Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) sẽ tổ chức Chợ phiên vùng cao trong tháng 4. Ảnh: Làng VHDLDTVN
Các sự kiện nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần quảng bá, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các dân tộc, tăng cường giao lưu giữa các dân tộc.
Hoạt động tháng 4 với sự tham gia hơn 100 người của 16 dân tộc đang hoạt động hàng ngày là già làng, trưởng bản, nghệ nhân, đồng bào các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Mông, Mường, Lào, Thái, Khơ Mú,Tà Ôi, Cơ Tu, Xê Đăng, Bahnar, Gia Rai, Raglai, Ê Đê, Khmer và đồng bào dân tộc Xinh Mun, Hà Nhì đến từ tỉnh Sơn La và Lai Châu...
Hoạt động điểm nhấn “Điểm hẹn vùng cao” sẽ tái hiện không gian Chợ phiên vùng cao các dân tộc Tây Bắc, Đông Bắc với điểm nhấn là không gian văn hóa chợ vùng cao với chủ đề “Điểm hẹn vùng cao”, tạo ấn tượng cho du khách cảm nhận không khí chợ phiên vùng cao, thưởng thức ẩm thực, đặc sản truyền thống, văn hóa dân tộc, trò chơi dân gian do chính những chủ thể vùng cao thực hiện, giới thiệu phục vụ du khách. Không gian chợ là sự kết hợp giữa không khí xuống chợ, vui chơi gắn với các hoạt động dân ca, dân vũ, trò chơi dân gian, thưởng thức ẩm thực, sản vật với sắc màu của các dân tộc Xinh Mun, Hà Nhì, Mông…
Tại phiên chợ sẽ có chương trình “Sắc màu chợ phiên” của đồng bào với các tiết mục dân ca, dân vũ, giao lưu văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc mừng đất nước, ca ngợi quê hương đất nước, bản sắc dân tộc vùng, miền và các trò chơi dân gian như: đánh quay, đánh pao, đánh yến, đu dây, đẩy gậy... Cũng tại không gian phiên chợ, đồng bào dân tộc Mông sẽ biểu diễn nghệ thuật múa khèn, giã bánh dày, in sáp ong lên vải và một số nghề truyền thống...
Nhiều lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc cũng được tái hiện dịp này như: Tái hiện lễ hội Gầu tào của đồng bào dân tộc Mông; tái hiện Lễ mạng ma của đồng bào dân tộc Xinh Mun đến từ tỉnh Sơn La ; tái hiện Tết mùa mưa của đồng bào dân tộc Hà Nhì đến từ tỉnh Lai Châu. Đối với người Hà Nhì, Tết mùa mưa (Dế Khừ Chà) là một lễ Tết quan trọng trong đời sống của cộng đồng dân tộc Hà Nhì, được tổ chức vào tháng 5 âm lịch hàng năm khi mà công việc mùa vụ mới vừa hoàn tất. Đây là dịp để người Hà Nhì cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển và bản làng đoàn kết.
Ngoài ra, chương trình còn giới thiệu không gian văn hóa, du lịch địa phương như: Văn hóa dân tộc Tày, Nùng của tỉnh Cao Bằng với các tiết mục dân ca, dân vũ, biểu diễn đàn Tính, hát Then, hát giao duyên, hát sli, hát lượn; chương trình dân ca dân vũ “Tự hào con cháu Rồng Tiên” tại “Ngôi nhà chung” kỷ niệm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10 tháng ba; tổ chức hoạt động trưng bày, giới thiệu du lịch tỉnh Bình Định…
Vào các dịp cuối tuần, tại Làng sẽ có hoạt động tái hiện trích đoạn nghi thức cúng ma bản của dân tộc Khơ Mú đến từ tỉnh Sơn La; các chương trình nghệ thuật của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Bên cạnh đó, các hoạt động hằng ngày giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch đến với Làng Văn hóa, du lịch các dân tộc Việt Nam.
Hoàng Lân