Mấy ngày trước, một vụ tai nạn khá thương tâm xảy ra trên đại lộ Thăng Long (đây là tuyến đường chỉ dành riêng cho ô tô, xe máy không được đi vào). Vụ tai nạn xảy ra do người đi xe máy ngược chiều đâm vào xe ô tô rồi thiệt mạng.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Đây là một tai nạn rất khó tránh khỏi, bởi khi một người đi ngược chiều đâm vào xe tải đang chạy tốc độ tối đa cho phép 100 km/h thì quả thực việc tránh tai nạn rất khó khăn.
Trong những trường hợp như vậy, người lái xe tải không chỉ phải tham gia quá trình điều tra của cơ quan chức năng, phương tiện còn không thể được lấy về ngay, mà phải đưa đi tạm giữ để điều tra.
Có nhiều trường hợp va chạm, lỗi rõ ràng thuộc về người đi ẩu, không đúng quy phạm pháp luật về an toàn giao thông đường bộ, tổ chức giao thông đường bộ, nhưng cả hai bên, trong đó có người đi đúng, không phạm bất kỳ lỗi nào cũng phải chịu thiệt hại.
Thiệt hại rất cụ thể: không chỉ mất thời gian, công sức mà đôi khi còn bị tạm giữ xe, phải làm các thủ tục khác. Trong rất nhiều trường hợp, người đi đúng thậm chí còn phải bỏ tiền ra đền bù để đỡ phiền.
Cá nhân tôi cũng đã chứng kiến một trường hợp: Chúng tôi đi trên một tuyến đường tại một tỉnh miền núi, khi lên dốc gặp một phụ nữ đi xe máy xuống rất nhanh, lấn sang làn ô tô. Chị ấy phanh gấp, xe trượt và ngã xuống. Chị ấy nói lỗi tại chúng tôi, vì đường bình thường không có chúng tôi thì không sao. Vì là ngày Tết, để tránh phức tạp, chúng tôi buộc phải cho chị một ít tiền đền bù.
Ảnh minh họa: ChatGPT
Những trường hợp như vậy, là một vấn đề cần thay đổi từ chính các cơ quan chức năng. Tôi nghĩ, các cơ quan chức năng, cán bộ chiến sĩ cảnh sát giao thông hoàn toàn có khả năng đánh giá sơ bộ ngay tại hiện trường. Nếu có dấu hiệu rõ ràng một bên hoàn toàn không có lỗi, thì không nên giữ phương tiện, nên hạn chế tối đa làm phương hại đến lợi ích của người đúng.
Thực ra, đó cũng là một luân lý trong xã hội: một người làm đúng, làm tốt không nên phải chịu thiệt thòi chỉ vì lỗi của người khác. Điều đó cũng sẽ làm cho xã hội có ý thức tuân thủ tốt hơn.
Một ví dụ khác, một người vi phạm an toàn giao thông khi đi bộ băng qua đường, không phải ở chỗ vạch kẻ đường, nếu người đó bị va quệt và ngã xuống đường thì người lái xe hay người điều khiển phương tiện chắc chắn không phải đền bù, nếu họ không cố tình.
Trong trường hợp đó, thậm chí cần yêu cầu người sai phạm, người đi không đúng quy định phải đền bù cho người đi đúng. Đây là một trường hợp tôi nghĩ cần cân nhắc thêm. Nên có những sửa đổi, bổ sung phù hợp để việc tuân thủ của chúng ta ngày một tốt hơn.
Phạm Quang Vinh/VOV Giao thông