“Vấn nạn” lãng phí nhà, đất công
Hiện nay, trên địa bàn cả nước tình trạng lãng phí nhà, đất công đang trở thành một “vấn nạn”, bởi rất nhiều địa chỉ nhà, đất công tọa lạc ở những vị trí đắc địa, được ví là “đất vàng”, đặc biệt là ở các đô thị lớn nhà Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Cụ thể, tại TP Hồ Chí Minh, theo số liệu báo cáo từ Sở Tài chính TP, đơn vị này đang quản lý trên 12.000 địa chỉ nhà, đất công; tuy nhiên lại có đến hơn 1.000 địa chỉ đang bị bỏ trống hoặc sử dụng chưa hiệu quả.
Ảnh minh họa.
Tương tự, tại địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện cũng đang có hơn 10.700 cơ sở nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước; tổng số nhà, đất dôi dư do các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính của TP quản lý, sử dụng thuộc phạm vi sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định là 6.764 cơ sở (trong đó, khối sở, ban, ngành là 1.202 cơ sở; khối quận, huyện, thị xã là 4.520 cơ sở; khối DN Nhà nước là 1.042 cơ sở, đã được phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý là 6.018 cơ sở, chiếm tỷ lệ khoảng 90%). Nhưng tính đến thời điểm đầu tháng 6/2024 (thời điểm Sở Xây dựng Hà Nội tổng hợp báo cáo UBND TP - PV), tổng số nợ còn phải thu của quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn là 884,6 tỷ đồng (có 95,2 tỷ đồng còn phải thu của các hợp đồng bán nhà tái định cư trả chậm), còn lại 789,4 tỷ đồng được chia làm 3 loại: nợ luân chuyển có khả năng thu hồi, nợ khó thu và nợ xấu khó đòi, khả năng thu hồi thấp.
“Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Sở đang tích cực triển khai Đề án quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả tài sản công. Sở đã tham mưu UBND TP ban hành văn bản chấp thuận chủ trương, quyết định thu hồi, cưỡng chế; đồng thời phân cấp, ủy quyền quản lý, sử dụng, thống kê, phân loại nợ đọng nghĩa vụ tài chính. Vì vậy, từ năm 2023 đến nay, TP ban hành quyết định thu hồi 113 địa điểm và đã thu hồi được 56 địa điểm, hiện nay, TP đang tiếp tục rà soát để thực hiện việc thu hồi, tiếp nhận, từng bước để các cơ sở nhà, đất công sử dụng không đúng quy định vào khai thác, quản lý hiệu quả” – Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong cho hay.
Cần sớm có hướng dẫn cụ thể
Nói về những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng tài sản nhà, đất công, luật sư Trịnh Hữu Đức – Hội Luật gia Việt Nam cho rằng có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Về chủ quan là do một số cơ quan, tổ chức được giao quản lý, sử dụng thiếu nhân sự chuyên trách về quản lý tài sản công, trong khi những cán bộ phụ trách đương nhiệm nhiều người trình độ, kiến thức còn hạn chế. Về khách quan thì do vướng mắc về cơ chế, chính sách dẫn đến việc các cơ quan chủ quản mất đi tính chủ động, dẫn đến việc đưa ra những giải pháp chưa thực sự hiệu quả.
