Tai nạn pháo nổ dịp Tết: hậu quả đau lòng

Tai nạn pháo nổ dịp Tết: hậu quả đau lòng
5 giờ trướcBài gốc
Nhiều ca cấp cứu đa chấn thương do pháo nổ
Mặc dù Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã khuyến cáo từ sớm nhưng trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, đơn vị vẫn tiếp nhận nhiều ca cấp cứu đa chấn thương do tai nạn pháo nổ, pháo tự chế…
Điển hình như trường hợp của một nam bệnh nhân 16 tuổi ở Hà Nam, do sử dụng pháo tự chế, bệnh nhân bị chấn thương nặng, mất các ngón tay và nhiều vết thương khác.
TS Phan Bá Hải - Phó trưởng Khoa phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, số ca tai nạn do pháo nổ đến cấp cứu tại đơn vị trong dịp Tết năm nào cũng trong tình trạng nặng và rất nặng, có những ca thương tật rất đau lòng.
TS Phan Bá Hải - Phó trưởng Khoa phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám cho bệnh nhân bị thương do tự chế pháo.
Trong 4 ngày Tết (từ 29 Tết đến mùng 3 Tết), đơn vị đã tiếp nhận 24 ca tai nạn do pháo nổ vào nhập viện, trong đó nhiều nhất vào ngày 29 Tết với 13 ca, mùng 1 Tết là 5 ca.
Ngay trong đêm 1/2, bệnh viện đã tiếp nhận 2 ca cấp cứu do pháo nổ và phẫu thuật ngay trong sáng 2/2. Các trường hợp vào cấp cứu đều nặng và rất nặng.
Các trường hợp bị tai nạn do pháo nổ chủ yếu bị thương 2 tay, hỏng mặt, tổn thương nhãn cầu. Khi chế tạo pháo do kíp cháy nhanh quá, không đảm bảo kỹ thuật nên thường nổ trên tay gây nát hai tay nạn nhân.
Hoặc các trường hợp khi đốt pháo nhìn trực tiếp, pháo phát nổ gây tổn thương hàm mặt, vỡ nhãn cầu gây tổn thương thị lực (chiếm tỷ lệ 10-20% ca nhập viện do pháo nổ); có nhiều trường hợp bị vỡ nhãn cầu khi mổ các bác sĩ phải bỏ nhãn cầu; nhiều trẻ bị mù.
Có những trường hợp tổn thương mắt nặng, các bác sĩ phải mời bác sĩ của Bệnh viện Mắt T.Ư sang hội chẩn và phối hợp mổ cấp cứu.
“Tình trạng mua và sử dụng thuốc pháo về tự chế pháo để chơi diễn ra dễ dàng, đã gây ra hậu quả nặng nề, đặc biệt là lứa tuổi thanh thiếu niên, ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của các em khi các em bị cụt tay, hỏng mắt, bỏng nặng...” - bác sĩ Hải cảnh báo.
Trong 3 tháng cuối năm 2024, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng đã tiếp nhận 21 ca tai nạn do pháo nổ, hơn 50% trong số đó là trẻ em.
Trước đó, vào những ngày giáp Tết, nhiều bệnh viện liên tục tiếp nhận nạn nhân bị thương do pháo nổ. Ngoài chấn thương mặt, tay, mắt, nhiều em vào nhập viện còn bị bỏng toàn thân. Theo các bác sĩ, so với các loại bỏng khác, bỏng do pháo được xem là rất nghiêm trọng.
Thông tin từ Sở Y tế Thanh Hóa cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết (từ 27 tháng Chạp đến mùng 4 Tết Ất Tỵ), có 27 người nhập viện cấp cứu, điều trị thương tích do nổ pháo gây ra, tăng 50% so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Hậu quả nặng nề
Cứ vào dịp Tết, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên lại tiếp nhận nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương vùng mặt, tay, bụng, do chơi pháo.
