Cố Tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt từng gọi Kênh đào Panama là "một trong những thành tựu mà những người thuộc nền cộng hòa này sẽ nhìn lại với sự tự hào chưa từng có".
Hơn một thế kỷ sau, Tổng thống đắc cử Donald Trump đe dọa đòi quyền kiểm soát tuyến hàng hải huyết mạch này.
Ông Trump cáo buộc Mỹ đang bị "lừa đảo" ở Kênh đào Panama và bóng gió rằng một số đối trọng nước ngoài đang gia tăng ảnh hưởng đối với tuyến đường thủy chiến lược này.
Tổng thống đắc cử cũng nói rằng nếu tình hình không thay đổi sau khi ông nhậm chức vào tháng 1/2025, ông sẽ "yêu cầu Kênh đào Panama phải được trao trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không tranh cãi".
Tuy nhiên, các chuyên gia của cả Mỹ lẫn Panama đều cho rằng trừ khi xảy ra xung đột vũ trang, ông Trump sẽ khó lòng giành được quyền kiểm soát Kênh đào Panama, theo AP.
Lịch sử Kênh đào Panama
Kênh đào Panama là tuyến đường thủy nhân tạo trải dài trên 82 km, cắt qua giữa Panama để nối liền Thái Bình Dương và Đại Tây Dương. Nhờ kênh đào này, tàu thuyền lưu thông không phải đi tuyến đường vòng dài hơn 11.000 km qua mũi Cape Horn (Chile).
Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế Mỹ cho biết kênh đào giúp các doanh nghiệp nước này tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí nhiên liệu. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hiệu suất của chuỗi cung ứng.
Vào năm 1880, Ferdinand de Lesseps, người xây dựng Kênh đào Suez ở Ai Cập, đã tiến hành khởi công thiết lập kênh đào xuyên Panama song nỗ lực này đã chấm dứt sau 9 năm do thiếu kinh phí.
Ferdinand de Lesseps, người khởi xướng xây dựng Kênh đào Panama. Ảnh: Ken Welsh.
Điều kiện làm việc khắc nghiệt và các dịch bệnh đã khiến khoảng 20.000 người thiệt mạng trong quá trình xây dựng Kênh đào Panama, theo AP.
Thời điểm đó, Panama thuộc quyền kiểm soát của Colombia. Chính quyền Colombia từ chối phê chuẩn hiệp định xây dựng kênh đào phục vụ mục đích của Mỹ.
Đáp lại, cố Tổng thống Roosevelt phái các tàu chiến đến bờ biển Panama và viết sẵn một điều khoản rằng sau khi Panama độc lập, các lực lượng của Mỹ có "quyền can thiệp vào bất kỳ phần nào của Panama nhằm thiết lập lại trật tự công cộng và nền hiến pháp".
Theo một nghiên cứu, dự án xây dựng Kênh đào Panama do các lực lượng Mỹ lãnh đạo sau đó đã khiến khoảng 5.600 công nhân thiệt mạng.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã quản lý kênh đào và một khu vực lãnh thổ xung quanh nó được gọi là Khu vực kênh đào Panama.
Tuy nhiên, sau khi căng thẳng xuất hiện về khu vực kênh đào, chính quyền cựu Tổng thống Jimmy Carter đã ký 2 hiệp định với nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos vào năm 1977. Theo đó, Mỹ được ấn định trao kênh đào lại cho Panama vào năm 1999 nhưng vẫn giữ quyền can thiệp quân sự vào khu vực để đảm bảo tính trung lập của kênh đào.
Ràng buộc pháp lý
Chính quyền Panama được cho là đã quản lý kênh đào tốt hơn so với Mỹ khi lượng lưu thông tăng 17% trong giai đoạn 1999-2004, theo AP.
Việc ông Trump tìm cách kiểm soát Kênh đào Panama cũng được cho là một phần xuất phát từ lý do cá nhân, theo New York Times.
Năm 2018, cảnh sát Panama đã trục xuất Tổ chức Trump khỏi Khách sạn Trump International ở Thành phố Panama sau một cuộc chiến pháp lý kéo dài giữa gia đình tổng thống đắc cử và chủ sở hữu phần lớn bất động sản này.
Kênh đào Panama đóng vai trò huyết mạch trong tuyến vận tải liên Thái Bình Dương - Đại Tây Dương. Ảnh: Reuters.
Đáp lại những tuyên bố của ông Trump về việc Mỹ đòi quyền kiểm soát Kênh đào Panama, Tổng thống Panama José Rául Mulino ngày 22/12 (giờ địa phương) nói: "Với tư cách tổng thống, tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng từng mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và mọi thứ vẫn sẽ tiếp tục như vậy".
"Chủ quyền và nền độc lập của đất nước không phải là vấn đề có thể thương lượng được", ông Mulino nói thêm. Nhà lãnh đạo 65 tuổi cũng nói rằng Kênh đào Panama là một phần không thể thiếu trong lịch sử của quốc gia Trung Mỹ này và được mọi người Panama "khắc ghi trong tim".
Tổng thống Panama José Rául Mulino bày tỏ lập trường cứng rắn trước các lời đe dọa về việc đòi quyền kiểm soát Kênh đào Panama của ông Trump. Ảnh: Reuters.
Giá vận chuyển qua Kênh đào Panama đã tăng lên do tình trạng hạn hán vào năm 2023 ảnh hưởng đến khóa kênh, buộc Panama phải cắt giảm đáng kể giao thông vận chuyển qua kênh và tăng giá đối với các tàu thuyền lưu thông qua lại.
Tổng thống Mulino nói rằng chi phí sử dụng Kênh đào Panama "không được đặt ra theo ý thích bất chợt".
Jorge Luis Quijano, cựu quản trị viên Kênh đào Panama giai đoạn 2014-2019, nói rằng việc khách hàng của kênh đào phàn nàn về chi phí là có thể hiểu được song "điều đó không phải lý do chính đáng để đòi lại kênh đào".
Ông Quijano cũng nói rằng "không tồn tại bất kỳ điều khoản pháp lý nào cho phép Mỹ giành quyền kiểm soát Kênh đào Panama và các khu vực lân cận".
Đại Hoàng