Tại sao stablecoin đang chuyển từ tiền mã hóa sang chiến lược doanh nghiệp?

Tại sao stablecoin đang chuyển từ tiền mã hóa sang chiến lược doanh nghiệp?
7 giờ trướcBài gốc
Các doanh nghiệp như Uber và Bank of America đang cân nhắc phát hành stablecoin của riêng mình, và theo tin đồn, Walmart và Amazon cũng không nằm ngoài cuộc chơi. PayPal thì đã đi trước một bước. Các ngân hàng và tập đoàn thanh toán khác như Visa và Mastercard cũng đang đầu tư và hợp tác để tham gia vào xu hướng này. Điều gì đang thúc đẩy sự quan tâm ngày càng lớn từ các doanh nghiệp lớn?
Stablecoin có thể giúp cuộc sống rẻ hơn?
Những người ủng hộ cho rằng stablecoin có tiềm năng làm được điều đó, bằng cách đưa xử lý thanh toán ra khỏi các mạng lưới toàn cầu hiện đang bị thống trị bởi các ngân hàng và hai gã khổng lồ là Mastercard và Visa.
Stablecoin đang chuyển từ tiền mã hóa sang chiến lược doanh nghiệp.
Mỗi khi thanh toán bằng thẻ ngân hàng, giao dịch phải chịu một khoản phí gọi là phí giao dịch (interchange fee) để chi trả cho chi phí xử lý và bảo vệ khỏi các rủi ro như gian lận. Phí này được chuyển từ ngân hàng của người mua sang ngân hàng của người bán, nhưng cuối cùng, doanh nghiệp và khách hàng là người chịu phí. Một phần phí được chuyển cho mạng thanh toán, nhưng phần lớn rơi vào tay ngân hàng. Theo công ty tư vấn thanh toán CMSPI, năm 2023, tổng "phí quẹt thẻ" tại Mỹ lên tới 224 tỷ USD, với lợi nhuận trung bình của các tổ chức phát hành thẻ nội địa đạt 35%.
Mức phí này do các mạng thanh toán đặt ra và thay đổi tùy theo quốc gia. Ví dụ, tại Anh và châu Âu, phí thẻ tín dụng Mastercard được giới hạn, thường chỉ khoảng 0,2 - 0,3% giá trị giao dịch. Nhưng ở Mỹ, con số này cao hơn nhiều, từ 1,5 - 2%.
Sử dụng stablecoin cho thanh toán trực tuyến có thể giúp doanh nghiệp và khách hàng né được các mạng thanh toán này. Chẳng hạn, phí gửi thanh toán bằng Tether, stablecoin phổ biến nhất, chỉ dao động từ vài cent đến tối đa vài đô la mỗi giao dịch. Stablecoin cũng có thể là cách rẻ hơn để thực hiện thanh toán xuyên biên giới.
Tại sao các công ty muốn tạo ra đồng tiền riêng?
Để bảo vệ người tiêu dùng và đảm bảo stablecoin dễ dàng đổi ra tiền mặt, các cơ quan quản lý yêu cầu chúng phải được neo giá 1:1 với các tài sản thanh khoản cao như trái phiếu kho bạc Mỹ hoặc quỹ thị trường tiền tệ. Hầu hết các stablecoin hiện nay (với tổng giá trị 250 tỷ USD đang lưu hành) được neo vào tài sản định giá bằng USD, nhưng cũng có các đồng neo vào euro hay thậm chí là vàng.
Ngoài việc tiết kiệm phí xử lý thanh toán, các doanh nghiệp phát hành stablecoin còn được hưởng lãi từ các tài sản đảm bảo cho đồng tiền đó. Ví dụ, Circle, công ty đứng sau stablecoin USDC, năm ngoái đã kiếm được 1,7 tỷ USD tiền lãi từ các khoản dự trữ trong quỹ thị trường tiền tệ.
Một nhà bán lẻ lớn phát hành stablecoin riêng có thể tiết kiệm phí xử lý thanh toán khi khách hàng sử dụng đồng tiền này, đồng thời kiếm thêm lãi từ tài sản neo giá.
Các công ty thanh toán và ngân hàng đang làm gì?
Các ngân hàng đang để mắt sát sao đến tác động của việc người tiêu dùng sử dụng stablecoin để thanh toán. Giám đốc điều hành Bank of America, Brian Moynihan, gần đây nói với các nhà đầu tư: "Nếu mọi người dùng (stablecoin) như tài khoản giao dịch, chúng tôi phải sẵn sàng giữ những khoản tiền gửi đó trong hệ thống của mình… nếu không, chúng tôi sẽ chứng kiến dòng tiền gửi lớn chảy ra khỏi ngành".
Những người hâm mộ stablecoin cho biết cuộc sống có thể rẻ hơn vì mọi người có thể tránh được các khoản phí do Mastercard tính.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang tích cực thúc đẩy stablecoin. Đạo luật Genius, hiện đang được hoàn thiện, sẽ thiết lập khung pháp lý và bật đèn xanh cho ngành ngân hàng tham gia thị trường.
