Ngày 2-7, Trường ĐH Luật TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học 10 năm áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 (BLDS) về quyền sở hữu và quyền khác đối với tài sản.
Phát biểu khai mạc, PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng qua gần một thập kỷ triển khai, BLDS đã góp phần quan trọng trong việc củng cố cơ sở pháp lý cho các thiết chế về quyền đối với tài sản, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động dân sự, thương mại, đầu tư và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các chủ thể.
Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy vẫn còn tồn tại không ít khó khăn, vướng mắc, đặc biệt liên quan đến việc xác lập, thực thi, bảo vệ các quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của công nghệ, thị trường và sự đa dạng của các loại tài sản mới.
PGS.TS Trần Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP.HCM, phát biểu khai mạc hội thảo. Ảnh: YC
Theo PGS Dũng, hội thảo hôm nay tạo diễn đàn để các nhà chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà thực tiễn... trao đổi, chia sẻ, thảo luận về những bất cập và hướng tới các đề xuất hoàn thiện chính sách, pháp luật trong thời gian tới.
Tài khoản mạng xã hội có phải quyền tài sản?
Tại hội thảo, thay mặt nhóm tác giả, TS Vũ Thị Diệu Thúy (Trường ĐH Luật TP.HCM) trình bày tham luận về khái niệm quyền tài sản theo BLDS và kinh nghiệm từ một số quốc gia.
Nói về sự xuất hiện những đối tượng mới của quyền tài sản, theo TS Thúy, một loại đối tượng mới mà bản chất pháp lý cũng gây nhiều tranh cãi đó là “tài khoản mạng xã hội”.
Hiện nay, có quan điểm cho rằng tài khoản mạng xã hội là một loại tài sản ảo. Bà Thúy ủng hộ quan điểm này vì cho rằng sử dụng tài khoản mạng xã hội có đầy đủ tính chất của việc khai thác một tài sản ảo như tính đối kháng, tính lâu dài và liên tục và tính kết nối.
Theo TS Thúy, xem xét ở góc độ pháp luật tài sản truyền thống, quyền của chủ tài khoản mạng xã hội có đầy đủ các tính chất của một “chủ sở hữu” khi mà chủ tài khoản không chỉ có quyền truy cập mà còn có quyền sử dụng tài khoản (chỉnh sửa, đăng bài, tương tác, kết nối với các tài khoản khác...); quyền định đoạt (đóng hoặc xóa vĩnh viễn tài khoản, thậm chí bán, cho thuê tài khoản) và quyền thu lợi từ việc khai thác tài khoản (ví dụ nhận lợi nhuận từ các nền tảng mạng xã hội như YouTube, TikTok...).
TS Thúy ủng hộ quan điểm trên và cho rằng thiết chế tài sản sẽ giúp dễ dàng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể loại đối tượng này.
Tuy nhiên, có quan điểm khác lại cho rằng cần thiết phân loại tài khoản mạng xã hội thành tài khoản cá nhân và tài khoản kinh doanh.
Trong đó, tài khoản kinh doanh nên được bảo vệ thông qua cơ chế bí mật kinh doanh, bởi lẽ quyền truy cập tài khoản này được bảo vệ nghiêm ngặt bằng cơ chế mật khẩu.
Quan điểm này đến từ thực tiễn các tranh chấp quyền đối với tài khoản mạng xã hội giữa người lao động (người trực tiếp sử dụng và phát triển tài khoản) với doanh nghiệp liên quan.
TS Vũ Thị Diệu Thúy, Trường ĐH Luật TP.HCM, trình bày tham luận tại hội thảo. Ảnh: UL
TS Thúy cho rằng ở Việt Nam, mặc dù tài khoản mạng xã hội đã được định nghĩa là “là tài khoản được cá nhân, tổ chức thiết lập trên một mạng xã hội để truy cập và sử dụng các dịch vụ, tính năng của mạng xã hội đó”, vẫn chưa có một cơ chế pháp lý rõ ràng cho loại đối tượng này cũng như các giao dịch liên quan đến chúng.
Tuy nhiên, từ những phân tích phía trên, có thể thấy quyền đối với tài khoản mạng xã hội hoàn toàn có thể xếp vào nhóm quyền tài sản.
Bởi lẽ, một mặt, không thể phủ nhận giá trị kinh tế của các tài khoản mạng xã hội, đặc biệt các tài khoản của người nổi tiếng hay các tài khoản kinh doanh. Các doanh nghiệp sẽ không đầu tư hàng triệu đô la mỗi năm vào mạng xã hội nếu những nền tảng kỹ thuật số này không mang lại bất kỳ lợi ích kinh tế nào.
