Để ứng phó, Chính phủ Iran đã phải đóng cửa trường học, văn phòng công cộng và tắt đèn tại các tuyến đường chính ở thủ đô Tehran.
Iran cần hàng tỷ USD đầu tư mới để hiện đại hóa các ngành dầu khí của mình. (Nguồn: DW)
Tổng thống Masoud Pezeshkian kêu gọi người dân giảm nhiệt độ trong nhà xuống 2°C để hỗ trợ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, đặc biệt khi 86% điện năng của Iran phụ thuộc vào các nhà máy điện chạy bằng khí đốt.
Khi nguồn cung khí đốt không đủ, chính quyền đã phải sử dụng mazut, một loại dầu nặng và ô nhiễm, khiến tình trạng ô nhiễm không khí trở nên trầm trọng.
Các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm ngăn chặn các chương trình tên lửa và hạt nhân của Iran đã tác động sâu sắc đến nền kinh tế và cản trở các dự án phát triển mỏ khí đốt.
Dù thu được 144 tỷ USD từ xuất khẩu dầu trong 3 năm qua, Iran đã chuyển hướng phần lớn số tiền này cho các ưu tiên địa chính trị, đặc biệt là hỗ trợ chế độ Bashar al-Assad ở Syria. Việc không đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước đã làm ngành năng lượng của Iran trở nên lạc hậu.
Iran cần đầu tư hàng tỷ USD để hiện đại hóa ngành dầu khí, nhưng các công ty nước ngoài sẽ khó quay lại nếu không có thỏa thuận hạt nhân với Mỹ và các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.
Hiện tại, Iran thiếu 350 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày và 20 gigawatt điện, trong khi mức tiêu thụ xăng tăng lên 15 triệu lít mỗi ngày. Cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay được coi là nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng năm 1979.
Khác với các quốc gia láng giềng như Thổ Nhĩ Kỳ, Iran quá phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên, với hơn 95% hộ gia đình kết nối với mạng lưới khí. Việc ưu tiên khí đốt cho nhu cầu dân dụng thay vì công nghiệp đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, khi nhiều ngành công nghiệp phải đóng cửa.
Sự phụ thuộc vào khí đốt cũng dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, khiến Iran trở thành một trong những quốc gia có lượng khí thải cao nhất thế giới.
Với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng, Iran sẽ phải nhập khẩu khí đốt tự nhiên, trong đó Turkmenistan là đối tác khả thi. Tuy nhiên, điều này tạo ra nghịch lý khi một quốc gia có trữ lượng khí đốt khổng lồ lại phải nhập khẩu năng lượng.
Theo giới chuyên gia, cuộc khủng hoảng năng lượng của Iran là kết quả của nhiều năm quản lý kém, các lệnh trừng phạt quốc tế và sự ưu tiên cho các mục tiêu địa chính trị. Để khắc phục, Iran cần thay đổi chiến lược và quản trị, nếu không sẽ phải đối mặt với nguy cơ kinh tế trì trệ và sự phụ thuộc ngày càng tăng vào nhập khẩu năng lượng.
Xuân Minh