Tai nạn trên... trời

Tai nạn trên... trời
2 ngày trướcBài gốc
Hôm qua có một clip xuất hiện trên mạng làm người xem rùng mình: Một cái xe tải chở gỗ, tuột xích, một khúc gỗ rất lớn, nặng 5 tấn, văng xuống đường. Một chị phụ nữ, ơn giời chả hiểu sao lại nhanh hơn độ lao theo quán tính của khúc gỗ, vất xe bỏ chạy, và... thoát chết. Nghe nói sau đấy lái xe đã thương lượng đền bù cái xe cho chị này, còn chuyện vi phạm, chắc công an sẽ vào cuộc.
Cũng hôm qua, các báo đưa tin, công an khởi tố tội vô ý làm chết người đối với tài xế xe tải để cuộn vải rơi xuống đè chết bảo vệ công ty. Anh này bị cáo buộc là dù lái xe kéo chở theo ba cuộn vải bạt nặng hơn 4 tấn vào công ty nhưng khi chuyển hướng đột ngột vẫn không giảm tốc độ khiến các cuộn vải rơi khỏi xe, đè chết nam bảo vệ ngay ở cổng công ty.
Nam bảo vệ bị cuộn vải đè tử vong ở Bình Dương.
Thực tế, khi đi trên đường ta rất hay gặp những xe chở hàng cồng kềnh, ngất ngưởng và chằng buộc thì... chả theo quy chuẩn nào.
Và đấy là một trong những nguyên nhân gây tai nạn. Hai vụ mới nhất tôi vừa nhắc, một không gây thiệt hại về người, là do người đi xe máy vừa nhanh, vừa may mắn, tài xế phải đền cái xe máy. Và khối gỗ 5 tấn lao vào xe máy là khối thứ 2 rơi xuống, trước đấy đã có một khối rơi. Và may mắn, lúc ấy trên đường có mỗi chị đi xe máy và đường liên xã nhỏ, tức không chạy nhanh được, chứ không thì chưa biết thế nào? Một làm chết người, tài xế bị khởi tố là khi lái xe từ cổng vào nhà máy, dẫu là rất chậm, dẫu là rất chuyên nghiệp, dẫu là xe chuyên dụng, vẫn làm chết người khi để cả cuộn vải nặng hàng tấn rơi xuống đè chết bảo vệ...
Chạy trên đường, ta rất hay gặp những xe cồng kềnh như thế, thậm chí không chỉ một xe, mà cả đoàn xe. Tôi từng gặp những đoàn xe chở mía, mía chất lút xe, qua đoạn đường xấu, xe lắc lư như muốn lật, mà quả là nó cứ lật qua lật lại, nghiêng ngả như con lật đật. Đoạn ấy xấu nữa. Thôi thì, tránh... xe cồng kềnh chả xấu mặt nào, tôi vất xe đấy, rồi ra nhảy lên lề đường đứng, lỡ có việc gì thì... xe hỏng người còn.
Nó còn là như thế này, đa phần tài xế là chở thuê lấy lương, mà nếu xảy ra sự việc đáng tiếc, họ sẽ là người đầu tiên chịu trách nhiệm. Nhẹ thì phải đền bù (như anh tài xế khúc gỗ rơi phải đền xe máy), rồi phạt hành chính, trừ điểm bằng lái, nặng hơn thì bị khởi tố như anh làm rơi cuộn vải. Dù như thế nào thì cái anh làm thuê kiếm tiền ấy chịu đầu tiên, thiệt hại đầu tiên.
Mà lỗi thì toàn là do các anh ấy ẩu.
Chắc khi chở, nó phải có quy trình quy chuẩn để đảm bảo an toàn. Tôi thấy những cái xe tải chở ô tô chẳng hạn, nó đều có sẵn dây, chốt, móc, chèn... để xe lên đấy là đứng yên dẫu xe chở nó có lao đi đâu.
