Tối 27/4, hàng nghìn người dân và khách mời có mặt tại 3 điểm cầu truyền hình theo dõi chương trình "Vang mãi khúc khải hoàn", gồm: Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội); Khu di tích Quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị) và công viên Bờ sông Sài Gòn (thành phố Thủ Đức, TP.HCM).
Tại điểm cầu Hà Nội, chương trình có sự tham gia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Chương trình có 3 phần nội dung chính gồm: "Khát vọng hòa bình", "Ý chí độc lập thống nhất" và "Ta tự hào đi lên! Ôi Việt Nam". Phần đầu tiên mang tới thông điệp về Khát vọng hòa bình, được bắt đầu với màn trình diễn nghệ thuật Câu hò bên bờ Hiền Lương do NSƯT Hồng Liên và nghệ sĩ Khánh Linh thể hiện.
Tiết mục "Trên công trường rộn tiếng ca" đã tái hiện không khí lao động hăng say trên công trường, nông trường của nhân dân miền Bắc, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Tiết mục do rapper Hà Lê và ca nương Kiều Anh thể hiện, cùng sự góp mặt của 60 diễn viên chuyên nghiệp, 100 quần chúng ở điểm cầu Hà Nội.
Hoạt cảnh "Lên Đường" do NSND Trần Ly Ly, NSƯT Nguyễn Hằng, Phùng Khải biên đạo. Tham gia biểu diễn có các nghệ sĩ đến từ Nhà hát Ca múa nhạc Quân đội, Vũ đoàn Imagine, các chiến sĩ thuộc Học viện An ninh nhân dân, chiến sĩ thuộc Trung đoàn BB692, Sư đoàn BB301, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Trong những năm tháng ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi sẵn sàng ra tiền tuyến với tinh thần "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", quyết tâm "Sống bám đường bám cầu, chết kiên cường dũng cảm", "Địch đánh ngày thì ta làm đêm".
Tiết mục thực cảnh Hà Nội niềm tin hy vọng được thể hiện bởi Tùng Dương và Anh Tú. Những ngày tháng 12/1972, Hà Nội rền vang những tiếng nổ liên hồi, đỏ trời bom đạn. Sau 12 ngày đêm khói lửa ấy, ca khúc Hà Nội niềm tin và hy vọng ra đời. Và cũng sau 12 ngày đêm ấy, chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” đã tạo bước ngoặt và đòn quyết định buộc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Bối cảnh Hà Nội thời điểm ấy được ekip sản xuất tái hiện bằng công nghệ AI.
Nhiều cựu chiến binh theo dõi chương trình không khỏi xúc động trước khoảnh khắc chương trình thực hiện cuộc gặp gỡ cựu binh Mỹ - ông Adolph Novello và gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt ngay tại sân khấu của cầu truyền hình, để họ có thể nhận lại những kỷ vật của người thân. Những kỷ vật còn lại ông Adolph mang đến mà chưa tìm được chủ nhân đã được trao lại Cục Chính sách xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hàng nghìn khán giả xúc động khi được sống trong giây phút gợi nhớ, hoài niệm đầy tự hào của dân tộc thông qua các màn trình diễn. Các khán giả liên tục vẫy cờ hoa để hưởng ứng các tiết mục văn nghệ.
Khán giả vỡ òa trước khoảnh khắc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lên sân khấu bắt tay các Đại sứ, phu nhân/phu quân tham gia biểu diễn ca khúc Quê hương Việt Nam. Tiết mục đặc biệt này còn được thể hiện bởi tiếng hát của hai nghệ sĩ Suboi - Phạm Anh Duy.
"Khi theo dõi các tiết mục tại chương trình, tôi thấy rất phấn khởi và hân hoan khi được sống lại những ký ức hào hùng trong quân ngũ ở thời khắc lịch sử của đất nước. Tôi đặc biệt xúc động trước khoảnh khắc gia đình liệt sĩ Kha Văn Việt nhận lại những kỷ vật của người thân", bà Nguyễn Thị Thanh Bồng (75 tuổi, quận Đống Đa) nói.
Đúng 22h, màn trình diễn pháo hoa rực sáng một góc bầu trời Hà Nội kéo dài 15 phút. 600 quả pháo tầm cao cùng gần 100 giàn pháo hoa tầm thấp khai hỏa tại công viên Thống Nhất.
Việt Hà