Tái diễn thủ đoạn lừa đảo đóng lệ phí cầu đường

Tái diễn thủ đoạn lừa đảo đóng lệ phí cầu đường
4 giờ trướcBài gốc
Theo Cục An toàn thông tin (Bộ TT-TT), mới đây Ủy ban Đường cao tốc Pennsylvania (PTC) đã đưa ra cảnh báo về một chiến dịch lừa đảo, nhắm vào người dân thông qua tin nhắn giả mạo, dụ dỗ thanh toán lệ phí cầu đường nhằm đánh cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Kẻ lừa đảo tạo lập tin nhắn giả mạo, chủ động gửi tới nạn nhân với yêu cầu thanh toán khoản lệ phí cầu đường còn thiếu, dụ dỗ thực hiện thanh toán bằng hình thức trực tuyến thông qua đường dẫn được đính kèm.
Để thúc giục nạn nhân, chúng nói rằng hiện đã quá hạn thanh toán, nếu nạn nhân không nhanh chóng thực hiện giao dịch, việc đi lại giữa các thành phố sẽ trở nên vô cùng bất tiện, thậm chí là bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cục An toàn thông tin cảnh báo hình thức lừa đảo, nhắm vào người dân thông qua tin nhắn giả mạo, dụ dỗ thanh toán lệ phí cầu đường - Ảnh: NCSC
Sau khi truy cập vào đường dẫn, nạn nhân sẽ được chuyển hướng tới trang web giả mạo dịch vụ E-Zpass (tương tự dịch vụ thu phí tự động VETC). Tại đây, nạn nhân sẽ được yêu cầu cung cấp thông tin như số thẻ tín dụng, thời gian hết hạn, mã CVV... để tiến hành thanh toán một khoản phí nhỏ.
Nhờ đó mà kẻ xấu có thể dễ dàng chiếm đoạt thông tin ngân hàng của nạn nhân, thực hiện các giao dịch chuyển tiền bất hợp pháp.
Trước diễn biến của thủ đoạn lừa đảo, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được những tin nhắn yêu cầu thanh toán lệ phí cầu đường.
Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin ngân hàng hoặc chuyển tiền khi chưa xác minh được tính chính thống của trang web hoặc ứng dụng được cung cấp.
Người dân chỉ nên thanh toán các khoản phí trực tuyến thông qua ứng dụng được tải về từ nguồn chính thống. Khi nhận được những tin nhắn với nội dung như trên, người dân cần nhanh chóng trình báo số điện thoại của người gửi với cơ quan công an, lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và truy vết kẻ xấu, ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Tin nhắn dụ dỗ đổi điểm thưởng trên ứng dụng ngân hàng trực tuyến
Theo Cục An toàn thông tin, mới đây, Cục Thông tin báo chí Ấn Độ (PIB) đã đưa ra cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện, dụ dỗ những khách hàng sử dụng dịch vụ tại ngân hàng SBI (State Bank of India) tải về ứng dụng có chứa mã độc để đánh cắp dữ liệu.
Kẻ xấu giả mạo đội ngũ chăm sóc khách hàng thuộc ngân hàng SBI, chủ động tiếp cận nạn nhân thông qua tin nhắn, thông báo rằng nạn nhân đang sở hữu một số lượng lớn điểm thưởng tích được sau nhiều lần giao dịch thông qua ứng dụng trực tuyến.
Chúng hứa hẹn số điểm có thể quy đổi thành tiền một cách nhanh chóng thông qua ứng dụng mang tên SBI Reward App và đính kèm đường dẫn để tải về. Sau khi truy cập vào đường dẫn, ứng dụng dưới định dạng APK sẽ ngay lập tức được tải về thiết bị của nạn nhân. Khi mở ứng dụng, toàn bộ dữ liệu và những thông tin quan trọng có trên thiết bị của nạn nhân sẽ bị đánh cắp và xóa sạch hoàn toàn.
Trước tình hình lừa đảo diễn ra, Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác khi nhận được tin nhắn với nội dung tương tự như trên. Cẩn trọng xác thực thông tin thông qua các trang tin uy tín hoặc cổng thông tin chính thống.
Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không tải về các ứng dụng lạ khi chưa xác minh được thông tin và danh tính của người lạ. Người dân được khuyến cáo chỉ nên tải về và sử dụng các ứng dụng đến từ hệ thống cửa hàng trực tuyến App Store (đối với hệ điều hành iOS) và CH Play (đối với hệ điều hành Android).
Khi phát hiện thấy dấu hiệu đáng ngờ, người dân cần nhanh chóng trình báo với lực lượng chức năng để kịp thời điều tra và ngăn chặn hành vi lừa đảo.
Nhật Anh
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/tai-dien-thu-doan-lua-dao-dong-le-phi-cau-duong-228528.html