Tách nơi ngủ khỏi khu vực kinh doanh: Hàng nghìn cơ sở kinh doanh có nguy cơ mắc kẹt

Tách nơi ngủ khỏi khu vực kinh doanh: Hàng nghìn cơ sở kinh doanh có nguy cơ mắc kẹt
2 giờ trướcBài gốc
Bỏ quy định PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện
Sáng nay (1/11), Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, so với dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật đã được chỉnh lý có 59 điều (giảm 6 điều do chỉnh lý, ghép các nội dung quy định có tính tương đồng và lược bỏ 1 điều về xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ phòng cháy chữa cháy (PCCC).
Theo đó, dự thảo đã bỏ quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trước đó, các đại biểu quốc hội đã đề nghị không quy định kinh doanh dịch vụ PCCC là ngành nghề kinh doanh có điều kiện nhằm xã hội hóa hoạt động kinh doanh dịch vụ PCCC, tạo điều kiện thông thoáng cho cơ sở, doanh nghiệp, tăng cường chế độ tự chủ và tự chịu trách nhiệm dưới sự kiểm tra giám sát quản lý của cơ quan nhà nước.
Trong Dự thảo luật này, UBTVQH cũng chỉ đạo tiếp thu, bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, cứu nạn cứu hộ, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân...
Liên quan đến trách nhiệm của ngành điện lực từ sau công-tơ đến các thiết bị điện; trách nhiệm của đơn vị tư vấn thiết kế đối với khách hàng có hồ sơ thiết kế về hệ thống điện bảo đảm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu về an toàn điện, UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu. Theo đó, dự thảo mới đã bổ sung quy định giao cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động điện lực và sử dụng điện có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn sử dụng điện trong sinh hoạt, sản xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác về an toàn sử dụng điện theo quy định của pháp luật về điện lực.
Tách nơi ngủ khỏi khu vực kinh doanh: Hàng nghìn cơ sở kinh doanh có nguy cơ mắc kẹt
Phát biểu thảo luận về dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ sáng nay, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) bày tỏ lo ngại khi hàng năm số vụ cháy lớn không ngừng gia tăng, nhất là tại khu dân cư đông người, dễ dàng lan rộng, gây thiệt hại lớn về người và của, kéo theo nhiều hệ lụy.
Đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông)
Tuy vậy, đại biểu cũng kiến nghị các quy định đưa ra phải phù hợp thực tế, không gây khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Đơn cử, Điều 20 dự thảo luật về phòng cháy với nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có quy định: Nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ thì không được bố trí gian phòng để ngủ trong khu vực sản xuất, kinh doanh.
“Cần bỏ quy định này hoặc đưa ra lộ trình để thực hiện. Hiện nay, thực tế nhiều hộ gia đình kinh doanh không thể bố trí phòng ngủ khác ngoài khu vực sản xuất. Nhiều cơ sở kinh doanh phải bố trí phòng nghỉ trưa cho cán bộ, lao động, bảo vệ… tại khu vực sản xuất”, đại biểu nhấn mạnh.
Theo đại biểu, nếu thực hiện như dự thảo luật thì sẽ rất khó khăn cho các cơ sở kinh doanh. Vì vậy, cần phải rà soát kỹ số cơ sở kinh doanh không đáp ứng được quy định này để có hướng xử lý.
Cháy nổ tại các tòa nhà cao tầng, khu dân cư đông đúc và các cơ sở kinh doanh karaoke, vũ trường cũng là mối quan tâm hàng đầu của các đại biểu Quốc hội, nhiều đại biểu đề nghị bổ sung các quy định chặt chẽ hơn để PCCC với khu vực này.
Đại biểu Vũ Hồng Luyến (Hưng Yên) đề nghị bổ sung các quy định PCCC với các chung cư cao tầng do nguy cơ cháy nổ cao. Đặc biệt, hiện nhiều chung cư sau một thời gian dài đã xuống cấp, hệ thống PCCC không bảo đảm thiết bị và phương tiện PCCC có thể tiếp cận khi hỏa hoạn xảy ra.
Đại biểu Tô Ái Vang (Sóc Trăng) kiến nghị bổ sung thêm quy định với trường hợp thay đổi công năng từ nhà ở sang kết hợp kinh doanh, nhà ở chuyển sang cơ sở karaoke, vũ trường… Theo đại biểu, thời gian qua, nhiều công trình chuyển đổi từ nhà ở sang cơ sở kinh doanh không đáp ứng được an toàn cháy nổ, do đó cần quy định chặt chẽ hơn với loại hình này.
Đại biểu Nguyễn Lâm Thành kiến nghị thêm, công tác chữa cháy các tòa chung cư lâu nay vẫn phụ thuộc vào nguồn nước riêng biệt từ các trụ PCCC và các ao, hồ mà chưa tận dụng vào nguồn nước phía trên, tức của các hộ gia đình trong khu chung cư. Đặc biệt, hiện các trang thiết bị PCCC mới đáp ứng được chữa cháy tới tầng thứ 17, nước ta chưa có điều kiện áp dụng máy bay PCCC. Hiện nay, một số chung cư cao cấp đã bố trí hệ thống xử lý nước trực tiếp chữa cháy tại các căn hộ. Đại biểu đề nghị cần có quy chuẩn kỹ thuật yêu cầu các chung cư bổ sung nội dung này khi xây dựng mới hoặc sửa chữa.
Việc PCCC liên quan đến sự cố điện cũng nhận được rất nhiều ý kiến góp ý. Các đại biểu cho rằng, cần bổ sung quy định các cơ sở phải bố trí hệ thống điện đạt chuẩn và phải có cảnh báo khi có sự cố xảy ra. Với các cơ sở kinh doanh không đáp ứng điều kiện PCCC trước thời điểm Luật có hiệu lực, các đại biểu đề nghị phân cấp cho các tỉnh rà soát và đưa ra giải pháp, lộ trình khắc phục.
Trong khi đó, đại biểu Hà Sỹ Huân (Phó đoàn Bắc Kạn) cho hay, Điều 16 dự thảo quy định cơ quan công an thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của công trình thuộc diện phải thẩm định thiết kế phòng cháy, chữa cháy. Như vậy, cơ quan công an không tham gia cho ý kiến đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư, tức là giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi. Quy định như vậy sẽ dẫn đến trường hợp phải điều chỉnh dự án hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư khi cơ quan công an có ý kiến thẩm định chưa đảm bảo theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của PCCC. Điều này làm phát sinh thủ tục điều chỉnh, ảnh hưởng tiến độ thực hiện dự án.
Vì vậy, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung thẩm định của cơ quan công an đối với bước chuẩn bị dự án, tức lập báo cáo nghiên cứu khả thi khi công trình buộc phải thẩm định về phòng cháy, chữa cháy.
Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự Luật này vào ngày 27/11.
T.L
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/tach-noi-ngu-khoi-khu-vuc-kinh-doanh-hang-nghin-co-so-kinh-doanh-co-nguy-co-mac-ket-d228934.html