Tài sản số, tín chỉ carbon có phải là tài sản bảo đảm?

Tài sản số, tín chỉ carbon có phải là tài sản bảo đảm?
5 giờ trướcBài gốc
Các đại biểu tham dự hội thảo.
Chưa đủ cơ sở pháp lý
Hiện, Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Thủ tướng cũng đã giao Ngân hàng nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính khẩn trương, tích cực nghiên cứu để đề xuất khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số.
Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo “Tài sản bảo đảm ngân hàng - những vấn đề quan tâm hiện nay” do Thời báo Ngân hàng tổ chức sáng 28.4, TS. Lê Thị Giang, Trường Đại học Luật Hà Nội, cho rằng, hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về tài sản số trong hệ thống pháp luật. TS. Lê Thị Giang phân tích, Bộ luật Dân sự (2015) có định nghĩa tài sản nhưng không rõ ràng về tài sản số. Do vậy, dù tài sản số tồn tại và giao dịch phổ biến song vẫn chưa đủ cơ sở pháp lý để trở thành tài sản bảo đảm trong các giao dịch tín dụng ngân hàng; đáng chú ý, dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số lần đầu tiên định nghĩa về tài sản số và quyền sở hữu tài sản số. Đây là bước đi quan trọng mở đường cho việc xác lập và giao dịch bảo đảm đối với tài sản số trong tương lai.
Khái niệm “tín chỉ carbon” và việc phát triển thị trường carbon đã được quy định tại Luật Bảo vệ môi trường, song chủ yếu liên quan đến bảo vệ môi trường; vấn đề tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm chưa được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự 2015 và Nghị định số 21/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành bộ luật này.
TS. Lê Thị Giang nhấn mạnh, nếu coi tài sản số, tín chỉ carbon là tài sản thì nó sẽ được đối xử như với tài sản thông thường; do đó, đầu tiên phải thừa nhận về mặt pháp lý, công nhận các tài sản này; “nếu không giải quyết vấn đề gốc thì không thể giải quyết các vấn đề tiếp theo”.
Nên tham khảo kinh nghiệm quốc tế
Không riêng Việt Nam, tài sản số, tín chỉ carbon vẫn là vấn đề mới trên thế giới; dù vậy, tại nhiều nước đã ban hành cơ chế pháp lý cho các loại tài sản này.
TS. Giacomo Merello, Chủ tịch Hội đồng Thúc đẩy kinh doanh tài sản kỹ thuật số Antigua và Barbuda, Đặc phái viên Kinh tế đặc biệt của Thủ tướng Antigua và Barbuda tại Cộng hòa Singapore cho biết, Thụy Sĩ là nước ghi nhận tài sản thế chấp là tiền ảo như Bitcoin và Ethereum từ khá sớm. Tháng 2.2025, Sở Giao dịch chứng khoán Thụy Sĩ (SIX) ra mắt dịch vụ Digital Collateral Service, cho phép các tổ chức sử dụng tiền mã hóa làm tài sản thế chấp cùng với chứng khoán truyền thống. Các ngân hàng đang cung cấp dịch vụ ngân hàng là tiền mã hóa, cung cấp các khoản vay được thế chấp bằng tiền mã hóa song ở quy mô tương đối nhỏ; chủ yếu cung cấp thanh khoản cho các doanh nghiệp và tổ chức lớn, không dành cho các lĩnh vực ngân hàng bán lẻ. Loại tiền dùng làm tài sản thế chấp phải có giá trị lớn như Bitcoin, trong khi các loại tiền mới, tiền có giá trị thấp hơn thì khó được sử dụng.
Tại Singapore đã thông qua Luật Dịch vụ thanh toán (PSA) từ năm 2019, thiết lập hành lang pháp lý minh bạch cho các sàn giao dịch và nhà cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản số. Singapore cũng công nhận token kỹ thuật số là tài sản có thể dùng để thế chấp, mở đường cho hàng loạt sản phẩm tài chính mới ra đời…
TS. Vũ Thị Vân Anh, Trưởng phòng Cao cấp Khối ESG - KPMG Việt Nam bổ sung, tín chỉ carbon đang được nhiều nước sử dụng làm tài sản bảo đảm; chẳng hạn, tại Thái Lan, theo Luật Bảo đảm kinh doanh B.E.2558 (2015), nước này đang xem xét công nhận tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Bộ Phát triển Kinh doanh đã thảo luận với các cơ quan liên quan để thúc đẩy việc này.
Tại thị trường châu Âu, EUA là đơn vị phát thải chính thức được giao dịch trong Hệ thống Giao dịch phát thải của EU (EU ETS). Một số quốc gia thành viên như Pháp đã phân loại EUA là tài sản vô hình có thể chuyển nhượng, cho phép sử sụng nó làm tài sản thế chấp hoặc tài sản bảo đảm trong các giao dịch tài chính. Các tổ chức tài chính cũng đã chấp nhận EUA làm tài sản bảo đảm cho vay vốn hoặc giao dịch hợp đồng mua lại (repo), đặc biệt khi giá trị EUA tăng mạnh từ 5 - 7 Euro (2017) lên hơn 90 Euro (2022)…
Nhấn mạnh việc cần thiết tham khảo kinh nghiệm quốc tế, song theo TS. Vũ Thị Vân Anh, khi đưa tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm gặp phải nhiều thách thức. Đó là khung pháp lý chưa hoàn thiện; khả năng thanh khoản thấp; rủi ro chính sách và rủi ro gian lận; giá trị của tín chỉ không ổn định; chuẩn mực kế toán và quản lý tài sản.
Để đưa tín chỉ carbon trở thành tài sản bảo đảm, TS. Vũ Thị Vân Anh đề xuất, với cơ quan quản lý, cần hoàn thiện khung pháp lý, nghiên cứu ban hành quy định cụ thể liên quan tín chỉ carbon cũng như việc sử dụng nó làm tài sản bảo đảm; xây dựng cơ chế định giá và đánh giá rủi ro; thực hiện thí điểm nhằm đánh giá tính khả thi trước khi mở rộng; phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu và kết nối sàn giao dịch carbon quốc gia.
Về phía các ngân hàng thương mại, cần nâng cao năng lực đánh giá và thẩm định; xây dựng chính sách tín dụng riêng cho tài sản xanh, phát triển sản phẩm tín dụng xanh, trong đó có tín chỉ carbon là tài sản bảo đảm, thiết kế hợp đồng tín dụng có điều khoản rõ ràng về tài sản bảo đảm là tín chỉ carbon cả về quyền sở hữu, định giá lại, thanh lý…
Theo TS. Lê Thị Giang, tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, mà con người có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Còn tín chỉ carbon là chứng nhận phát thải hoặc hạn ngạch phát thải… cho phép một chủ thể thải ra một tấn CO2 hoặc tương đương (CO2 tđ), gắn liền với quá trình chuyển đổi xanh.
Minh Châu
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/tai-san-so-tin-chi-carbon-co-phai-la-tai-san-bao-dam-post411795.html