Nhìn khuôn mặt con chi chít vết thương, bàn tay phải bị thương gần hết và phải tháo đốt ngón tay cái và tay trỏ, lòng chị T.T.T.H. ở xã Tam Giang, huyện Krông Năng, tỉnh Đắk Lắk cũng như rướm máu. Bệnh nhân được các bác sĩ khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cấp cứu, vết thương đã tạm ổn, nhưng vụ tai nạn do pháo nổ của con, vẫn để lại trong lòng người mẹ nỗi kinh hoàng.
Nhân viên y tế BV Hữu nghị Việt Đức chăm sóc trường hợp tai nạn do sử dụng pháo tự chế.
Chị N.T.T. - mẹ của cháu T.N.P., ở xã Đắk Gla, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông cũng vừa trải qua một cú sốc không kém. P. và bạn chế tạo pháo tự chế, sau đó mang về nhà cuốn lại. Do thuốc pháo bị ẩm, em đã cho vào chảo và bật bếp để làm khô thuốc, dẫn đến tai nạn nổ lớn.
Đối với trẻ em, tai nạn pháo nổ không chỉ là những vết bỏng, mà còn để lại những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến sự phát triển và cảm nhận về thế giới xung quanh. Cháu H. và cháu P. trong những ngày điều trị tại bệnh viện, đã thấm thía sự nguy hiểm của pháo.
Bác sĩ Nguyễn Minh Trực - Trưởng Khoa Chấn thương Chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho hay, các vụ tai nạn pháo nổ thường xảy ra vào dịp nghỉ Hè và Tết, với tỷ lệ trẻ em bị thương rất cao.
Hàng năm, khoa tiếp nhận khoảng 20 bệnh nhân bị thương do chơi pháo. Những vết thương do pháo có thể rất nghiêm trọng, từ bỏng nặng, đứt ngón tay đến mất thị lực. Các ca bỏng hóa chất từ pháo tự chế càng nguy hiểm hơn, vì chúng có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến các cơ quan nội tạng, cần phẫu thuật lâu dài để cứu chữa.
“Pháo nổ ví như là vết thương hỏa khí rất nặng nề. Có những trường hợp phải tháo bỏ đốt tay, bàn tay, để lại tàn tật suốt cuộc đời cho các cháu”- bác sĩ Trực cảnh báo.
Theo các chuyên gia y tế, tự chế pháo nổ rất dễ phát nổ vì người chế tạo không có cân lượng và không kiểm soát được các nguồn nhiệt xung quanh hoặc các sự va chạm, ma sát rất dễ phát nổ. Khi pháo nổ bốc khói, gây cháy, ảnh hưởng rất sâu vào đường hô hấp, gây ngất xỉu và rất dễ chết ngạt.
Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, việc chế tạo pháo đã bị nghiêm cấm, người dân, đặc biệt là phụ huynh tăng cường kiểm soát, giáo dục con em tránh để các em mua thuốc pháo về tự chế, gây nguy hiểm đến tính mạng của mình và những người chung quanh.
Bộ Y tế cho hay, trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ (từ ngày 25/1-2/2), các bệnh viện đã khám, cấp cứu cho 549.997 lượt người bệnh; có 194.985 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện 18.929 ca phẫu thuật (trong đó có 3.301 ca phẫu thuật cấp cứu do tai nạn).
Trong đó, từ ngày 1/2 - 2/2 có 22 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 5 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế. 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ ghi nhận 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 48 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế; chưa ghi nhận ca tử vong.
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, từ ngày 25/1 - 2/2, các cơ sở KCB trên địa bàn TP Hà Nội đã tiếp nhận khám cấp cứu, tai nạn pháo nổ, pháo hoa 23 trường hợp...
Hà Linh
Nguồn KTĐT : https://kinhtedothi.vn/tai-nan-phao-no-dip-tet-hau-qua-dau-long.html