Mặt khác, khái niệm quyền tài sản trong BLDS Việt Nam vốn được xem như một đối trọng với khái niệm “vật” hữu hình, với hàm ý quyền tài sản chính là một loại tài sản phi vật chất, hay “tài sản vô hình” theo cách gọi của nhiều hệ thống.
“Thay vì tranh cãi về bản chất pháp lý của tài khoản mạng xã hội, ta có thể trực tiếp ghi nhận quyền đối với tài khoản mạng xã hội chính là một loại quyền tài sản. Bởi tự thân tài khoản mạng xã hội không tạo ra giá trị kinh tế mà chính việc khai thác, sử dụng tài khoản đó mới đem lại lợi nhuận cho người dùng.
Nói cách khác, bản thân quyền truy cập và sử dụng tài khoản mạng xã hội đã là quyền trị giá được bằng tiền theo định nghĩa của Điều 115 BLDS năm 2015”, TS Thúy nói.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: YC
Thời điểm xác lập quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất
Tại hội thảo, ThS Nguyễn Thị Thu Sương cho rằng Điều 503 BLDS năm 2015 quy định việc chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký theo quy định của Luật Đất đai.
Trước đây, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê… quyền sử dụng đất phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai và có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký vào sổ địa chính.
Điều này dẫn đến nhiều trường hợp tòa án xác định rằng hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất dù đã được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định vẫn chưa phát sinh hiệu lực pháp lý nếu chưa được đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai.
Theo ThS Sương, Luật Đất đai năm 2024 đã có những điều chỉnh nhất định, ý tưởng đăng ký để xác lập quyền cho người nhận chuyển quyền sử dụng đất không còn được ghi nhận. Với hướng trên, các hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất có hiệu lực pháp luật giữa các bên mà không lệ thuộc vào việc đăng ký.
Nội dung này được khẳng định tại Luật Đất đai năm 2024 khi nhà làm luật đã bỏ quy định về việc đăng ký là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Như vậy, có thể hiểu, khi hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 45 và khoản 3 Điều 27 của Luật Đất đai thì hợp đồng có hiệu lực pháp luật mà không phụ thuộc vào việc đăng ký chuyển quyền sử dụng đất.
TS Nguyễn Xuân Quang, Trưởng Khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, cho rằng thời điểm chuyển quyền sở hữu quyền sử dụng đất trong Luật Đất đai 2024 không quy định.
Luật Đất đai 2024 chỉ quy định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất chỉ là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (theo khoản 21 Điều 3).
Vì vậy, việc xác định thời điểm đối với quyền sở hữu quyền sử dụng đất được áp dụng theo Điều 161 BLDS 2015. Do đó, theo TS Quang, thời điểm chuyển quyền sở hữu đối với quyền sử dụng đất là thời điểm chuyển giao quyền chứ không phải thời điểm đăng ký.
Định nghĩa về quyền tài sản
Điều 115 BLDS năm 2015 quy định quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
Cách diễn đạt như Điều 115 hiện nay khiến cho điều luật vừa có tính mở khi định nghĩa quyền tài sản một cách khái quát bằng tiêu chí nhận diện “trị giá được bằng tiền”, đồng thời lại có tính đóng khi cố gắng liệt kê và gọi tên một số loại quyền tài sản cụ thể, song lại bổ sung một khái niệm “quét” là “các loại quyền tài sản khác”.
Điều này dẫn đến 3 hệ quả:
Một là, thiếu những đặc điểm pháp lý để nhận diện quyền tài sản một cách hiệu quả và toàn diện do nhà lập pháp chỉ đưa ra một dấu hiệu nhận biết (trị giá được bằng tiền).
Hai là, việc liệt kê các quyền tài sản cụ thể dẫn đến bỏ sót các quyền tài sản khác đang hoặc sẽ được pháp luật ghi nhận trong các luật chuyên ngành khác.
Ba là, Điều 115 cũng không chỉ rõ khái niệm “các quyền tài sản khác” được hiểu là tất cả các quyền đáp ứng điều kiện “trị giá được bằng tiền”; hay ngoài giá trị kinh tế, quyền này còn bắt buộc phải là một quyền luật định.
Tiến sĩ Vũ Thị Diệu Thúy, Trường ĐH Luật TP.HCM
YẾN CHÂU