Tài khoản nhà đầu tư chứng khoán: Số lượng phải đi đôi với chất lượng

Tài khoản nhà đầu tư chứng khoán: Số lượng phải đi đôi với chất lượng
5 giờ trướcBài gốc
Hoàn thành sớm mục tiêu Chính phủ đề ra
Một trong những mục tiêu chính trong Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 của Chính phủ là “Số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán đạt 9 triệu tài khoản vào năm 2025 và 11 triệu tài khoản vào năm 2030”.
Hàng triệu tài khoản chứng khoán mới đã được mở trong 10 tháng năm 2024
Mục tiêu này đã về đích sớm hơn ít nhất 2 tháng, khi số lượng tại khoản chứng khoán đã vượt con số 9 triệu vào cuối tháng 10/2024. Theo thống kê của Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC), số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán đã tăng thêm 156.919 tài khoản trong tháng 10/2024, dù giảm nhẹ so với 158.504 của tháng 9 nhưng đã giúp con số lũy kế vượt mốc 9 triệu tài khoản, tương đương khoảng 9% dân số.
Nhà đầu tư cá nhân trong nước chiếm hơn 8,9 triệu tài khoản, tăng khoảng 156.500 tài khoản. Lũy kế 10 tháng, số tài khoản của nhóm này tăng 1,73 triệu, tức mỗi tháng bình quân có 173.000 tài khoản mở mới.
Thị trường mất 4 tháng để tăng từ 8 triệu lên mốc 9 triệu tài khoản. Tốc độ mở mới ngang với giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022 - lúc thị trường vào xu hướng tăng giá (uptrend) kéo dài.
Lũy kế từ đầu năm, số lượng tài khoản chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đã tăng thêm 1,73 triệu tài khoản- con số khá ấn tượng trong bối cảnh thanh khoản giảm, cơ hội đầu tư chưa rõ ràng.
Với góc nhìn tích cực, số lượng tài khoản chứng khoán cao, vượt chỉ tiêu Chính phủ đề ra phản ánh sự quan tâm của người dân tới kênh đầu tư chứng khoán, dù thị trường có những điều chỉnh trong thời gian qua.
Lý giải về sự gia tăng tài khoản trong 10 tháng qua, một số nhà phân tích cho rằng, nguyên nhân có thể đến từ sự kỳ vọng về sự phục hồi hoặc tăng trưởng dài hạn của thị trường chứng khoán. Hơn nữa, thời gian qua, các công ty chứng khoán liên tục tổ chức nhiều lớp học, các buổi hội thảo về phương pháp đầu tư, kiến thức chuyên môn lĩnh vực chứng khoán, đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về thị trường. Điều này cũng khiến số lượng nhà đầu tư GenZ (những người sinh từ năm 1995 đến năm 2012) muốn tham gia thị trường, mở tài khoản nhiều hơn.
Theo ông Trương Hiền Phương – Giám đốc Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam, nhu cầu đầu tư, cũng như là mong muốn tìm kiếm cơ hội để tăng thu nhập của các bạn trẻ hiện nay rất lớn với sự chủ động và nhạy bén hơn. Mặc dù nguồn vốn của các bạn trẻ chưa cao, nhưng vẫn có thể tham gia thị trường chứng khoán, như một kênh đầu tư để kiếm thêm thu nhập.
Thực tế, dù trải qua nhiều thăng, trầm, tỷ suất sinh lời của kênh đầu tư chứng khoán (10 tháng năm 2024 tăng 12%) vẫn có thể hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác như bất động sản, ngoại tệ. Thậm chí, một số nhóm cổ phiếu còn có hiệu suất cao hơn rất nhiều so với vàng và mức lãi suất gửi tiết kiệm ngân hàng.
Bên cạnh đó, với kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp niêm yết trong quý III/2024, thị trường chứng khoán vẫn được kỳ vọng tiếp tục tăng trưởng trong trung và dài hạn.
Cần chú trọng tăng chất lượng đầu tư
Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, đối với mục tiêu số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư, đã nêu rõ: “Tập trung phát triển nhà đầu tư có tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp và thu hút sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài”. Như vậy, để sự tăng trưởng số lượng tài khoản nhà đầu tư chứng khoán thực sự bền vững, số lượng tài khoản cần phải đi kèm với chất lượng đầu tư.
Cần khuyến khích sự tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam của các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài.
Tỷ lệ nhà đầu tư mới tham gia thị trường là tín hiệu đáng mừng, thể hiện sự quan tâm của người dân và sự lớn mạnh của thị trường tài chính Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là một quan ngại không nhỏ đối với cơ quan quản lý, bởi tốc độ tăng chủ yếu tập trung ở phân khúc khách hàng cá nhân trong nước, chiếm tỷ trọng hơn 99%.
Một loạt nhà đầu tư mới gia nhập thị trường, hay còn gọi F0, thường đi kèm với sự thiếu hụt về kinh nghiệm đầu tư và cả kiến thức chuyên môn, chưa kể không có tiềm lực tài chính mạnh như các nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro không chỉ cho chính các nhà đầu tư mà còn cho cả thị trường, do dễ tạo ra các biến động lớn và nguy cơ bong bóng tài sản, bởi tâm lý đầu tư còn “non”.
Do đó, sự phát triển bền vững của thị trường chứng khoán không chỉ nằm ở việc gia tăng số lượng tài khoản, mà còn ở việc đảm bảo chất lượng của các tài khoản này. Nhà đầu tư mới cần được trang bị kiến thức về tài chính, phân tích thị trường và cách quản lý rủi ro. Hơn nữa, nếu không có kiến thức cơ bản và các chiến lược đầu tư đúng đắn, nhà đầu tư dễ dàng rơi vào các cạm bẫy thị trường, gây ra các tổn thất không đáng có.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Vũ Thị Chân Phương cho rằng, việc nhà đầu tư cá nhân gia tăng nhanh và chiếm tỷ trọng quá lớn trên thị trường khiến thị trường chứng khoán luôn phụ thuộc vào diễn biến tâm lý nhà đầu tư. Trong khi đó, các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ lệ nhỏ đặc biệt là thiếu vắng các nhà đầu tư dài hạn có tiềm lực tài chính mạnh cũng đã ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của thị trường.
Do đó, việc quan tâm, chú trọng thu hút nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài là hết sức quan trọng. Chính vì vậy, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn nỗ lực hoàn thiện pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. Song song với đó là đưa ra nhiều giải pháp cải thiện chất lượng thị trường, gia tăng tính minh bạch, an toàn và tính hấp dẫn của thị trường trong mắt của nhà đầu tư nước ngoài.
Đồng thời, cơ quan quản lý luôn khuyến khích nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thông qua các sản phẩm đầu tư an toàn, như: Các quỹ ETF và quỹ đầu tư mở, để giảm thiểu rủi ro và gia tăng lợi ích cho nhà đầu tư dài hạn.
Minh Lâm
Nguồn Tài Chính : http://tapchitaichinh.vn/tai-khoan-nha-dau-tu-chung-khoan-so-luong-phai-di-doi-voi-chat-luong.html?source=cat-76