Ảnh minh họa
Gazprom chịu khoản lỗ gần 7 tỷ đô la vào năm 2023, đây là khoản lỗ hằng năm đầu tiên sau hơn 20 năm, trong bối cảnh hoạt động buôn bán khí đốt với châu Âu, vốn từng là thị trường tiêu thụ chính của công ty, đang suy giảm.
Nga và Liên Xô cũ đã dành nửa thế kỷ để xây dựng thị phần lớn trên thị trường khí đốt châu Âu, đạt đỉnh chiếm khoảng 35% thị phần. Nhưng EU đã cắt giảm sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga kể từ khi bắt đầu xung đột ở Ukraine bằng cách mua thêm khí đốt qua đường ống từ Na Uy và LNG từ Qatar và Hoa Kỳ.
Công ty hiện đang tập trung vào việc thúc đẩy xuất khẩu khí đốt sang châu Á, đặc biệt là sang Trung Quốc, như một phần trong chiến lược xoay trục về phía Đông của Moscow.
Tuần trước, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố Gazprom có kế hoạch cung cấp cho Iran tới 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm, tương đương với công suất đường ống Nord Stream 1 bị hư hại.
Ở trong nước, giá khí đốt trong nước của Nga được Chính phủ điều tiết.
Interfax trích lời ông Alexei Sakharov, một Giám đốc cấp cao của Gazprom, cho biết: "Mức giá khí đốt bán buôn được điều tiết hiện nay không đảm bảo hình thành nguồn tài chính đủ, để thực hiện các khoản đầu tư vốn cần thiết vào việc bảo trì và phát triển cơ sở hạ tầng khí đốt vì lợi ích của người tiêu dùng Nga".
Phát biểu tại một hội đồng chuyên gia của Quốc hội, ông cho biết Gazprom cũng muốn duy trì quyền độc quyền đối với khí đốt của Nga xuất khẩu qua đường ống.
Ông Sakharov phát biểu rằng: "Bất chấp sự sụt giảm về khối lượng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu... thì vấn đề độc quyền khí đốt vẫn không thay đổi với dòng khí đốt xuất khẩu của Nga sang phía Đông và các nước ở Nam bán cầu".
Yến Anh
Interfax/Reuters