Không gian trưng bày Tết truyền thống tại Hoàng thành Thăng Long.
Với trưng bày không gian Tết truyền thống, chúng ta sẽ được ngược dòng thời gian trở về “Tết xưa - Tết thời bao cấp” của thập niên 70, 80 để cùng sống lại một giai đoạn lịch sử đặc biệt của đất nước. Khi đó, gần đến những ngày giáp Tết, các cửa hàng mậu dịch lúc nào cũng đông nghịt người đứng xếp hàng chờ mua hàng Tết bằng tem phiếu. Túi hàng Tết thường có hộp mứt Hà Nội, gói chè Ba Đình, thuốc lá Thăng Long (hoặc Điện Biên/Chiến Thắng/Sông Hồng), chai rượu chanh Thanh Mai (hoặc rượu tằm, rượu cam, rượu cà phê), gói kẹo mềm...
“Tết thời bao cấp” được tái hiện qua 3 không gian trưng bày: Gian hàng Mậu dịch quốc doanh, Gian hàng tranh - hoa - pháo tết và Không gian thờ cúng. Các không gian trưng bày làm nổi bật được đời sống vật chất, tinh thần và văn hóa tâm linh của người dân thủ đô Hà Nội cách đây nửa thế kỷ.
Còn tại gian trưng bày “Nghi lễ tết cung đình ngày xuân”, thông qua hình thức giới thiệu tư liệu, diễn giải bằng tranh vẽ phỏng dựng và hiện vật mô hình, giúp du khách có thể hình dung ra được phần nào đời sống chính trị, văn hóa, lịch sử quá khứ vàng son hoàng cung xưa kia.
Cũng tại không gian di sản Hoàng thành Thăng Long, nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” với nghi lễ Tiến lịch; nghi lễ thả cá chép; lễ dựng cây nêu; lễ đổi gác... sẽ tái hiện những lễ nghi trong dịp Tết Nguyên đán đã từng diễn ra trong cung đình Thăng Long xưa, thể hiện mong muốn hưng thịnh cho quốc gia, sự bình an no ấm cho nhân dân “tống cựu nghinh tân” - tiễn năm cũ đón năm mới.
Trong đó có nghi lễ Tiến lịch - không chỉ là một nghi lễ thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong đời sống cung đình và dân gian xưa mà “lịch” đã trở thành một vật đặc biệt gắn liền với đời sống của con người trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Làm lịch của cả năm để nắm được những mốc quan trọng của Cung đình trong 1 năm, thuận theo mùa và thời tiết. Vì thế, nghi lễ này như là một sợi dây kết nối giữa con người đương đại với nền văn hóa của quá khứ.
V.Hà