Tài khoản crypto tại Việt Nam cao hơn trung bình toàn cầu. Ảnh: Pexels.
Tại Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 sáng 9/7, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, đã chia sẻ những con số đáng chú ý về thị trường tiền mã hóa (crypto) tại Việt Nam.
Cụ thể, ông cho biết Việt Nam hiện có khoảng 17 triệu tài khoản đầu tư vào crypto, tương đương khoảng 17-20% dân số, cao hơn đáng kể so với mức trung bình toàn cầu khoảng 6%.
Riêng trong năm 2022, giá trị giao dịch tài sản số tại Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm những quốc gia có hoạt động sôi động nhất thế giới trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, khoảng 80% khối lượng giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, khiến thị trường trong nước rơi vào “vùng xám” về mặt pháp lý.
Trong khi châu Âu đã triển khai hệ thống EBSI tại 27 quốc gia để phục vụ dịch vụ công, Trung Quốc đã phát triển hạ tầng blockchain quốc gia BSN, thì tại Việt Nam, mới chỉ bắt đầu đặt những nền móng đầu tiên bằng việc xây dựng Luật Công nghiệp Công nghệ số.
Điều này cho thấy Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia trong việc hoàn thiện hạ tầng pháp lý và công nghệ blockchain.
Vì vậy, ông Phan Đức Trung cho rằng Việt Nam không nên tiếp tục để thị trường tài sản số bị các nền tảng quốc tế khai thác một cách thụ động. Thay vào đó, cần có chiến lược cụ thể để tổ chức lại thị trường trong nước, cấp phép phát hành tài sản số, đưa hoạt động huy động vốn vào khuôn khổ pháp lý nhằm đảm bảo minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư.
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết Việt Nam hiện có hơn 21 triệu người sở hữu tài sản số như tiền mã hóa, với tổng giá trị ước tính lên tới hàng trăm tỷ USD.
Theo ông, nếu có khung pháp lý hoàn chỉnh, thị trường tài sản số hoàn toàn có thể trở thành bệ phóng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin cho biết Chính phủ sẽ trình ban hành bộ luật về chuyển đổi số.
Bộ luật được kỳ vọng trở thành “mảnh ghép” kết nối các bộ luật hiện hành và hoàn thiện hệ sinh thái pháp lý cho kinh tế số và không gian số. Luật này dự kiến được hoàn thiện trong năm nay.
Ông Phạm Minh Tiến, Phó giám đốc Trung tâm Dữ liệu Quốc gia cũng cho biết đơn vị hiện được giao phát triển loạt nền tảng cốt lõi, bao gồm sàn giao dịch quốc gia, sàn giao dịch dữ liệu, nền tảng định danh phi tập trung, blockchain quốc gia, nền tảng điều phối chia sẻ dữ liệu, định danh số…
Ông kỳ vọng khi hệ thống nền tảng blockchain quốc gia được hoàn thiện và vận hành ổn định, Việt Nam sẽ có thể kết nối với các chuỗi khối khác, hình thành mạng lưới dữ liệu rộng khắp, phục vụ cho cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của nền kinh tế số.
Hồng Nhung