Tại họp báo sáng 8/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố tín dụng toàn nền kinh tế tính đến cuối tháng 6/2025 đạt hơn 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên và sản xuất kinh doanh.
Theo Phó Thống đốc NHNN Phạm Thanh Hà, những tháng đầu năm 2025, kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại, chịu tác động bởi nhiều yếu tố, từ các chính sách thuế quan thay đổi nhanh chóng, đến căng thẳng địa chính trị gia tăng.
Đầu giờ sáng 8/7 giờ Việt Nam, Mỹ đã công bố mức thuế từ 25-40% đối với 14 quốc gia, có hiệu lực từ 1/8. Mỹ cũng cảnh báo sẽ tiếp tục tăng thuế nếu các quốc gia này có hành động trả đũa, cho thấy nền kinh tế toàn cầu vẫn tiềm ẩn nhiều bất định
Dù đã hạ nhiệt về mức mục tiêu, lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà cho hay, rủi ro tiềm ẩn trên thị trường tài chính - tiền tệ thế giới tạo áp lực lên việc điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất trong nước cũng như việc thực hiện mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên.
Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà chủ trì buổi họp báo. Ảnh: NHNN
NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống năm 2025 khoảng 16%, điều chỉnh linh hoạt theo tình hình thực tế, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng và lạm phát do Quốc hội và Chính phủ đề ra.
Trong 5 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 45,44% về số lượng và 25,21% về giá trị; qua kênh Internet tăng gần 47,09% về số lượng và 34,46% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 39,9% về số lượng và 23,22% về giá trị; giao dịch qua QR Code tăng 76,62% về số lượng và 179,14% về giá trị...
Tại các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, đến ngày 27/6, đã có hơn 119 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân (CIF) được đối chiếu, cập nhật thông tin sinh trắc học qua CCCD gắn chip hoặc ứng dụng VNeID (đạt 100% tổng lượng tài khoản cá nhân phát sinh giao dịch trên kênh số).
Ngoài ra, hơn 1,1 triệu hồ sơ khách hàng tổ chức đã được đối chiếu thông tin sinh trắc học (đạt hơn 100% tổng số lượng tài khoản thanh toán tổ chức phát sinh giao dịch trên kênh số). Đồng thời, góp phần loại bỏ gần 86 triệu tài khoản “chết”.
Sau một thời gian làm sạch cơ sở dữ liệu khách hàng, áp dụng giải pháp đối khớp thông tin sinh trắc học, so với cùng kỳ năm 2024, số lượng khách hàng cá nhân bị lừa đảo, mất tiền giảm 57%; số lượng tài khoản cá nhân nhận tiền lừa đảo giảm 47%.
Theo định hướng 6 tháng cuối năm, NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để giảm lãi suất cho vay, đồng thời chỉ đạo tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.
Tín dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên (đến cuối tháng 05/2025):
- Tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 5,31% so với cuối năm 2024 và chiếm 23,16% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 2,57% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 11,27% so với cuối năm 2023).
Trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm 4,07% so với cuối năm 2024, chiếm 0,64% dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
- Tín dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa tăng 5,71% so với cuối năm 2024, chiếm 17,51% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,15% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 10,69% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng xuất khẩu (không bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp) tăng 2,91% so với cuối năm 2024, chiếm 2,06% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 giảm 0,89% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 8,42% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 15,69% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 3,24% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 9,67% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 24,72% so với cuối năm 2023).
- Tín dụng doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 17,59% so với cuối năm 2024, chiếm 0,43% dư nợ tín dụng nền kinh tế (cùng kỳ năm 2024 tăng 18,16% so với cuối năm 2023; cuối năm 2024 tăng 34,2% so với cuối năm 2023).
Tuân Nguyễn