“Luật Quản lý, sử dụng tài sản công không có quy định về việc UBND cấp tỉnh được ban hành mức giá cho thuê tối thiểu đối với nhà, đất công phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, nên UBND cấp tỉnh không có căn cứ để ban hành biểu giá cho thuê nhà, đất công sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh. Vì vậy để triển khai thực hiện các quy định theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP về quản lý nhà, đất công có hiệu quả, bảo đảm tính công khai, minh bạch và giá cho thuê phù hợp với giá thị trường, tránh lãng phí nguồn lực tài sản công là rất khó khăn và vẫn đang phải chờ Chính phủ có Nghị định hướng dẫn chi tiết” – luật sư Trịnh Hữu Đức dẫn chứng.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội Nguyễn Thế Điệp cho rằng, công tác quản lý nhà, đất công tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều bất cập, làm giảm hiệu quả sử dụng và tiềm ẩn nhiều rủi ro thất thoát tài sản công. Các bất cập này có thể được chia thành các nhóm chính sau: Thứ nhất, thiếu minh bạch và công khai thông tin do chúng ta chưa có một cơ sở dữ liệu đồng bộ, đầy đủ về tài sản nhà, đất công, dẫn đến việc quản lý không hiệu quả, khó kiểm soát; tài sản công và các giao dịch liên quan không được công khai rộng rãi, dẫn đến tình trạng lạm dụng, tham nhũng, thất thoát; quá trình quản lý, sử dụng thiếu sự giám sát từ các cơ quan độc lập, dẫn đến việc dễ dàng xảy ra sai phạm.
Thứ hai, công tác quản lý, sử dụng và phân bổ tài sản thiếu nhất quán, thiếu sự đồng bộ giữa các cấp quản lý, gây ra tình trạng dư thừa hoặc thiếu hụt quỹ đất ở nhiều khu vực; quá trình cấp phép sử dụng đất công hoặc giao đất cho tổ chức, cá nhân đôi khi thiếu rõ ràng về các tiêu chí lựa chọn và đấu thầu, dễ dẫn đến tình trạng phân bổ không công bằng hoặc lợi ích nhóm.
Thứ ba, quản lý không hiệu quả dẫn đến thất thoát tài sản, một phần lớn quỹ đất công bị bỏ hoang, không được khai thác hoặc sử dụng không đúng mục đích. Trong khi một số tài sản công bị chuyển nhượng, cho thuê trái phép hoặc sử dụng vào các mục đích không đúng quy định, gây lãng phí lớn.
Thứ tư, là thiếu cơ chế xử lý, giám sát hiệu quả, những hình thức xử lý hành chính đối với các vi phạm liên quan đến nhà, đất công chưa đủ nghiêm khắc, thiếu tính răn đe, nên việc thu hồi tài sản bị chiếm dụng hoặc sử dụng sai mục đích thường gặp nhiều vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính, kéo dài quá trình xử lý. Trong khi cơ quan giám sát nội bộ (như thanh tra, kiểm tra) đôi khi thiếu độc lập, không đủ nguồn lực để thực hiện.
Bên cạnh đó, là tình trạng tham nhũng, lợi ích nhóm khi một số cán bộ, công chức có thể tham gia vào các giao dịch bất hợp pháp, nhận hối lộ hoặc tiếp tay cho các hành vi chiếm dụng đất công, dẫn đến thất thoát tài sản; việc giao đất, cho thuê hoặc chuyển nhượng tài sản công đôi khi chỉ phục vụ lợi ích của một nhóm nhỏ người có quyền lực, không bảo đảm công bằng và lợi ích chung của xã hội.
“Để khắc phục những bất cập trong quản lý nhà, đất công thì cần phải nhanh chóng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu minh bạch, với hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất về nhà, đất công, công khai thông tin để người dân có thể giám sát; Nhà nước đưa ra những chính sách, quy định rõ ràng, thống nhất, giảm thiểu các kẽ hở trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng; tăng cường công tác giám sát độc lập và minh bạch để kiểm tra, thanh tra các hoạt động liên quan để bảo vệ quyền lợi của Nhà nước và Nhân dân; thực hiện đấu giá, cho thuê công khai và đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa quy trình thủ tục giảm thiểu tham nhũng, lợi ích nhóm... để bảo đảm tài sản công được sử dụng đúng mục đích” – ông Nguyễn Thế Điệp kiến nghị.
Việc giải quyết vướng mắc về nhà, đất công không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà có trách nhiệm của rất nhiều bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, khi có vướng mắc địa phương gửi văn bản xin ý kiến các bộ, ngành thì câu trả lời là “cứ thực hiện theo quy định của pháp luật”, thì vướng mắc không thể giải quyết, điều đó cũng gây bức xúc và thất vọng đối với nhiều địa phương.
Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội
Doãn Thành