cầu nối đưa thế hệ trẻ hôm nay trở về với những giá trị cội nguồn, từ đó nuôi dưỡng tình yêu quê hương, đất nước trong mỗi em", thầy Hạnh nói và bày tỏ niềm vui khi tác phẩm để ấn tượng mạnh mẽ, chạm đến trái tim của nhiều người.
Ngoài bức vẽ này, giáo viên còn có khoảng 500 tác phẩm khác, mỗi tác phẩm phản ánh một câu chuyện, sự kiện nổi bật trong dòng chảy không ngừng của lịch sử, được thầy vẽ bằng cả tâm huyết.
Thành Hạnh từng vẽ khoảng 500 tác phẩm khác, mỗi tác phẩm là câu chuyện khác nhau. (Ảnh: NVCC)
Những bức vẽ sống động, đẹp như thật khiến người xem không khỏi trầm trồ, thán phục. Tuy nhiên chúng chỉ tồn tại trong thời gian rất ngắn ngủi. Khi cảm hứng sáng tác mới đến, thầy phải xóa đi kiệt tác cũ để nhường chỗ cho tác phẩm kế tiếp.
Phấn trắng vốn dễ lem, khó lưu giữ, và không thể tồn tại lâu dài như tranh vẽ trên giấy. Với thầy Hạnh, chính sự mong manh ấy lại tạo nên một nét đẹp riêng - vẻ đẹp độc bản, không thể sao chép trong nghệ thuật.
Không chỉ sáng tác trên bảng phấn, thầy Nguyễn Trí Hạnh còn dành thời gian cho dự án cá nhân mang tên "Lan tỏa nghệ thuật vẽ bảng", với mục tiêu mang loại hình nghệ thuật độc đáo này đến khắp 63 tỉnh thành. Đến nay, thầy đi qua 12 tỉnh, tổ chức các buổi chia sẻ miễn phí dành cho giáo viên địa phương.
Thầy Hạnh hy vọng, nghệ thuật vẽ bảng bằng phấn màu sẽ sớm được công nhận, sánh ngang với các chất liệu nghệ thuật khác trong hội họa.