Tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Cần bảo đảm sinh kế người dân

Tái khởi động dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận: Cần bảo đảm sinh kế người dân
2 giờ trướcBài gốc
Điều này nhằm để thực hiện đồng bộ, tạo niềm tin cho người dân.
Nhiều năm sống trong quy hoạch "treo", hơn 1.100 hộ dân ở khu vực trước đây dự kiến xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh Ninh Thuận mong sớm có quyết sách cuối cùng để ổn định đời sống.
Sau quyết định "cởi trói"
Sau khi UBND tỉnh Ninh Thuận thông báo hủy thu hồi 820 ha đất tại vùng quy hoạch Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 vào tháng 7-2023, vợ chồng anh Nguyễn Thành Quốc (thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) đã đầu tư nhiều vốn liếng, công sức cho vườn nho rộng 4 sào. Nằm trên cung đường nối trung tâm TP Phan Rang - Tháp Chàm với vịnh Vĩnh Hy, khu vườn của gia đình anh hằng ngày tấp nập đón khách đến tham quan, mua nho và các sản phẩm sau chế biến.
Tuy thế, sau khi nghe tin dự án nhà máy điện hạt nhân tại đây được xem xét tái khởi động, vợ chồng anh Quốc có chút lo lắng về kế sinh nhai. "Chúng tôi ủng hộ nhà nước triển khai dự án song cũng mong muốn được hỗ trợ sản xuất, tái định cư một cách thỏa đáng, nhất là được tiếp tục làm du lịch nông thôn như hiện tại" - anh Quốc bày tỏ.
Một góc thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận nhìn từ trên cao
Thái An là vùng đất có thế mạnh về nông nghiệp với các cây trồng như nho, táo, hành, tỏi, ớt... Nhờ quảng bá tốt, làng nho Thái An hiện nay là địa chỉ quen thuộc của du khách khi đến Ninh Thuận.
Trước đó, từ năm 2008, khi nhà nước có chủ trương xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, nhiều người không dám đầu tư lớn vì lo bị giải tỏa. Chỉ sau khi có quyết định tạm dừng dự án và địa phương hủy thu hồi đất ở vùng quy hoạch, người dân mới mạnh dạn vay vốn, mở rộng sản xuất. "Nếu dự án điện hạt nhân được tái khởi động, chúng tôi mong chính quyền có định hướng rõ để bà con an tâm" - chủ một hộ trồng nho kiến nghị.
Ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, những ngày cuối tháng 11, người dân đang tất bật quay máy sục ôxy tại các đìa tôm. Hơn một năm trước, sau khi có quyết định "cởi trói" cho vùng đất này, ông Nguyễn Văn Hà quyết định thuê thêm ao đìa, mướn nhân công, mở rộng diện tích nuôi tôm. "Trước đây, tôi chỉ nuôi ốc hương cầm chừng trên diện tích nhỏ. Bây giờ làm ăn lớn hơn nên khá lo lắng nếu khởi động lại dự án điện hat nhân sẽ bị thu hồi đất sản xuất" - ông Hà nói.
Hơn một năm qua, thôn Vĩnh Trường có khoảng 20 căn nhà được xây mới, sửa chữa sau thời gian dài dột nát. Nhiều người trước đây rời quê tìm kế sinh nhai, nay quay về làm ăn.
Cần chủ trương thống nhất
Ông Ngô Viết Kinh Luân - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải - cho biết sau khi tỉnh có quyết định hủy thu hồi đất, chính quyền xã đã cấp các quyền sử dụng đất - gồm giấy chứng nhận, chuyển nhượng, thừa kế, chuyển mục đích, đăng ký thế chấp vay vốn... - để người dân ổn định cuộc sống. Ngoài ra, nhiều chính sách hỗ trợ người dân mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng được triển khai.
Tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, ông Nguyễn Thành Du, nguyên trưởng thôn, kể thời điểm có chủ trương triển khai dự án nhà máy điện hạt nhân, đời sống người dân ít nhiều bị đảo lộn. Vùng biển trước thôn bị tác động bởi hoạt động thăm dò địa chất; các khu đất sản xuất thì bị quy chủ nên hạn chế trồng trọt, chăn nuôi. Trong khi đó, việc chi trả hỗ trợ người dân bị quy hoạch treo từ năm 2008-2016 vẫn chưa được thực hiện. Do đó, ông Du kiến nghị sớm triển khai chi trả hỗ trợ và xác định rõ lộ trình nếu quyết định khởi động lại dự án điện hạt nhân.
Vợ chồng anh Nguyễn Thành Quốc (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận) mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà nước nếu tái khởi động chủ trương xây dựng dự án điện hạt nhân
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 với tổng công suất 4.000 MW là dự án trọng điểm quốc gia, có tác động lớn và có vai trò động lực. Vì vậy, quy hoạch tổng thể của tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2010-2020 được xây dựng xoay quanh trục phát triển của dự án điện này. Thế nên, quyết định dừng thực hiện chủ trương đầu tư Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 của Quốc hội vào năm 2016 đã "phá vỡ các kịch bản tăng trưởng và phát triển của tỉnh đã được Thủ tướng phê duyệt".
Trên cơ sở xác định tiềm năng, lợi thế, tỉnh Ninh Thuận đã điều chỉnh chiến lược sang phát triển năng lượng tái tạo để thay thế nguồn điện hạt nhân. Đến nay, toàn tỉnh có 57 dự án với 3.750 MW điện tái tạo.
Đối với đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân, tỉnh Ninh Thuận đồng thuận và đề nghị xác định rõ lộ trình, nhằm tránh làm lãng phí nguồn lực đầu tư. Để việc nghiên cứu phát triển điện hạt nhân góp phần bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng quốc gia và phát triển bền vững, đáp ứng mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, tỉnh Ninh Thuận đề nghị Bộ Công Thương kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xem xét, có chủ trương thống nhất để thực hiện hiệu quả, đồng bộ, tạo niềm tin cho người dân.
Tỉnh Ninh Thuận cũng kiến nghị Trung ương xây dựng, hoàn thiện quy định, ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc phát triển nguồn năng lượng sạch này.
Cấp 423 tỉ đồng để ổn định đời sống người dân
Theo UBND tỉnh Ninh Thuận, đến nay, tỉnh đã được cấp 423 tỉ đồng từ nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương để triển khai Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân khu vực dự án và phát triển khu dân cư đối với 2 vị trí xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2. Tỉnh đang triển khai 18 hạng mục công trình kết cấu hạ tầng tại vùng ảnh hưởng bởi dự án.
CHÂU TỈNH
Nguồn NLĐ : https://nld.com.vn/tai-khoi-dong-du-an-dien-hat-nhan-tai-ninh-thuan-can-bao-dam-sinh-ke-nguoi-dan-196241124212430442.htm