Nhiều ngân hàng đã chuẩn bị để đối phó với nguy cơ mất phí và tiền gửi, bao gồm việc thử nghiệm công nghệ khắc phục một điểm yếu của stablecoin: chúng không dễ dàng hoán đổi lẫn nhau. Một số ngân hàng lớn của Mỹ đang thảo luận về việc phát hành một stablecoin chung, tương tự như Zelle, hệ thống thanh toán số phổ biến do các ngân hàng như Citi, Bank of America và JPMorgan vận hành.
Công ty thanh toán Mỹ Fiserv gần đây đã ra mắt một stablecoin tương thích dành cho các ngân hàng Mỹ. JPMorgan cũng đang phát triển một "deposit token" để quảng bá như một giải pháp thay thế cho stablecoin. Giám đốc vận hành Fiserv, Takis Georgakopoulos cho biết, họ tạo ra một stablecoin chung cho các ngân hàng vì: "Sẽ rất kém hiệu quả nếu mỗi ngân hàng tự phát triển stablecoin riêng. Giống như mỗi ngân hàng có máy in tiền đô la riêng vậy".
Bên ngoài Mỹ, ngân hàng Pháp Socíeté Générale có stablecoin neo giá euro, trong khi Sony Bank ở Nhật Bản đang thử nghiệm đồng neo giá yen. Các nhà cung cấp thanh toán như Stripe cũng đang phát triển các mạng lưới liên kết thanh toán bằng stablecoin với tiền tệ địa phương.
Mọi người đều hào hứng với stablecoin?
Không hẳn. Các ngân hàng trung ương cho rằng stablecoin là một sự thay thế kém cho tiền tệ. Dù được neo giá 1:1 với tài sản thực, chúng vẫn cần được chuyển đổi thành tiền mặt để sử dụng trong thế giới thực, do đó không đáp ứng được tiêu chí quan trọng gọi là "tính đơn nhất của tiền tệ".
Năm 2019, Meta công bố ra mắt stablecoin Libra, nhưng dự án này không thực sự cất cánh. Các cơ quan quản lý lo ngại về quyền riêng tư và giám sát, nên đã phản đối mạnh mẽ.
Dù chính quyền Tổng thống Donald Trump ủng hộ stablecoin, một đề xuất quy định hiện tại sẽ hạn chế các công ty công nghệ lớn phát hành stablecoin mà không được phê duyệt từ Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC), cơ quan giám sát các ngân hàng Mỹ. Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng quy định này được soạn thảo thiếu chặt chẽ và có thể dễ dàng bị lách bằng cách sử dụng các công ty con để phát hành stablecoin.
Một số người trong ngành cũng đặt câu hỏi về nhu cầu thực sự, cho rằng các mạng thanh toán ở các thị trường phát triển đã rất tinh vi và cạnh tranh. Các biện pháp chống gian lận và bảo vệ khách hàng đã được tích hợp sẵn trong hệ thống thanh toán hiện tại. Đặc biệt với thẻ tín dụng, khách hàng được bảo vệ nhiều và các giao dịch gian lận có thể được hoàn tiền nhanh chóng. Stablecoin chưa có hệ thống tương tự. Khách hàng cũng thích các phần thưởng như dặm bay từ một số thẻ tín dụng.
Nhà phân tích tại Mizuho, Dan Dolev cho rằng thanh toán tiêu dùng "rất khó bị gián đoạn" một phần vì sự trung thành của người tiêu dùng Mỹ với các chương trình thưởng. "Thanh toán bằng thẻ tín dụng rất gắn bó, mọi người yêu thích phần thưởng của họ", ông Dan Dolev nói.
Một rào cản khác là khách hàng cần khóa tiền để mua stablecoin, thay vì có sẵn tiền cho các nhu cầu tức thời.
Điều này sẽ thay đổi cuộc sống hằng ngày như thế nào?
Theo Ronit Ghose, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu Future of Finance của Ngân hàng Citi, nếu stablecoin được sử dụng rộng rãi hơn, chúng có thể trở thành một trong những lựa chọn ngày càng tăng để thanh toán hàng hóa và chuyển tiền.
Đối tác tại công ty tư vấn BCG ở London, Kunal Jhanji đồng ý rằng ở hầu hết các thị trường, stablecoin có thể sẽ được sử dụng để hỗ trợ giao dịch "hơn là thay thế tài khoản tiền gửi nơi bạn có thể kiếm lãi".
Nhưng cuối cùng, điều này phụ thuộc vào sự sẵn sàng thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Giám đốc chiến lược tại nhà cung cấp hạ tầng tài sản số Fireblocks, Stephen Richardson cho rằng việc áp dụng stablecoin sẽ tăng lên khi giá trị đối với cả người dùng cuối và doanh nghiệp trở nên rõ ràng. "Đó là khi mang lại trải nghiệm đột phá hoặc trở nên phổ biến đến mức người dùng và doanh nghiệp tự nhiên cảm nhận được lợi ích", ông Richardson chia sẻ.
Đức Bình
Nguồn Xây Dựng : https://baoxaydung.vn/tai-sao-stablecoin-dang-chuyen-tu-tien-ma-hoa-sang-chien-luoc-doanh-nghiep-192250703215824364.htm