Tài khoản tiền mã hóa tại Việt Nam cao vượt trội so với toàn cầu

Tài khoản tiền mã hóa tại Việt Nam cao vượt trội so với toàn cầu
17 giờ trướcBài gốc
Tại hội nghị đầu tư Techcombank 2025 ngày 9/7, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định Việt Nam đang sở hữu tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực tài sản số, với khoảng 17 triệu người sở hữu tài sản đầu tư crypto (tiền mã hóa), tương đương 17-20% dân số. Con số này cao gấp 3-4 lần mức trung bình toàn cầu (khoảng 5-6,5% dân số).
Theo ông Trung, riêng trong năm 2022, tổng giá trị giao dịch tài sản số tại Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm những thị trường năng động nhất thế giới trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho rằng, khoảng 80% khối lượng giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Biance, khiến thị trường tài sản số trong nước rơi vào “vùng xám” về mặt pháp lý.
“Dòng vốn từ Việt Nam tham gia thị trường crypto hiện xấp xỉ 100 tỷ USD mỗi năm. Đây là một con số gây bất ngờ với nhiều nhà quan sát quốc tế. Điều này cũng đặt Việt Nam vào vị trí dẫn đầu trong các quốc gia có nền kinh tế số hoạt động mạnh mẽ, nhưng lại nằm ở ‘vùng xám’, tức là chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát và phát triển”. Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung
Theo ông Trung, Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia trong việc xây dựng hạ tầng pháp lý và phát triển công nghệ blockchain. Trong khi châu Âu đã triển khai Cơ sở hạ tầng dịch vụ blockchain châu Âu (EBSI) tại 27 quốc gia để cung cấp dịch vụ công, Trung Quốc xây dựng hạ tầng blockchain quốc gia (BSN), thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu đặt nền móng đầu tiên thông qua Luật Công nghiệp công nghệ số – văn bản đầu tiên công nhận tài sản số là tài sản hợp pháp theo luật dân sự.
"Chúng ta không thể tiếp tục để thị trường tài sản số bị các nền tảng nước ngoài khai thác một cách thụ động. Việt Nam cần một chiến lược cụ thể để tổ chức lại thị trường, cấp phép phát hành tài sản số, đưa hoạt động huy động vốn vào khuôn khổ quản lý nhằm đảm bảo minh bạch và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư,” ông Trung nói.
Đánh giá thêm về tiềm năng của blockchain, cũng như cơ hội để Việt Nam trở thành trung tâm fintech (công nghệ tài chính) trong khu vực, ông Trung cho biết, Chính phủ đã sớm có định hướng rõ ràng về công nghệ blockchain, thể hiện qua việc từ cuối năm 2024, blockchain đã được xác định là một trong những công nghệ trọng điểm, nằm trong mục tiêu tăng trưởng quốc gia hai chữ số.
Mới đây, trong danh mục 11 công nghệ chiến lược quốc gia, blockchain được xếp ở vị trí thứ ba, kèm theo ba sản phẩm mà Chính phủ khuyến khích nghiên cứu và phát triển.
Việc Chính phủ không giới hạn blockchain chỉ trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, mà mở rộng sang các ngành như tài chính – ngân hàng đã giúp công nghệ này lan tỏa sâu rộng hơn và tạo tác động rõ nét trong thực tiễn.
"Trong giai đoạn 2025–2026, khi các nền kinh tế lớn chuyển sang giai đoạn thử nghiệm và luật hóa tài sản số, Việt Nam cần hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, để biến blockchain từ vùng xám trở thành động lực tăng trưởng hợp pháp, an toàn và bền vững,” Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam nhận định.
Các diễn giả thảo luận tại Hội nghị đầu tư Techcombank 2025. Ảnh: BTC.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Xuân Minh, Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Kỹ thương (Techcom Securities - TCBS) chỉ ra một số xu hướng công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và các nền tảng số đang làm thay đổi mạnh mẽ cách quản lý tài sản cá nhân, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.
“Nếu như trước đây, các sản phẩm đầu tư tài chính chỉ phục vụ tổ chức thì nay đã tiếp cận được khách hàng cá nhân với quy mô lớn hơn rất nhiều, từ vài triệu lên tới 10-30 triệu nhà đầu tư. Các công nghệ như blockchain đang tạo ra cơ hội xuyên biên giới, giúp cả nhà đầu tư trong và ngoài nước dễ dàng tiếp cận thị trường Việt Nam,” ông Minh nói thêm.
Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm tài chính truyền thống, thị trường tài chính số trong tương lai sẽ mở rộng ra nhiều nền tảng mới như cho vay ngang hàng, giúp nhà đầu tư cá nhân có thêm lựa chọn, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của nền tài chính số toàn diện tại Việt Nam.
Sẽ có bộ luật về chuyển đổi số
Ở góc độ quản lý Nhà nước, ông Nguyễn Khắc Lịch, Cục trưởng Cục Công nghiệp công nghệ thông tin (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, nếu Việt Nam có khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh, thị trường tài sản số hoàn toàn có thể trở thành bệ phóng quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế số.
Theo ông Lịch, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ trình ban hành bộ luật về chuyển đổi số. Bộ luật được kỳ vọng trở thành “mảnh ghép” kết nối các bộ luật hiện hành và hoàn thiện hệ sinh thái pháp lý cho kinh tế số và không gian số. Trong quá trình xây dựng, các cơ quan chức năng cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo tính hội nhập và hiệu quả. Theo kế hoạch, luật này sẽ được hoàn thiện trong năm nay.
Cục trưởng Nguyễn Khắc Lịch cho biết Chính phủ đang khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua việc hoàn thiện hành lang pháp lý. Một số luật quan trọng đang được xây dựng hoặc sửa đổi bao gồm Luật Dữ liệu nhằm công nhận giá trị của dữ liệu số và bảo vệ dữ liệu cá nhân; Luật Công nghệ số; Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhằm tạo hành lang pháp lý cho việc thử nghiệm các sản phẩm mới chưa được quy định đầy đủ trong pháp luật hiện hành.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng xây dựng các chính sách cụ thể để hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trong đó có việc cấp kinh phí ban đầu cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển. Những bước đi này nhằm tạo ra một không gian mới cho tăng trưởng, nơi doanh nghiệp có thể thử nghiệm, đổi mới và mở rộng.
Hà Anh
Nguồn Mekong Asean : https://mekongasean.vn/tai-khoan-tien-ma-hoa-tai-viet-nam-cao-vuot-troi-so-voi-toan-cau-43577.html