Chiều 2/2, tức ngày mùng 5 Tết Âm lịch, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã có báo cáo kết quả triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí
Theo báo cáo từ Bộ Công an, trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ, toàn quốc xảy ra 445 vụ tai nạn giao thông, làm chết 209 người, bị thương 373 người. So với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 258 vụ, giảm 126 người chết, giảm 232 người bị thương. Trong đó, trên đường bộ xảy ra 442 vụ, làm chết 207 người, bị thương 372 người. So với Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 257 vụ, giảm 124 người chết, giảm 232 người bị thương.
Trên các tuyến đường sắt xảy ra 2 vụ, làm chết 1 người, bị thương 1 người. So với Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 1 vụ, giảm 2 người chết. Trên các tuyến đường thủy xảy ra 1 vụ tai nạn, làm chết 1 người. Riêng trong ngày mùng 5 Tết, toàn quốc xảy ra 34 vụ tai nạn giao thông, làm chết 18 người và 19 người bị thương.
Vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra trên Quốc lộ 21 ngày mùng 2 Tết.
Vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nhất được ghi nhận là vụ xe ô-tô lao xuống mương nước trên Quốc lộ 21, đoạn qua cầu Nam Vân (Nam Trực, Nam Định) khiến 7 người tử vong, 2 người khác bị thương.
Trong kỳ nghỉ Tết, đường dây nóng của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đã nhận được 30 cuộc gọi và tin nhắn, chủ yếu tập trung vào các ngày cao điểm (ngày 26 Tết và ngày mồng 3 - 4 Tết) là thời điểm người dân về quê ăn Tết và những ngày sau Tết khi người dân quay trở lại thành phố sinh sống làm việc. Nội dung phản ánh chủ yếu về tình trạng tăng giá trông giữ xe, không đội mũ bảo hiểm, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, chở quá số người quy định, ùn tắc giao thông. Các cuộc gọi đã được chuyển tới các cơ quan chức năng để xác minh và xử lý kịp thời.
Hơn 17 nghìn trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý
Cũng trong 9 ngày nghỉ lễ vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương đã huy động 25.556 lượt tổ công tác, với 32.783 ca tuần tra kiểm soát, 137.511 lượt cán bộ, chiến sỹ tổ chức tuần tra kiểm soát; đã phát hiện, xử lý 55.842 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Cơ quan chức năng phạt tiền 172 tỷ 161 triệu đồng; tước quyền sử dụng giấy phép lái xe (GPLX), chứng chỉ chuyên môn 2.985 trường hợp, 7.035 GPLX bị trừ điểm; tạm giữ 428 ô-tô, 20.782 mô-tô. So với cùng kỳ Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, xử phạt giảm 40.261 trường hợp (mặc dù kỳ nghỉ năm nay dài hơn 2 ngày).
Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trong Kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.
Về xử lý vi phạm về nồng độ cồn, cảnh sát phát hiện, xử lý 17.149 trường hợp, so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 20.365 trường hợp.
Về xử lý phương tiện vi phạm tốc độ: Phát hiện, xử lý 13.296 trường hợp, so với cùng thời gian Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, giảm 10.905 trường hợp.
Đường thủy: Xử lý 46 trường hợp vi phạm, phạt tiền 123 triệu đồng, tước 1 giấy phép, chứng chỉ chuyên môn. Đường sắt: Xử lý 10 trường hợp vi phạm, phạt tiền 7 triệu đồng.
Theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, trong 9 ngày nghỉ vừa qua, tình hình ùn tắc giao thông về cơ bản được kiểm soát, có một số ngày cao điểm ùn tắc giao thông tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tập trung vào các tuyến đường cửa ngõ và các trục chính.
Mặc dù vậy, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định: Tình hình ùn tắc giao thông đường bộ tiếp tục diễn biến phức tạp do lưu lượng phương tiện cơ giới cá nhân gia tăng cao vượt xa năng lực đáp ứng của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông. Các lực lượng chức năng đã triển khai các kế hoạch từ sớm và từ xa để phân luồng, điều tiết, chỉ huy giao thông, giảm thiểu tối đa mức độ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm trước và sau tết.
Các phương tiện trở lại Thủ đô ngày 2/2.
Liên quan đến công tác quản lý vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, 100% tỉnh, thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo phục vụ Tết và phân công lịch trực, đồng thời triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông.
Năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Công tác quản lý giá cước vận tải, công khai niêm yết giá cước, chuẩn bị phương tiện tăng cường, ký cam kết bảo đảm an toàn giao thông. Các đoàn kiểm tra được các cơ quan quản lý nhà nước tăng cường trong dịp Tết Nguyên Đán. Tình trạng ùn, tắc giao thông được các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, giảm tối đa các vụ ùn, tắc giao thông kéo dài trên các tuyến giao thông.