Tại sao Nga chỉ sản xuất một chiếc máy bay chiến đấu Su-47?

Tại sao Nga chỉ sản xuất một chiếc máy bay chiến đấu Su-47?
3 giờ trướcBài gốc
Thiết kế này không chỉ tạo ra một diện mạo khác biệt mà còn mang đến những ưu điểm vượt trội về khí động học, làm cho máy bay trở nên cơ động hơn.
Máy bay chiến đấu Su-47 của Nga.
Ý tưởng về cánh quét về phía trước đã thu hút sự chú ý của các nhà thiết kế máy bay từ giữa thế kỷ 20. Tuy nhiên, phải đến cuối thế kỷ, sự phát triển của khoa học vật liệu mới đủ để biến thiết kế này thành hiện thực. Su-47 chính là kết quả của bước đột phá đó.
Với cánh quét về phía trước, Su-47 trở nên cực kỳ linh hoạt và khó bị đánh trúng trong các cuộc không chiến. Nhưng để thực hiện thiết kế này, đòi hỏi phải có các vật liệu cực kỳ bền và nhẹ—một yêu cầu mà công nghệ trước đây chưa thể đáp ứng.
Trước Su-47, đã có nhiều dự án thử nghiệm với thiết kế cánh quét về phía trước, nhưng đều vấp phải khó khăn kỹ thuật.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, Đức Quốc xã đã thử nghiệm với máy bay ném bom Junkers Ju 287, sau đó Mỹ cũng phát triển máy bay ném bom siêu thanh Convair XB-53.
Dù vậy, cả hai dự án đều không thành công do giới hạn về vật liệu. Các nỗ lực thử nghiệm tiếp tục trên các mẫu máy bay nổi tiếng như Bell X-1, Douglas D-558 và P-51 Mustang, nhưng việc tạo ra một cánh máy bay đủ cứng mà không quá nặng vẫn là thách thức không thể vượt qua.
Phải đến khi sợi carbon xuất hiện - một loại vật liệu vừa bền vừa nhẹ - các nhà thiết kế mới có thể quay lại thử nghiệm với cánh quét về phía trước. Một trong những bước tiến đáng chú ý là dự án Grumman X-29 của Mỹ, một mẫu thử nghiệm với cánh quét về phía trước, mở ra cơ hội cho sự ra đời của Su-47 sau này.
Năm 1997, Nga chính thức giới thiệu Su-47 tại Triển lãm hàng không Paris. Với thiết kế cánh quét về phía trước độc đáo, chiếc máy bay có khả năng đạt tốc độ tối đa Mach 2,21, hoạt động ở độ cao lên tới 59.000 feet và chịu được lực tối đa gấp 9 lần trọng lực (9g), giúp nó cực kỳ linh hoạt trong các tình huống không chiến.
Không chỉ nhanh và linh hoạt, Su-47 còn chứng minh nhiều ưu điểm của cánh quét về phía trước, bao gồm việc tăng tỉ lệ lực nâng trên lực cản, giảm nguy cơ chết máy, giữ ổn định hơn ở góc tấn công lớn, chống lại hiện tượng xoay tròn và giảm khoảng cách cất cánh và hạ cánh.
Su-47 với nhiều điểm vượt trội, nhưng chưa bao giờ được sản xuất hàng loạt và cũng chưa từng được trang bị vũ khí. Chiếc máy bay này chủ yếu được dùng để thử nghiệm, phô diễn khả năng khí động học trong các cuộc trình diễn.
Các bài học rút ra từ Su-47 sau đó đã được ứng dụng vào việc phát triển các mẫu máy bay chiến đấu hiện đại hơn như Su-35 và Su-57.
Dù Su-47 chỉ có duy nhất một chiếc được sản xuất, nhưng di sản của nó không hề bị lãng quên. Năm 2015, Nga đã tiết lộ mẫu máy bay huấn luyện KB SAT SR-10, cũng sử dụng cánh quét về phía trước. Dù nhỏ bé và khiêm tốn hơn nhiều so với Su-47, SR-10 vẫn là một minh chứng cho sức hút và tiềm năng của thiết kế này trong tương lai.
Xuân Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/tai-sao-nga-chi-san-xuat-mot-chiec-may-bay-chien-dau-su-47-169241019153017741.htm