Lại nhớ xưa những chuyến xe chở gỗ trên các tuyến đường từ Tây Nguyên về đồng bằng. Chỉ thấy một đống gỗ lù lù di chuyển trên đường, không thấy cabin đâu chứ đừng nói thấy tài xế. Thế mà ví dụ chạy từ Pleiku theo đường 19 về Quy Nhơn, ít nhất phải qua 2 cái đèo là Mang Yang và An Khê. Có khi xe bò xuống đèo mà nửa ngày chưa hết. Những anh lơ xe cầm theo cục gỗ 3 cạnh, gọi là cục chặn bánh xe, lững thững đi theo, nếu có sự cố là chèn vào bánh xe. Thi thoảng có vụ tai nạn lật xe hoặc mất thắng, cả xe, cả gỗ, và tất nhiên cả người lái... mất hút dưới vực. Dạo này hầu như không còn hoặc rất ít những chuyến xe như thế, có người bảo là tại Tây Nguyên đã... hết gỗ.
Nhưng bây giờ vẫn còn những chuyến/ đoàn xe chở mía như thế mỗi khi tới mùa. Cả trên đường 25 và 19 xuyên qua Gia Lai đều có nhà máy đường, và các xe mía chở về đấy. Chạy trên đường mà gặp các ông này bò phía trước là xong, cứ rì rì chạy phía sau cho an toàn. Mà thực ra, muốn vượt cũng rất khó.
Rồi còn những chuyến xe chở heo (lợn), chở bia bị rơi hàng, lật do tài xế ẩu mà báo chí thi thoảng nhắc. Lái xe sau đấy ngồi... khóc. Thế sao lúc chằng buộc, nhấn lút ga, lúc qua cua không giảm tốc độ thì không... khóc trước đi?
Nó, những chuyến xe kinh hoàng ấy, gây tai nạn là một chuyện, chuyện khác là nó làm hư đường, phá đường rất khủng khiếp. Điều này thì ai cũng thấy cũng biết, trừ cánh lái xe, chủ xe và một số người... có trách nhiệm kiểm tra.
Thôi thì chuyện chở quá tải quá khổ thì còn đổ lỗi cho nhiều lý do, những là xăng tăng giá, những là tiêu cực trên đường, những là giá thuê chở thấp vân vân, cũng một chuyến xe thay vì 20 tấn thì tăng lên... 40 tấn để bù chi phí chẳng hạn, thì còn do cả chủ xe, những người có tiền và quyền, họ bắt buộc họ yêu cầu vân vân. Nhưng chằng cột ẩu để rơi hàng gây tai nạn, và chạy ẩu để cũng gây tai nạn..., thì lại là do tài xế, những người làm công ăn lương. Chỉ một phút ẩu, là tan cơ nghiệp, nhẹ cũng mất cả năm lương.
Thế mà họ vẫn làm. Và thi thoảng tai nạn vẫn xảy ra.
Thì họ chỉ có thể tự trách mình thôi.
Nhưng đa phần là khi việc đã xảy ra rồi thì họ mới ân hận.
Gọi là tai nạn... trên trời là tưởng như tai nạn bất khả kháng, nhưng thực ra nó lại chính là "sản phẩm" do con người tạo ra, đa phần là những những người làm thuê, kiếm tiền về nuôi vợ con, nhưng lại chính họ, tự tay đổ nồi cơm của mình, không những thế, còn tự đẩy mình vào vòng lao lý.
Và hầu như ai cũng biết thế, nhưng mà chả hiểu sao, những chuyện vô lý thế vẫn xảy ra.
Thì nó cũng như cái ông bố mới đây, cho con ngồi vào ghế lái ô tô, xoay vô lăng rồi quay clip khoe lên mạng. Ai cũng biết, cả ông bố, biết thế là sai, nhưng rồi việc vẫn tiếp diễn.
Nhẽ trong mỗi con người có những "khoảng tối" để nhiều lúc không hiểu mình vừa làm việc gỉ?
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Văn Công Hùng
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/tai-nan-tren-troi-204250330185929766.htm