Tai nạn do sự cố sụt lún đường dẫn lên cầu Hòa Bình: Trách nhiệm thuộc về ai

Tai nạn do sự cố sụt lún đường dẫn lên cầu Hòa Bình: Trách nhiệm thuộc về ai
4 giờ trướcBài gốc
Người bị thiệt hại có quyền yêu cầu bồi thường về sức khỏe, tài sản, thu nhập bị mất và các tổn thất hợp lý khác theo quy định của Bộ luật Dân sự, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân bị ảnh hưởng.
Xung quanh vấn đề này, PV VOV Giao thông đã có cuộc trao đổi nhanh với Luật sư Nguyễn Thị Huyền - Văn phòng Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM.
Hiện trường vụ sụt lún tại đường dẫn cầu Hòa Bình (Tây Ninh). Ảnh: Người dân cung cấp
PV: Liên quan đến vụ sụt lún tại đường dẫn lên cầu Hòa Bình, tỉnh Tây Ninh, xảy ra vào ngày 11/5 vừa qua, khiến một xe ô tô và hai xe máy bị hư hỏng nặng, nhiều người bị thương. Vậy, trong vụ việc này, về mặt pháp lý, Luật sư có quan điểm như thế nào?
Luật sư Nguyễn Thị Huyền: Sự việc đáng tiếc xảy ra tại cầu Hòa Bình đã gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và khiến 6 người bị thương. Theo lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Châu Thành, bước đầu có thể xác định nguyên nhân là do túi bùn cục bộ bị sụt. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, nguyên nhân không thể chỉ là do thời tiết hay các sai sót kỹ thuật đơn giản mà hậu quả nghiêm trọng xảy ra có thể bắt nguồn từ những sai phạm trong quá trình thi công, thiết kế và xây dựng công trình.
Điều này đặt ra câu hỏi: liệu công trình có đảm bảo chất lượng hay không? Đồng thời, cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan trong quá trình thi công, thiết kế, xây dựng và nghiệm thu công trình trước khi đưa vào sử dụng. Nếu quá trình điều tra, xác minh cho thấy có sai phạm, thì tùy theo mức độ, tính chất và hành vi vi phạm, các cá nhân và đơn vị liên quan sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thị Huyền - Văn phòng Luật sư Hà Hải, Đoàn Luật sư TP.HCM.
PV: Cụ thể, các đơn vị và cá nhân có liên quan để xảy ra vụ việc trên sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Huyền: Trách nhiệm trong vụ việc này bao gồm: trách nhiệm hành chính, trách nhiệm hình sự và trách nhiệm dân sự. Về trách nhiệm hành chính, theo Nghị định số 16/2022/NĐ-CP, có quy định một số hành vi vi phạm và mức xử phạt cụ thể như sau:
Đưa công trình vào sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu có thể bị phạt lên đến 100 triệu đồng. Nghiệm thu công trình không đúng trình tự, thủ tục có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng. Chủ đầu tư tự ý điều chỉnh thiết kế xây dựng không đúng quy định có thể bị phạt đến 30 triệu đồng. Đơn vị, cá nhân có trách nhiệm giám sát thi công nhưng không thực hiện đầy đủ có thể bị phạt lên đến 40 triệu đồng; đối với tổ chức và 20 đối với cá nhân .
Về trách nhiệm hình sự, theo Điều 298 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị xử phạt tù lên đến 15 năm và phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định trong thời gian từ 1 đến 5 năm.
Cầu Hòa Bình và đường dẫn thời điểm khánh thành cuối tháng 4/2025 - Ảnh: baotayninh.vn
Về trách nhiệm dân sự, theo Điều 605 Bộ luật Dân sự, có quy định về bồi thường thiệt hại do nhà cửa hoặc công trình gây ra, thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hoặc người được giao quản lý, sử dụng công trình đó phải chịu trách nhiệm bồi thường. Trường hợp đơn vị thi công có lỗi gây ra thiệt hại, thì phải liên đới cùng với chủ đầu tư hoặc người quản lý công trình để bồi thường thiệt hại.
PV: Vụ việc xảy ra đã gây thiệt hại về tài sản và sức khỏe của các nạn nhân. Vậy, vấn đề này sẽ được bồi thường như thế nào, thưa Luật sư?
Luật sư Nguyễn Thị Huyền: Về trách nhiệm bồi thường, có thể chia thành hai nhóm: bồi thường thiệt hại về sức khỏe và bồi thường thiệt hại về tài sản.
Đối với thiệt hại về sức khỏe, trong trường hợp người bị thương có tham gia bảo hiểm tai nạn con người, thì theo quy định tại Điều 21 và Điều 33 của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022, nếu trong trường hợp có phát sinh thiệt hại về sức khỏe và thời hạn hợp đồng bảo hiểm còn hiệu lực, thì công ty bảo hiểm có trách nhiệm chi trả quyền lợi bảo hiểm cho người được bảo hiểm. Sau đó, công ty bảo hiểm sẽ có một quyền gọi là quyền thế quyền, tức là quyền yêu cầu bên thứ ba (người gây thiệt hại) hoàn trả lại toàn bộ số tiền đã bồi thường.
Đối với thiệt hại về tài sản, cần phân biệt giữa ô tô và xe gắn máy. Đối với ô tô: Hầu hết chủ xe đều mua bảo hiểm vật chất xe (loại bảo hiểm không bắt buộc). Khi chủ xe ô tô có mua thì công ty bảo hiểm sẽ có trách giám định và xác định mức độ thiệt hại để tiến hành bồi thường theo hợp đồng bảo hiểm.
Đối với xe gắn máy: Đa số chủ xe không mua bảo hiểm vật chất. Tuy nhiên, nếu có tham gia loại hình bảo hiểm này thì vẫn được bồi thường theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Một trường hợp đặc biệt là trách nhiệm của công ty bảo hiểm trong thời gian công trình đang thi công nhưng chưa được nghiệm thu. Theo Điều 9 Luật Xây dựng năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2020), có quy định về việc chủ đầu tư có trách nhiệm mua bảo hiểm công trình trong suốt quá trình thi công và chưa nghiệm thu. Nếu trong giai đoạn này xảy ra thiệt hại, công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường
Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 34 Nghị định số 67/2023/NĐ-CP, có một số trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Ví dụ, nếu chủ đầu tư có hành vi cố ý vi phạm pháp luật trong quá trình thi công xây dựng công trình thì công ty bảo hiểm sẽ không phải bồi thường.
PV: Vâng, xin cảm Luật sư.
Nguyễn Sử/VOV-Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/tai-nan-do-su-co-sut-lun-duong-dan-len-cau-hoa-binh-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-post1199527.vov