Tại sao duy nhất vào năm 1940, lịch Thái Lan chỉ có vỏn vẻn có 9 tháng?

Tại sao duy nhất vào năm 1940, lịch Thái Lan chỉ có vỏn vẻn có 9 tháng?
2 ngày trướcBài gốc
Thông báo thay đổi việc kết thúc sớm năm Phật lịch 2483 (tức là năm 1940) chỉ còn 9 tháng. Ảnh: The Nation.
Theo tờ The Nation, năm 1940 đã trở thành một sự kiện hiếm hoi về mốc thời gian, không chỉ ở tại Thái Lan và còn trên toàn thế giới khi một năm chính thức chỉ kéo dài trong vòng 9 tháng. Theo Phật lịch, đó là vào năm 2483, được bắt đầu vào tháng 4 như truyền thống vốn có. Tuy nhiên với những thay đổi được ban hành năm Phật lịch 2483 đã kết thúc sớm vào ngày 31/12, thay vì tháng 4 của năm liền kề sau đó.
Theo dữ liệu tại Bảo tàng Quốc hội Thái Lan, nguyên nhân của việc điều chỉnh này không phải là do vấn đề thảm họa thiên tai hay một sự gián đoạn nào đó từ chiến tranh, mà là một quyết định mang tính hội nhập, thúc đẩy hiện đại hóa quốc gia.
Suốt nhiều thế hệ, người Thái Lan đón năm mới vào ngày 1/4 hằng năm. Phong tục này gắn liền với nhịp điệu mùa màng, đặc trưng văn hóa và đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân nước này. Tuy nhiên, vào cuối những năm của thập niên 1930, làn sóng toàn cầu hóa cũng như những ảnh hưởng từ phương Tây đã khiến Thái Lan phải suy xét lại.
Thủ tướng của Thái Lan khi đó là Thống chế Plaek Phibunsongkhram. Trong một nỗ lực cải cách đất nước, ông muốn đồng bộ hệ thống hành chính Thái Lan với các chuẩn mực quốc tế.
Ngày 6/9/1940, Nội các Thái Lan đã ban hành Đạo luật Lịch năm 2483. Đạo luật này quy định lại thời điểm bắt đầu năm mới, chuyển từ ngày 1/4 sang ngày 1/1 và bắt đầu chính thức áp dụng từ năm 1941.
Để thực hiện thay đổi này, chính phủ Thái Lan tuyên bố rằng năm hiện tại khi đó là Phật lịch 2483, sẽ kết thúc sớm hơn 3 tháng so với thông thường. Kết quả là năm Phật lịch 2483 chỉ kéo dài trong 9 tháng - từ tháng 4 đến tháng 12/1940.
Theo đó, ngày 1/1/1941 được xác định là ngày bắt đầu của năm mới kéo dài 12 tháng và đây cũng là ngày đầu tiên của năm Phật lịch 2484 - đánh dấu lần đầu tiên Thái Lan đón năm mới theo lịch cùng với các quốc gia phương Tây.
Tuy vậy, động thái cải cách này cũng đã gây ra những sự xáo trộn nhất định đối với các dịch vụ dân sự, hợp đồng pháp lý và chu kỳ ngân sách quốc gia. Điều này khiến chính phủ phải nhanh chóng ban hành hướng dẫn điều chỉnh mức lương, thời hạn hành chính và các loại giấy tờ liên quan.
Các bộ được chỉ thị tính toán lại dữ liệu hàng năm cho phù hợp với năm rút ngắn – nội dung này đã được ghi chép rõ trong các tài liệu của nhà nước thời kỳ đó. Mặc dù sự thay đổi này đòi hỏi những điều chỉnh đáng kể về mặt hành chính, nhưng đã mang lại những sự thay đổi cho đất nước.
Bên cạnh đó, chính quyền của Thủ tướng Phibunsongkhram, nổi tiếng với các chính sách dân tộc chủ nghĩa, cũng tiếp tục thúc đẩy một số các cải cách khác. Trong đó, nước này đã đổi tên từ Xiêm (Siam) sang thành Thái Lan (Thailand) vào năm 1939; thực thi các quy định về trang phục và khuyến khích một bản sắc dân tộc thống nhất.
Việc chuẩn hóa lịch được đánh giá là một phần trong nỗ lực của Thái Lan nhằm hiện đại hóa và quốc tế hóa nền bộ máy quản trị đất nước.
Đến nay, Thái Lan vẫn tiếp tục xem ngày 1/1 là ngày chính thức bắt đầu năm mới. Tuy nhiên, song song với đó, nước này vẫn duy trì hệ thống lịch Phật giáo, cũng như đón Tết cổ truyền năm mới Songkran cổ truyền vào tháng 4 hàng năm.
Bình Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/ho-so/tai-sao-duy-nhat-vao-nam-1940-lich-thai-lan-chi-co-von-ven-co-9-thang-20250526000255497.htm