Trả lời: Luật sư Nguyễn Thị Hảo, Trưởng Văn phòng Luật sư Hảo Anh cho biết: Việc bố của bạn tặng cho mẹ của bạn toàn bộ tài sản trước khi mất là hành vi hợp pháp, được pháp luật công nhận và bảo vệ. Mẹ của bạn có quyền sở hữu những tài sản này theo Điều 223 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về xác lập quyền sở hữu theo hợp đồng: “Người được giao tài sản thông qua hợp đồng mua bán, tặng cho, trao đổi, cho vay hoặc hợp đồng chuyển quyền sở hữu khác theo quy định của pháp luật thì có quyền sở hữu tài sản đó”.
Theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác” thì những tài sản của bố bạn trước khi mất đã tặng cho mẹ bạn không phải là di sản. Do đó, mẹ bạn không có nghĩa vụ phải chia tài sản mà bố của bạn đã tặng mẹ của bạn trước khi mất cho ông, bà nội của bạn.
Trong trường hợp chứng minh được việc bố bạn tặng cho mẹ bạn toàn bộ tài sản của mình là không hợp pháp (có thể là bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép…) thì phần tài sản thuộc sở hữu của bố bạn được xác định là di sản theo quy định tại Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015. Như vậy, phần tài sản thuộc sở hữu của bố bạn (được xác định khi tặng cho mẹ bạn là không hợp pháp) sẽ phải chia theo pháp luật cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể:
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Ban KT-PL