Tài chính bí mật của nền kinh tế Vatican

Tài chính bí mật của nền kinh tế Vatican
6 giờ trướcBài gốc
Vatican là một quốc gia độc lập nằm giữa lòng thành phố Rome (Ý), có diện tích chỉ 110 mẫu Anh và dân số chưa tới 1.000 người. Tuy nhỏ bé về quy mô, nhưng Vatican lại có sức ảnh hưởng lớn trên toàn cầu thông qua Tòa thánh – cơ quan quản lý tối cao của Giáo hội Công giáo.
Tòa thánh (Holy See) là thực thể pháp lý và hành chính đại diện cho Vatican trong các mối quan hệ quốc tế. Nếu ký kết hợp đồng hay giao dịch quốc tế, bạn sẽ làm việc với Tòa thánh, chứ không phải "Vatican" như khái niệm địa lý.
Nguồn thu chủ yếu của Tòa thánh đến từ khoản quyên góp gọi là "Đồng xu Thánh Phêrô" – một truyền thống có từ thế kỷ 8, được quyên góp từ các tín hữu trên toàn thế giới. Ngoài ra, Tòa thánh còn có nguồn thu từ các khoản đầu tư và lãi suất từ quỹ dự trữ.
Quảng trường Thánh Peter ở Vatican.
Vatican đầu tư vào đâu và có nguyên tắc gì?
Tòa thánh từ lâu đã chọn cách đầu tư thận trọng, chủ yếu vào các ngành công nghiệp lớn tại Ý, cổ phiếu và trái phiếu ổn định, đồng thời giới hạn tỷ lệ sở hữu dưới 6% trong mỗi doanh nghiệp.
Gần đây, danh mục đầu tư của Tòa thánh có phần quốc tế hóa, mở rộng sang các thị trường châu Âu và cả Sàn Giao dịch Chứng khoán New York. Tuy nhiên, Giáo hội vẫn từ chối đầu tư vào các ngành đi ngược lại giá trị Công giáo, chẳng hạn như công ty sản xuất thuốc tránh thai.
Bên cạnh đó, Vatican cũng sở hữu không ít bất động sản và nhà thờ trên toàn cầu – những tài sản có giá trị lâu dài và sinh lợi ổn định.
Dù có nhiều nguồn thu, Tòa thánh vẫn phải đối mặt với tình trạng thâm hụt ngân sách trong nhiều năm. Năm 2012, báo Los Angeles Times tiết lộ Vatican thâm hụt 18,4 triệu USD do chi phí nhân sự và hoạt động truyền thông tôn giáo.
Đến năm 2019, Đức Hồng y Reinhard Marx – người đứng đầu Hội đồng Kinh tế Vatican – cho biết Đức Giáo hoàng Phanxicô đã yêu cầu cắt giảm chi tiêu để giảm mức thâm hụt ước tính 70 triệu euro.
Đại dịch COVID-19 năm 2021 khiến tình hình thêm khó khăn. Vatican công bố ngân sách năm đó với mức thâm hụt lên tới gần 50 triệu euro. Dù Giáo hoàng Phanxicô và người tiền nhiệm đã thúc đẩy cải cách minh bạch tài chính, nhiều người vẫn cho rằng các con số công bố chỉ là tương đối và chưa thực sự được kiểm toán độc lập.
Khác với Tòa thánh, Vatican City – với khoảng 4.800 lao động – có nguồn thu mang tính “nhà nước” rõ rệt. Hằng năm, hàng triệu khách du lịch đổ về tham quan Nhà nguyện Sistine, Vương cung Thánh đường Thánh Phêrô và các bảo tàng Vatican.
Thành phố kiếm tiền thông qua vé vào cửa, tour du lịch, tem và tiền xu lưu niệm, cũng như các ấn phẩm xuất bản. Dù không công bố cụ thể doanh thu, các hoạt động này được cho là mang lại nguồn thu không nhỏ cho Vatican.
Ai kiểm soát tài chính của Vatican?
Ngân hàng Vatican – tên chính thức là Viện Công trình Tôn giáo (IOR) – là một trong những phần bí ẩn nhất của tài chính Vatican. Thành lập năm 1942, ngân hàng từng vướng vào nhiều bê bối như rửa tiền, lạm dụng chức vụ và gian lận.
Năm 2018, IOR cáo buộc cựu chủ tịch và luật sư của mình tham gia vào vụ biển thủ 50 triệu euro. Tuy nhiên, ngân hàng cũng công bố lợi nhuận 19,8 triệu USD năm đó, dù giảm so với mức 36 triệu USD năm 2017. Tài sản của IOR lên tới 5,6 tỷ USD, với khoảng 15.000 tài khoản, chủ yếu là giáo sĩ, nhân viên Vatican và các dòng tu.
Năm 2022, Giáo hoàng Phanxicô ra lệnh chuyển toàn bộ tài sản tài chính của Tòa thánh về IOR, khẳng định ngân hàng này là đơn vị duy nhất có quyền quản lý tài chính. Năm 2023, Vatican ban hành quy chế mới cho IOR, nhưng vẫn chưa quy định rõ cơ chế giám sát, khiến ngân hàng này tiếp tục vận hành khá độc lập.
Hoạt động tài chính của Vatican được giám sát bởi nhiều cơ quan. Thư ký Kinh tế – đứng đầu là một Hồng y – chịu trách nhiệm chính về tài chính. Bên cạnh đó còn có Hội đồng Kinh tế với các thành viên là Hồng y và chuyên gia giáo dân.
Vatican cũng mời các công ty kiểm toán bên ngoài như PricewaterhouseCoopers tham gia kiểm toán định kỳ để đảm bảo tính minh bạch. Tuy nhiên, mức độ công khai của các báo cáo này vẫn là điều nhiều người đặt dấu hỏi.
Vatican được miễn thuế trong lãnh thổ của mình, nhưng điều này không áp dụng một cách đồng đều ở tất cả các quốc gia. Tại nhiều nơi, các tổ chức tôn giáo, trong đó có Vatican, được miễn thuế. Tuy nhiên, điều này còn tùy vào quy định của từng quốc gia nơi Vatican có tài sản hoặc hoạt động kinh doanh.
Kì Lân
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tai-chinh-bi-mat-cua-nen-kinh-te-vatican-2042522040552076.htm