Ngay cả đối với người giàu nhất Trung Quốc, đây cũng là một khoản đầu tư táo bạo. Tháng trước, đại gia ngành đồ uống Zhong Shanshan đã khiến nhiều người ngạc nhiên khi công bố kế hoạch chi 40 tỷ nhân dân tệ (5,5 tỷ đô la Mỹ) trong thập kỷ tới để thành lập một trường đại học tư thục có tên là Đại học Tiền Đường.
Zhong, người sáng lập công ty đồ uống đóng chai khổng lồ Nongfu Spring, cho biết Đại học Tiền đường sẽ có tầm nhìn rõ ràng: thúc đẩy nghiên cứu khoa học, thúc đẩy ứng dụng các công nghệ mới và bồi dưỡng nhân tài hàng đầu trong các lĩnh vực chiến lược.
Tỷ phú Zhong Shanshan, người sáng lập công ty đồ uống khổng lồ Nongfu Spring. (Nguồn: Instagram)
Sáng kiến của ông là sáng kiến mới nhất trong làn sóng các trường đại học do doanh nhân tài trợ đang ngày càng gia tăng ở Trung Quốc, một sản phẩm của sự thay đổi trong cách giới tinh hoa kinh doanh của đất nước này phân bổ tài sản của mình trong bối cảnh Bắc Kinh đang tăng cường thúc đẩy phát triển khả năng tự cung tự cấp quốc gia.
Chỉ vài ngày trước thông báo của Zhong, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chấp thuận cho Đại học Khoa học và Công nghệ Fuyao (FYUST) - một tổ chức mới được thành lập với khoản tài trợ 10 tỷ đô la Mỹ từ Cao Dewang, Chủ tịch của nhà sản xuất thủy tinh Fuyao Group - bắt đầu tuyển sinh trong năm nay.
Trong khi đó, Viện Công nghệ Phương Đông (EIT), một trường đại học ở thành phố cảng phía đông Ninh Ba do đại gia ngành bán dẫn Yu Renrong tài trợ, đang chuẩn bị chào đón những sinh viên đại học đầu tiên vào cuối năm nay, sau khi tuyển sinh đợt ứng viên tiến sĩ đầu tiên vào năm 2022.
Trong khi đó, báo cáo từ Viện nghiên cứu Hurun theo dõi các khoản đóng góp của những người Trung Quốc giàu có phát hiện ra rằng 70% các nhà tài trợ hàng đầu của đất nước này ưu tiên giáo dục, tăng từ 58% vào năm 2023.
Li Mingbo, Phó khoa Viện Quảng Châu của vùng Vịnh Lớn, cho biết Trung Quốc đang rất cần nhân tài có kỹ năng trong lĩnh vực khoa học và công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp quốc gia do hệ thống các trường đại học truyền thống của Trung Quốc đang phải vật lộn để theo kịp các ngành công nghiệp phát triển nhanh chóng.
"Nếu không có thế hệ chuyên gia mới, Trung Quốc có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua công nghệ toàn cầu", ông Li cảnh báo.
Cũng theo chuyên gia này, ngày nay, các doanh nghiệp đang hào hứng thúc đẩy quá trình đổi mới công nghệ hơn các trường đại học nên việc các doanh nhân "xắn tay" vào lĩnh vực đào tạo nhân lực "là điều dễ hiểu".
Khánh An (Theo SCMP)