Tài sản của các tỷ phú trong năm 2024 tăng thêm 2 nghìn tỷ đô la.
Theo Báo cáo "Di sản chủ nghĩa thực dân: Bất công giữa giàu có và đói nghèo" trước thềm Diễn đàn Kinh tế Thế giới 2025 tại Davos, Thụy Sỹ vừa được Oxfam công bố ngày 20/1/2026, tài sản của các tỷ phú đã tăng thêm 2 nghìn tỷ đô la chỉ trong năm 2024, tương đương khoảng 5,7 tỷ đô la mỗi ngày, với tốc độ nhanh gấp ba lần so với năm trước.
Trung bình mỗi tuần xuất hiện gần bốn tỷ phú mới. Trong khi đó, số người sống trong cảnh nghèo đói hầu như không thay đổi kể từ năm 1990, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới.
TỔNG TÀI SẢN CỦA TỶ PHÚ TĂNG TỪ 13 NGHÌN ĐÔ LA LÊN 15 NGHÌN ĐÔ LA CHỈ TRONG 12 THÁNG
Năm 2024, số lượng tỷ phú đã tăng lên 2.769 người, từ 2.565 người vào năm 2023. Tổng tài sản của họ đã tăng từ 13 nghìn tỷ đô la lên 15 nghìn tỷ đô la chỉ trong 12 tháng. Đây là mức tăng tài sản hàng năm lớn thứ hai kể từ khi có số liệu thống kê. Tài sản của mười người đàn ông giàu nhất thế giới đã tăng trung bình gần 100 triệu đô la mỗi ngày — ngay cả khi họ mất 99% tài sản, họ vẫn sẽ là tỷ phú.
Oxfam dự đoán sẽ có ít nhất năm tỷ phú “nghìn tỷ đô la” trong một thập kỷ tới.
Xuất hiện thêm 204 tỷ phú mới trong năm 2024, trung bình gần bốn tỷ phú mỗi tuần.
Năm ngoái, Oxfam dự đoán thập kỷ tới sẽ xuất hiện tỷ phú “nghìn tỷ đô la” đầu tiên. Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng tài sản của các tỷ phú nhanh hơn, dự báo này đã thay đổi đáng kể — với tốc độ hiện tại, thế giới đang trên đà chứng kiến ít nhất năm tỷ phú “nghìn tỷ đô la” trong thập kỷ tới.
Sự tập trung tài sản ngày càng tăng này được thúc đẩy bởi sự tập trung quyền lực độc quyền, khi các tỷ phú ngày càng có ảnh hưởng với các ngành công nghiệp và dư luận.
Ông Amitabh Behar, Giám đốc Điều hành Oxfam Quốc tế, cho biết: “Sự chiếm đoạt nền kinh tế toàn cầu bởi một số ít người đặc quyền đã đạt đến mức độ không thể tưởng tượng được. Thất bại trong việc kiểm soát đà tăng của các tỷ phú đang mở đường cho sự xuất hiện những tỷ phú “nghìn tỷ đô la”. Không chỉ tốc độ tích lũy tài sản của các tỷ phú tăng nhanh - gấp ba lần - mà quyền lực của họ cũng vậy,”
“Chúng tôi công bố báo cáo này như một lời cảnh tỉnh rõ ràng rằng những người dân thường trên khắp thế giới đang bị đè bẹp bởi khối tài sản khổng lồ của một số ít người,” ông Behar nói.
"Sáu mươi phần trăm tài sản của các tỷ phú hiện nay có được nhờ thừa kế, quyền lực độc quyền hoặc các mối quan hệ thân hữu, Oxfam cho rằng "sự giàu có cực độ của các tỷ phú phần lớn là không xứng đáng."
Báo cáo cũng cho thấy một thực tế rằng, trái với quan niệm thường gặp, tài sản của các tỷ phú phần lớn không phải do lao động mà có – 60% tài sản tỷ phú đến từ nguồn thừa kế, quyền lực độc quyền hoặc quan hệ thân hữu. Sự giàu có không xứng đáng và chủ nghĩa thực dân- không chỉ là câu chuyện lịch sử về việc vơ vét tài sản tàn bạo mà còn là nguồn cơn mạnh mẽ thúc đẩy bất bình đẳng cực đoan ngày nay- là hai yếu tố chính đằng sau sự tích lũy tài sản của giới tỷ phú.
