Tài sản tiền tỷ ngâm dưới biển, chủ tàu thuyền bị đắm ở Quảng Ninh mong được hỗ trợ

Tài sản tiền tỷ ngâm dưới biển, chủ tàu thuyền bị đắm ở Quảng Ninh mong được hỗ trợ
9 giờ trướcBài gốc
Nước mắt chủ tàu sau bão
Ngày 7/9, tại cảng tàu số 2 ở phường Tuần Châu, TP Hạ Long, Quảng Ninh, nhiều chủ tàu bị đắm ở vịnh Hạ Long đang bàn bạc với đơn vị trục vớt phương án sao cho đưa được tàu nổi lên nhanh nhất, nhưng đảm bảo an toàn nhất.
Bão số 3 làm hàng loạt tàu du lịch trên vịnh Hạ Long bị đánh chìm.
Chị Nguyễn Thị Hương, chủ một chiếc tàu du lịch bị bão số 3 quật chìm cho biết, khi bão sắp về, cơ quan chức năng kêu gọi, chị Hương đã cho tàu vào neo đậu tận trong cùng của bến.
Nào ngờ cơn bão quá lớn, dù neo đậu rất cẩn thận, nhưng tàu của gia đình chị Hương đã bị nhấn chìm.
"Tàu lúc đóng hết hơn 3 tỷ đồng, chúng tôi vừa chi 50 triệu đồng để trục vớt xong. Giờ ước tính khôi phục, sửa chữa thiệt hại cho tàu hết khoảng 600 triệu đồng. Lúc đóng tàu tiền nợ ngân hàng vẫn còn, giờ chúng tôi không biết xoay đâu tiền sửa chữa", chị Hương buồn bã nói.
Anh Bùi Văn Tuyên, đại diện chủ chiếc tàu đang được trục vớt dưới âu tàu chia sẻ: Sau bão, do thủy triều gây khó khăn cho việc trục vớt, nên đến nay, con tàu trị giá nhiều tỷ đồng vẫn còn nằm nửa nổi, nửa chìm trong cảng.
"Theo tính toán sơ bộ, kinh phí trục vớt chiếc tàu mất khoảng 70 triệu, chưa tính các phụ phí. Do tàu bị ngâm lâu ngày trong nước, nên toàn bộ nội thất đã bị hỏng, ước tính thiệt hại khoảng 700-800 triệu đồng", anh Tuyên nhẩm tính.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Chi hội tàu Du lịch Hạ Long cho biết, đến ngày 7/10, Chi hội chỉ còn 2 chiếc tàu du lịch bị đắm ở khu vực Tuần Châu là chưa trục vớt được.
Tại khu tái định cư làng chài (khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long), nhiều hộ gia đình cũng lo lắng vì nhiều con thuyền ở đây đã bị chìm, trôi mất tích, hư hỏng sau bão số 3.
Ông Lê Văn Bội, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 8, phường Hà Phong cho biết, bão số 3 đã làm 17 phương tiện vừa và nhỏ của bà con làng chài bị chìm, trôi mất tích.
Đang chơi cùng đứa cháu nội 5 tuổi bị bệnh bẩm sinh trên chiếc chiếu trải trên vỉa hè nóng hầm hập, ông Phạm Văn Sáng, 69 tuổi, ở lô A6, khu 8, phường Hà Phong dùng đôi bàn tay còn 4 ngón không lành lặn chỉ vào bức ảnh chiếc đò của mình, cho biết, bão số 3 đã cuốn đò của gia đình ông mất tích.
Ông Phạm Văn Sáng chỉ vào chiếc ảnh con đò - "cần câu cơm" của gia đình - đã mất tích trong bão số 3.
Gần chục năm trước, gia đình ông Sáng cùng mấy trăm hộ dân khu tái định cư này được chuyển lên bờ. Quen nghề sông nước, ông Sáng mua một chiếc đò dài 7,5m, trị giá khoảng 70 triệu đồng để chở khách ở khu vực bến Hòn Gai. Nhờ chiếc đò, mỗi ngày ông Sáng cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng.
"Nhà tôi có 7 khẩu. Các con tôi cũng làm nghề chèo đò, nên cũng không khá giả gì. Khi bão về, 3 chiếc đò của gia đình bị trôi dạt, may cứu được 2 chiếc của các con. Còn chiếc của tôi thì chẳng biết trôi đi đâu hay bị chìm chốn nào", ông Sáng cho hay.
Hỗ trợ người dân sau bão dữ
Theo thông tin từ cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh, bão Yagi đã làm cho 28 tàu du lịch, khoảng 270 tàu cá và 126 tàu hàng bị đắm chìm, trôi dạt mất tích.
Chỉ tính riêng vịnh Hạ Long, trước khi bão số 3 đổ về có đội tàu du lịch trên 500 chiếc. Bão số 3 đổ về đã làm cho 28 tàu bị chìm đắm, một số tàu bị va đập gây hư hỏng nặng nề.
Ngay sau bão số 3, cùng với tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, chủ tàu có phương tiện bị chìm đắm để lắng nghe ý kiến, nguyện vọng, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai ngay các cơ chế hỗ trợ.
Các thợ lặn đang nỗ lực trục vớt con tàu du lịch bị chìm tại Tuần Châu.
Tại kỳ họp lần thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã thông qua nghị quyết về một số biện pháp hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3. Trong đó, có hỗ trợ chi phí trục vớt phương tiện có chiều dài từ 12m trở lên bị chìm là 50 triệu đồng và 15 triệu đồng đối với phương tiện dài từ 6m đến dưới 12m.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng để thống nhất nhiều chính sách về giãn, hoãn trả lãi, gốc, giảm lãi suất, tổ chức tín chấp để vay vốn. Đề nghị các chính sách miễn, giảm thuế; hỗ trợ kết nối với các đơn vị trục vớt, sửa chữa, đóng mới phương tiện.
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh cũng đã và đang tạo điều kiện thuận lợi nhất trong cấp lại giấy chứng nhận, đăng ký phương tiện, chứng nhận an toàn, chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ của thuyền viên bị mất.
Đến sáng 7/10, vẫn còn 2 chiếc tàu ở Tuần Châu chưa được trục vớt.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Phan Thanh Nghị, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Quảng Ninh cho biết, đối với các phương tiện có đủ giấy tờ, các thủ tục hỗ trợ sẽ rất thuận tiện khi được cấp có thẩm quyền thông qua.
Đối với các phương tiện dù chưa có đăng ký, đăng kiểm, nhưng đã nộp hồ sơ làm thủ tục đến cơ quan chức năng cũng sẽ được xem xét hỗ trợ khi có đầy đủ cơ sở.
"Riêng đối với các phương tiện là đò, thuyền loại nhỏ nằm ngoài mức hỗ trợ do nghị quyết của HĐND tỉnh thông qua, nhưng là sinh kế của nhiều người dân thì các địa phương chủ động thống kê, có biện pháp hỗ trợ phù hợp để giúp người dân sớm có sinh kế", vị lãnh đạo Sở NN&PTNT Quảng Ninh thông tin.
Quang Minh
Nguồn Giao Thông : https://www.baogiaothong.vn/tai-san-tien-ty-ngam-duoi-bien-chu-tau-thuyen-bi-dam-o-quang-ninh-mong-duoc-ho-tro-19224100720130201.htm