Khu tái định cư (TÐC) được chia thành 2 khu, gọi là khu TÐC mới và khu TÐC cũ. Khu TÐC cũ được đưa vào sử dụng từ năm 2012 với tổng số 146 nền. Khu TÐC mới được đưa vào sử dụng từ năm 2020, từ dự án di dời kè cấp bách với tổng số 150 nền (đến thời điểm hiện tại đã có 104 hộ vào ở).
Ông Trần Quốc Khải, Phó chủ tịch UBND xã, cho biết: “Khu TÐC cách trung tâm xã chỉ hơn 500 m, gần các cửa biển nên thuận tiện cho việc đánh bắt, khai thác thủy hải sản. Chính điều đó hỗ trợ phần nào cho các hộ dân phát triển kinh tế hộ gia đình”.
Là một trong những hộ dân dời vào ở đầu tiên của khu TÐC, ông Trần Văn Hiếu chia sẻ: “Vào đây có chỗ ở ổn định, yên tâm làm ăn, sinh sống. Ða phần các hộ dân ở đây không có nghề nghiệp ổn định, chủ yếu là đi làm thuê cho các ghe khai thác thủy sản”.
Sinh kế gia đình ông Hiếu phụ thuộc chủ yếu vào người con út. Ông lại mang trong người nhiều căn bệnh nên sức khỏe ngày một yếu đi. Căn nhà cất từ năm 2012, hiện đã xuống cấp. Ông Trần Quốc Chính, Trưởng ấp Lưu Hoa Thanh, cho biết: “Ông Trần Văn Hiếu là hội viên Chi hội Cựu chiến binh ấp. Trước khó khăn của gia đình ông, ấp đề xuất hỗ trợ ông căn nhà Tình đồng đội để ông đỡ vất vả lúc tuổi già”.
Chia sẻ về đời sống của bà con trong khu TÐC, ông Chính phấn khởi thông tin: “Ban đầu cũng sợ không lo được cho các hộ dân về công việc làm ăn, nhưng khi bà con an cư thì ai cũng bắt tay lao động. Khu TÐC gần trung tâm xã nên hộ nào có ghe thì về đậu, hộ nào đi làm thuê cho ghe thì cũng tiện, vì chỉ đi bộ vài chục mét là tới”.
Khu tái định cư gần các tuyến sông thông ra biển nên thuận lợi cho các phương tiện ra vào neo đậu.
Hộ bà Trần Thị Lài hành nghề buôn bán nhỏ lẻ. Bà là mẹ đơn thân, gồng gánh nuôi 2 đứa con nhỏ. Khi được xét vào khu TÐC, bà Lài tích góp, vay mượn tiền để cất nhà, mở tiệm tạp hóa buôn bán nhỏ. “Nhờ chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ nền, gia đình có chỗ ở ổn định, rồi tích góp, tiện tặn nên cuộc sống của mấy mẹ con cũng vượt qua được khó khăn. Giờ chưa gọi là giàu có nhưng đỡ vất vả hơn trước rất nhiều”, bà Lài bộc bạch.
Nhờ chí thú làm ăn, tiết kiệm nên hộ bà Lài có đời sống ổn định trong khu tái định cư.
Chúng tôi theo chân ông Chính dạo quanh một vòng khu TÐC, cảm nhận được sinh khí đời sống mới của các hộ dân nơi đây. Những ngôi nhà liền kề nhau luôn sạch sẽ từ trong nhà ra tới ngõ, những em bé thoải mái vui chơi trước sân nhà không lo mất an toàn. Ðời sống nhộn nhịp chứ không đìu hiu như ở nhiều khu TÐC khác.
Trẻ em an tâm vui chơi không lo mất an toàn.
Ông Chính cho hay: “Ở đây, bà con yên tâm vì điện, nước đầy đủ. Rác thải được tập kết ra đường lớn, có xe thu gom mỗi ngày”.
Cầu bắc qua sông Gành Hào, nối liền 2 tỉnh Cà Mau - Bạc Liêu, dự kiến thông xe trước tết Nguyên đán 2025, không chỉ tạo điều kiện thông thương mà còn thúc đẩy kinh tế xã Tân Thuận phát triển trong thời gian tới. Ðối với người dân trong TÐC thì đây là điều đáng phấn khởi. Ông Chính lý giải: "Ở đây, nếu đàn ông ra biển khai thác thì người phụ nữ cũng phụ chồng kiếm thêm thu nhập, bằng cách qua các công ty bên huyện Ðông Hải, tỉnh Bạc Liêu để làm thêm. Mà việc qua lại giữa 2 tỉnh phải đi bằng phà. Giờ cầu sắp được thông, sẽ giảm bớt chi phí cho người lao động nên ai cũng phấn khởi”.
Địa phương quan tâm, thường xuyên thăm hỏi để nắm được tâm tư nguyện vọng của người dân.
Ông bà ta có câu “an cư, lạc nghiệp”. Hiện những hộ dân trong khu TÐC xã Tân Thuận đã có chốn an cư, họ yên tâm ra khơi đánh bắt để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần cùng với địa phương xây dựng quê hương thêm giàu, thêm đẹp.
Ông Chính tâm huyết: “Trong khu TÐC còn khoảng 10 căn nhà tạm, ấp đang rà soát, đề xuất hỗ trợ cất mới, đảm bảo hộ nghèo không còn nhà tạm và không ai bị bỏ lại phía sau”./.
Kim Cương