Oxfam tính toán rằng 36% tài sản của các tỷ phú hiên tại là từ thừa kế. Nghiên cứu của tạp chí Forbes cho thấy tất cả các tỷ phú dưới 30 tuổi đều được thừa kế tài sản, trong khi Ngân hàng UBS ước tính hơn 1.000 tỷ phú hiện nay sẽ chuyển giao trên 5,2 nghìn tỷ USD cho những người thừa kế trong vòng hai đến ba thập kỷ tới.
Tài sản của nhiều người trong giới siêu giàu, đặc biệt ở Châu Âu, có được là nhờ chủ nghĩa thực dân trong quá khứ và bóc lột các nước nghèo hơn. Ví dụ, tài sản của tỷ phú Vincent Bolloré, người đã dùng “đế chế” truyền thông khổng lồ của mình để phục vụ cánh hữu dân tộc chủ nghĩa ở Pháp, được xây dựng một phần từ các hoạt động thực dân ở Châu Phi.
LƯỢNG TIỀN LỚN VẪN CHẢY VÀO TÚI NHỮNG NGƯỜI GIÀU NHẤT
Cơ chế khai thác tài sản này vẫn còn tiếp diễn đến ngày nay: một lượng tiền lớn vẫn chảy từ Nam Bán cầu tới các nước Bắc Bán cầu và vào túi những người giàu nhất ở đó. Đây là một hiện tượng được báo cáo của Oxfam mô tả là chủ nghĩa thực dân hiện đại.
Năm 2023, 1 phần trăm những người giàu nhất ở các nước Bắc Bán cầu như Mỹ, Vương quốc Anh và Pháp đã khai thác 30 triệu đô la Mỹ một giờ từ Nam Bán cầu thông qua hệ thống tài chính.
Ảnh minh họa.
Các nước Bắc Bán cầu kiểm soát 69 phần trăm tài sản toàn cầu, 77 phần trăm tài sản tỷ phú, và là nơi xuất hiện 68 phần trăm các tỷ phú, mặc dù chỉ chiếm 21 phần trăm dân số toàn cầu.
Trung bình một người Bỉ có quyền biểu quyết tại Ngân hàng Thế giới cao hơn gấp 180 lần so với một người Ethiopia.
Các nước thu nhập thấp và trung bình chi trung bình gần một nửa ngân sách quốc gia để trả nợ, chủ yếu cho các chủ nợ giàu có ở New York và London. Con số này vượt xa tổng chi tiêu của họ cho giáo dục và y tế cộng lại. Trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 2023, các chính phủ ở Nam Bán cầu đã trả 3,3 nghìn tỷ đô la Mỹ tiền lãi cho các chủ nợ ở Bắc Bán cầu.
Lịch sử của đế chế, phân biệt chủng tộc và bóc lột đã để lại di sản bất bình đẳng kéo dài. Ngày nay, tuổi thọ trung bình của người dân châu Phi vẫn ngắn hơn 15 năm so với người dân châu Âu. Nghiên cứu cho thấy mức lương ở Nam Bán cầu thấp hơn từ 87% đến 95% so với Bắc Bán cầu khi cùng một công việc có kỹ năng tương đương. Dù đóng góp tới 90% lao động vận hành nền kinh tế toàn cầu, người lao động ở các nước thu nhập thấp và trung bình chỉ nhận về 21% tổng thu nhập toàn cầu.
Phụ nữ trên toàn cầu thường phải làm các công việc phi chính thức rất bấp bênh, bao gồm làm việc nhà, so với nam giới. Trung bình lao động nhập cư ở các nước giàu kiếm được ít hơn 13% so với lao động bản địa, và khoảng cách thu nhập này thậm chí là 21% đối với lao động nhập cư là phụ nữ.
