Tài liệu giáo dục địa phương đổi mới thế nào khi thực thi chính quyền hai cấp?

Tài liệu giáo dục địa phương đổi mới thế nào khi thực thi chính quyền hai cấp?
8 giờ trướcBài gốc
Không coi tài liệu giáo dục địa phương là sách giáo khoa
Hôm nay, 1/7, các địa phương đã chính thức vận hành theo mô hình chính quyền hai cấp mới. Cột mốc này đánh dấu bước chuyển mạnh trong cải cách bộ máy quản lý, tổ chức hành chính trên quy mô toàn quốc. Trong bối cảnh đó, ngành giáo dục cũng đang đứng trước yêu cầu đổi mới toàn diện, để bắt kịp sự thay đổi của mô hình quản trị địa phương, trong đó đặc biệt đáng chú ý là vấn đề tổ chức, biên soạn, triển khai chương trình giáo dục địa phương cho phù hợp.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đã đề xuất một hướng đi mới: không coi tài liệu giáo dục địa phương là sách giáo khoa, giao trách nhiệm biên soạn cho giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, đồng thời chuyển thẩm quyền phê duyệt từ Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về cho Chủ tịch UBND cấp tỉnh. Một điều chỉnh được đánh giá sát với thực tiễn, giảm áp lực cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, giúp rút ngắn thời gian phê duyệt tài liệu, đồng thời phù hợp với quy mô và quyền hạn của chính quyền hai cấp mà các địa phương vừa thiết lập.
Trên thực tế, nhiều năm qua, cùng với lộ trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, các tỉnh thành đã triển khai biên soạn tài liệu giáo dục địa phương theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Như tại Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương đã hoàn tất khâu biên soạn, thẩm định, đưa vào giảng dạy nội dung giáo dục địa phương. Tuy nhiên, vì là nhiệm vụ mới phân cấp xuống địa phương nên công tác lập kế hoạch, xây dựng nội dung, thẩm định tài liệu ban đầu gặp không ít lúng túng.
Không chỉ riêng Thanh Hóa, nhiều tỉnh thành khác cũng gặp nhiều khó khăn với quy trình in ấn, phát hành tài liệu giáo dục địa phương. Do khâu thẩm định giá, đấu thầu chậm trễ, một số nơi buộc học sinh phải sử dụng bản PDF thay thế, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng giảng dạy và học tập. Những vướng mắc về bản quyền, quy trình pháp lý cũng khiến tài liệu giáo dục địa phương bị đình trệ, không đảm bảo cập nhật kịp thời với thực tiễn.
Các tỉnh thành cần sớm biên soạn, sửa đổi tài liệu giáo dục địa phương. Ảnh: Nguyễn Dịu
Cởi trói thủ tục, phát huy bản sắc
Theo dự thảo Luật sửa đổi, sau ngày 1/7, khi các đơn vị hành chính mới đi vào vận hành, việc phân quyền mạnh hơn cho địa phương trong quản lý nội dung giáo dục là điều tất yếu. Các Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp biên soạn tài liệu giáo dục địa phương, trình Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt thay vì phụ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cách làm này không chỉ tránh được tình trạng “nghẽn” thủ tục hành chính, mà còn trao quyền chủ động thực sự cho chính quyền tỉnh, nhất là trong bối cảnh các địa phương liên tục điều chỉnh ranh giới hành chính, sáp nhập xã, phường.
Điểm đáng chú ý là dù quyền phê duyệt được chuyển giao, quy trình phối hợp giữa Sở Giáo dục và Đào tạo với các sở, ngành liên quan vẫn được giữ nguyên. Hồ sơ vẫn phải thẩm định chặt chẽ, nhưng thay vì đợi Bộ Giáo dục và Đào tạo ký duyệt, UBND tỉnh sẽ là đơn vị quyết định cuối cùng và chịu trách nhiệm hướng dẫn triển khai. Nhờ vậy, khi có thay đổi địa giới hành chính hay nhu cầu điều chỉnh nội dung giáo dục, địa phương sẽ dễ dàng rà soát, bổ sung mà không phải chờ trung ương phê duyệt lại, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Mục tiêu lớn hơn của hướng đi này chính là phát huy vai trò của chính quyền địa phương, nơi nắm rõ đặc điểm lịch sử, văn hóa, phong tục, nhu cầu học tập cụ thể của học sinh trên địa bàn. Khi tài liệu giáo dục địa phương không còn bị coi là sách giáo khoa bắt buộc, mà trở thành một bộ tài liệu mềm, dễ điều chỉnh, giáo viên cũng linh hoạt hơn khi lồng ghép nội dung địa phương vào dạy học, bám sát thực tiễn cuộc sống.
Theo các chuyên gia giáo dục, trước bối cảnh cả nước đã hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, các địa phương không thể chờ đợi quá lâu để cập nhật nội dung giáo dục cho học sinh. Những bài học lịch sử địa phương, những nét văn hóa truyền thống, những giá trị đặc sắc của từng vùng miền cần nhanh chóng được đưa vào bài giảng, nuôi dưỡng niềm tự hào và bản sắc cộng đồng. Việc giao quyền phê duyệt cho UBND tỉnh chính là đòn bẩy để bảo đảm “mạch chảy” giáo dục địa phương không bị gián đoạn, tránh lãng phí thời gian, công sức do thủ tục hành chính tầng tầng lớp lớp.
Tuy nhiên, quyền lực càng lớn, trách nhiệm càng cao. Các địa phương phải chủ động tổ chức bộ máy, đào tạo nhân lực biên soạn, thẩm định tài liệu, tránh tình trạng chắp vá hoặc thiếu tính sư phạm. Chỉ khi quy trình được vận hành minh bạch, khoa học, tài liệu giáo dục địa phương mới thực sự đi vào cuộc sống, nuôi dưỡng lòng yêu quê hương, giúp thế hệ trẻ tự tin hòa nhập nhưng vẫn giữ được gốc rễ văn hóa.
Trước đó, thông tin về việc rà soát, điều chỉnh một số nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông nhằm bảo đảm tính phù hợp với thực tiễn và bối cảnh phát triển mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, nội dung giáo dục địa phương, căn cứ nghị quyết số 202/2025/QH15 của Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, trên cơ sở chương trình khung và các văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành, các địa phương chủ động lựa chọn và xây dựng nội dung giáo dục địa phương, bảo đảm phù hợp với đặc điểm của đơn vị hành chính mới và mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, phát huy tính chủ động của địa phương trong tổ chức thực hiện chương trình, đồng thời đảm bảo nội dung giáo dục được cập nhật kịp thời theo những thay đổi hành chính - xã hội mới.
Ngân Thương
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/tai-lieu-giao-duc-dia-phuong-doi-moi-the-nao-khi-thuc-thi-chinh-quyen-hai-cap-408742.html