Tại sao nút 'Like' đang dần mất giá trị với người trẻ

Tại sao nút 'Like' đang dần mất giá trị với người trẻ
16 giờ trướcBài gốc
Nút Like: biểu tượng gây tranh cãi
Nguyễn Phương Vy, 24 tuổi, nhân viên văn phòng tại TP.HCM chia sẻ trải nghiệm khó xử tại nơi làm việc. Vy thường nhận được phản hồi bằng biểu tượng "Like" từ các đồng nghiệp lớn tuổi, trong khi cô nàng quen sử dụng những biểu tượng "thân thiện" hơn như "Tim" hoặc viết hẳn lời cảm ơn. "Mỗi lần thấy các anh chị thả Like, mình cảm giác như bản thân vừa nói gì đó sai. Nút Like tạo ra sự mơ hồ trong giao tiếp," Vy bộc bạch.
Vy cho rằng nút Like tạo ra sự mơ hồ trong giao tiếp trên không gian mạng. (Ảnh: NVCC)
Trên mạng xã hội, câu chuyện của Vy cũng nhận được sự đồng cảm từ nhiều người trẻ. "Thả Like bây giờ chẳng khác nào thể hiện sự hời hợt. Chúng tôi muốn giao tiếp nhiều hơn, sâu sắc hơn," Minh Hoàng, sinh viên năm cuối tại Hà Nội, nhận xét.
Nhiều người cho rằng, việc sử dụng biểu tượng Like đã trở nên "lỗi thời" và dần chỉ còn phổ biến ở thế hệ lớn tuổi. "Thật khó chịu khi nhận được biểu tượng này từ ai đó. Mình cảm giác như họ không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện," Thùy Linh, một Gen Z tại Đà Nẵng, chia sẻ.
Mặc dù vậy, không phải ai cũng đồng ý rằng nút "Like" mang ý nghĩa tiêu cực. Phạm Đức Long, 25 tuổi, chuyên viên công nghệ thông tin tại Hà Nội, cho biết anh chàng thường dùng biểu tượng này như cách xác nhận rằng mình đã đọc hoặc đồng ý với nội dung tin nhắn. "Mình không nghĩ rằng thả Like là thiếu tôn trọng. Nó đơn giản chỉ là một cách phản hồi nhanh chóng và tiện hơn," anh chàng cho hay.
"Nếu bạn có thời gian thả Like, tại sao không thể nhắn vài chữ thể hiện suy nghĩ của mình? Thật khó chịu khi nhận một phản hồi như vậy," Phương Vy phản pháo lại quan điểm trên.
Không chỉ dừng lại ở việc chê bai nút "Like", nhiều người trẻ còn mở rộng chỉ trích sang các emoji khác như biểu tượng "OK" hay "Trái tim". "Chúng mình muốn cảm giác được lắng nghe thực sự. Những biểu tượng này không đủ để thể hiện điều đó," Linh Anh, 25 tuổi, nhân viên sáng tạo nội dung tại TP.HCM, chia sẻ.
25% Gen Z được hỏi tin rằng nút Like đang trở nên lỗi thời. (Ảnh minh họa bởi AI)
Theo khảo sát của Perspectus Global (Anh) tiến hành năm 2021 với 2.000 người trẻ trong độ tuổi 16-29, khoảng 25% người được hỏi tin rằng nút Like đang trở nên lỗi thời. Gen Z hiện nay ưa chuộng các biểu tượng mới, mang tính cá nhân hóa cao hơn hoặc sử dụng ngôn ngữ trực tiếp để giao tiếp.
Khác biệt thế hệ trong giao tiếp số
Các chuyên gia tâm lý cho rằng, sự thay đổi trong cách sử dụng emoji phản ánh nhiều hơn về sự khác biệt về thế hệ. Chuyên gia tâm lý Đào Thúy Hoàn nhận xét: "Các bạn trẻ hiện nay muốn giao tiếp rõ ràng, chi tiết, thay vì chỉ dựa vào những biểu tượng đơn điệu."
Bà cho rằng việc lạm dụng biểu tượng cảm xúc, đặc biệt trong môi trường công sở, có thể dẫn đến những hiểu lầm không đáng có. "Nếu các bạn không muốn bị coi là thiếu chuyên nghiệp, hãy cân nhắc việc sử dụng emoji trong môi trường làm việc. Thay vào đó, vài dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng rõ ràng sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn," chuyên gia cho hay.
Chuyên gia cho rằng vài dòng tin nhắn ngắn gọn nhưng rõ ràng sẽ giúp cuộc trò chuyện trở nên hiệu quả hơn là sử dụng biểu tượng cảm xúc. (Ảnh: Shutterstock)
Với sự phát triển của các nền tảng mạng xã hội, biểu tượng "Like" từng là ngôn ngữ chung, kết nối hàng triệu người trên toàn cầu. Tuy nhiên, giống như bất kỳ xu hướng nào, nó cũng dần mất đi vị thế trong bối cảnh thay đổi không ngừng của công nghệ và văn hóa giao tiếp số.
Dù yêu hay ghét nút "Like", một điều không thể phủ nhận là thế hệ trẻ ngày nay đang tìm kiếm những cách thức giao tiếp mới, sâu sắc và gần gũi hơn. Trong thế giới mà mọi thứ dường như ngày càng nhanh chóng và hời hợt, một lời nhắn chân thành, dù ngắn gọn, vẫn mang giá trị lớn hơn rất nhiều so với một cú nhấn Like.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/tai-sao-nut-like-dang-dan-mat-gia-tri-voi-nguoi-tre-post1697181.tpo