Năm 2023, 1% người giàu nhất ở Bắc Bán cầu đã thu về 30 triệu đô la mỗi giờ từ Nam Bán cầu thông qua hệ thống tài chính.
Oxfam kêu gọi các chính phủ đánh thuế người giàu nhất để giảm bất bình đẳng, chấm dứt sự giàu có cực đoan và phá bỏ tầng lớp quý tộc mới. Các cường quốc thực dân trước đây phải giải quyết những tổn hại trong quá khứ bằng cách bồi thường.
“Giới siêu giàu thường nói với chúng ta rằng trở nên giàu có đòi hỏi kỹ năng, bản lĩnh, và làm việc chăm chỉ. Nhưng sự thật là hầu hết tải sản của họ là do chiếm được, chứ không phải lao động mà có. Do đó, rất nhiều người được gọi là “tự thân” thực chất là nhờ thừa kế khối tài sản khổng lồ, được truyền lại qua nhiều thế hệ với đặc quyền không xứng đáng. Hàng tỷ đô la tài sản thừa kế không bị đánh thuế là một sự bất công nghiêm trọng, củng cố một tầng lớp quý tộc mới, nơi tài sản và quyền lực chỉ luân chuyển trong tay một số ít người,” theo ông Behar.
"Trong khi đó, số tiền mà các quốc gia rất cần để đầu tư vào giáo viên, mua thuốc men và tạo ra việc làm tốt lại bị rút sạch để chảy vào tài khoản ngân hàng của giới siêu giàu. Điều này không chỉ tồi tệ cho nền kinh tế mà còn tồi tệ đối với toàn nhân loại."
HÀNH ĐỘNG KHẨN TRƯƠNG ĐỂ GIẢM BẤT BÌNH ĐẲNG VÀ CHẤM DỨT GIÀU CỰC ĐOAN
Oxfam kêu gọi các chính phủ hành động khẩn trương để giảm bất bình đẳng và chấm dứt giàu cực đoan:
Giảm bất bình đẳng một cách triệt để. Các chính phủ cần cam kết đảm bảo rằng, ở cấp độ toàn cầu và quốc gia, thu nhập của 10% người giàu nhất không cao hơn 40% người nghèo nhất. Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới, giảm bất bình đẳng có thể chấm dứt tình trạng nghèo đói nhanh hơn gấp ba lần. Các chính phủ cũng cần giải quyết và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc, phân biệt giới tính và chia rẽ, những yếu tố đang duy trì sự bóc lột kinh tế hiện nay.
Đánh thuế những người giàu nhất để chấm dứt tình trạng giàu cực đoan. Chính sách thuế toàn cầu nên nằm trong công ước thuế mới của Liên Hợp Quốc, đảm bảo những người giàu nhất và các tập đoàn trả thuế công bằng. Các thiên đường thuế phải được bãi bỏ.
Phân tích của Oxfam cho thấy một nửa số tỷ phú trên thế giới sinh sống ở các quốc gia không đánh thuế thừa kế đối với đối tượng thừa kế trực tiếp. Thuế thừa kế cần được áp dụng để xóa bỏ tầng lớp quý tộc mới.
Chấm dứt dòng chảy tài sản từ Nam Bán cầu đến Bắc Bán cầu. Xóa nợ và chấm dứt sự kiểm soát của các quốc gia giàu có và tập đoàn lớn đối với các thị trường tài chính và quy tắc thương mại. Điều này đòi hỏi phải chấm dứt các độc quyền, dân chủ hóa các quy định về bằng sáng chế, và quản lý chặt chẽ các tập đoàn để đảm bảo họ trả lương đủ sống và giới hạn mức lương của CEO.
Cần tái cấu trúc quyền biểu quyết tại Ngân hàng Thế giới, IMF và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để đảm bảo sự đại diện công bằng cho các quốc gia thuộc khu vực Nam Bán cầu. Các cường quốc thực dân trước đây cũng cần đối mặt với những tổn hại lâu dài mà chế độ thực dân gây ra, đưa ra lời xin lỗi chính thức và bồi thường cho các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Hà Lê