Mục đích của Canada không nằm ngoài việc xoa xịu nước Mỹ, cụ thể là ông Donald Trump, vị tổng thống sẽ nhậm chức trong vài ngày tới.
Thặng dư thương mại giữa Canada và Mỹ chỉ ở mức 75 tỷ USD, trong khi Việt Nam thặng dư thương mại với Mỹ tới 104 tỷ USD trong năm 2024. Nếu xét về con số, tình trạng thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lớn hơn rất nhiều của Canada. Vậy, Việt Nam có nên lo lắng và hành động?
Năm 2023, Việt Nam thuộc top 3 các quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ, chỉ sau Trung Quốc và Mexico. Việc nữ tỷ phú Việt Nam, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có chuyến công tác sang Mỹ vừa rồi, tôi cho rằng không ngoài mục đích truyền tải thông điệp Việt Nam sẵn sàng giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Và, một doanh nghiệp tư nhân lớn như Vietjet đã sẵn sàng cho việc giảm thặng dư thương mại.
Thặng dư thương mại với các quốc gia khác là thành tích của xuất nhập khẩu Việt Nam. Điều đó cho thấy hàng hóa Việt Nam có khả năng cạnh tranh tốt với hàng hóa các quốc gia khác. Nhưng thương mại quốc tế không đơn giản như vậy, không phải quốc gia nào cũng cố để thặng dư thương mại càng lớn càng tốt. Thặng dư thương mại lớn có thể gây hậu quả với chính lĩnh vực xuất khẩu của một quốc gia.
Một nguyên tắc căn bản trong tổ chức thương mại thế giới là cân bằng thương mại. Tuy nhiên, trong lịch sử phát triển, lợi thế kinh doanh của mỗi quốc gia là hoàn toàn khác nhau. Đó là lý do khiến mỗi quốc gia có thặng dư với nước này, thâm hụt với nước kia. Ví dụ, Việt Nam thặng dư với Mỹ, nhưng lại thâm hụt với Trung Quốc.
Tình trạng thặng dư thương mại giữa Việt Nam và Mỹ đã kéo dài từ rất lâu và vẫn tăng dần qua từng năm. Hiện tại, Việt Nam thuộc top 3 quốc gia có thặng dư thương mại lớn nhất với Mỹ. Mỹ không thích điều này.
Có lý do để Canada, nước láng giềng xuất siêu sang Mỹ lo ngại về những chính sách mà Mỹ có thể áp lên quốc gia này, đến mức Đại sứ Canada tại Washington đã truyền đi một thông điệp xoa dịu tình hình một cách chi tiết và mạnh mẽ đến vậy.
Chính sách thương mại của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ vô cùng khó đoán. Mỹ đưa ra các chính sách thương mại khác nhau với mỗi thị trường và thương mại được hiểu là vũ khí để mặc cả, thỏa thuận chứ không đơn thuần là mua bán hàng hóa.
Nếu ông Trump “nổi giận”, đưa ra các chính sách thuế quan khắc nghiệt với hàng nhập khẩu từ Việt Nam để giảm thâm hụt thương mại, thì ngành xuất khẩu Việt Nam sẽ chịu tổn thất nặng nề. Tổn thất không chỉ đến từ tiền bạc, ngoại tệ, mà hàng chục nghìn công nhân lĩnh vực dệt may, thủy sản... có thể sẽ lâm nguy khi đơn hàng giảm sút. Hiệu ứng lan tỏa là vô cùng kinh khủng.
Vietjet đang nỗ lực ký kết thỏa thuận với các hãng sản xuất máy bay và bàn giao sớm trong năm nay hoặc năm sau. Máy bay là hàng hóa có giá trị cao, có thể giúp cán cân thương mại bớt căng thẳng rất nhiều, nếu thương vụ hoàn thành. Hay gần đây, Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng dự kiến nhập khẩu 3 triệu thùng dầu từ Mỹ. Đây không phải là thương vụ mua bán thông thường mà có thể hiểu là hành động mà Việt Nam xoa dịu tình hình.
Dù sao, tự nguyện giảm thặng dư thương mại bằng cách tăng cường nhập khẩu vẫn dễ chịu và ít tổn thương hơn nhiều so với để phía Mỹ chủ động đưa ra quyết sách về thuế.
Lưu Hường