Tại sao Telegram là ứng dụng được tội phạm 'ưa thích'?

Tại sao Telegram là ứng dụng được tội phạm 'ưa thích'?
5 giờ trướcBài gốc
Theo báo Tiền phong, Cục Viễn thông cho biết, cơ quan này nhận được văn bản số 2898/A05-P5 ngày 24/4/2025 của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao thuộc Bộ Công an về việc phối hợp ngăn chặn hoạt động của Telegram tại Việt Nam.
Theo đó, cơ quan công an thông tin về các vi phạm pháp luật liên quan đến ứng dụng Telegram như có tới 68% kênh, nhóm xấu độc trong tổng số 9.600 kênh, nhóm Telegram tại Việt Nam.
Nhiều hội, nhóm với hàng chục nghìn đối tượng tham gia, do các đối tượng chống đối, phản động tạo lập, tán phát tài liệu chống phá, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến lừa đảo, rao bán dữ liệu người dùng, ma túy, có trường hợp nghi vấn liên quan đến khủng bố.
Báo Vietnamnet đưa tin, tháng 9/2024, cảnh sát Hàn Quốc mở cuộc điều tra Telegram do lo ngại ứng dụng khởi nguồn cho các đường dây tội phạm tình dục trực tuyến. Một tháng trước đó, Pháp bắt giữ CEO Telegram Pavel Durov với các cáo buộc liên quân đến tội phạm có tổ chức và buôn bán ma túy.
Ngày 12/5, công tố viên Pháp cho biết đã bác yêu cầu đến Mỹ “đàm phán với các quỹ đầu tư” của Durov do không chính đáng. Ông bị cấm rời khỏi Pháp nếu không được cho phép. Từ ngày 15/3 đến 7/4, ông đã xin được giấy phép để sang Dubai, UAE. Durov mang quốc tịch Pháp, UAE và Nga.
Hàn Quốc và Pháp là những quốc gia mới nhất có hành động pháp lý chống lại Telegram. Theo Euronews, 31 nước đã, đang điều tra, cấm hoặc hạn chế sử dụng ứng dụng nhắn tin mã hóa từ năm 2015.
Theo Tạp chí Kinh tế Việt Nam, các luật sư hình sự lý giải việc Telegram là “ổ chứa” tội phạm vì ứng dụng cung cấp phạm vi tiếp cận hiệu quả, quyền riêng tư và tính ẩn danh.
Theo Statista, ứng dụng nhắn tin phổ biến đã vượt qua mốc 900 triệu người dùng hoạt động hàng tháng tính đến tháng 7/2024.
Các kênh và hội nhóm công khai trên Telegram có sức chứa tới 200.000 thành viên, dễ dàng được tìm kiếm bởi bất kỳ người dùng nào thông qua thanh công cụ tích hợp. Lợi thế giúp tội phạm có thể tiếp cận đối tượng nhanh hơn nhiều so với đa số nền tảng nhắn tin khác, chuyên gia Ng Yuan Siang thuộc Eugene Thuraisingam LLP nhận định.
Ông Adrian Wee từ Lighthouse Law LLC cho biết: “Chức năng nhóm của Telegram cho phép người dùng tham gia cộng đồng mà không cần kết nối liên hệ riêng lẻ, đồng nghĩa với việc nhóm tội phạm có thể tiếp cận được số lượng lớn tài khoản”.
Ông Wee nhấn mạnh tính ẩn danh và riêng tư là lý do chính khiến Telegram hấp dẫn tội phạm.
Theo đó, chính sách bảo mật nghiêm ngặt của Telegram không cho phép công ty chia sẻ thông tin người dùng. Vị chuyên gia mô tả các ứng dụng như Telegram "tồn tại chính xác vì người dùng lo ngại một số ứng dụng khác nhắn tin hiện nay dễ bị tác nhân bên ngoài theo dõi".
Telegram cũng là một trong những ứng dụng nhắn tin đầu tiên cung cấp mã hóa đầu cuối. Theo luật sư James Gomez Jovian Messiah từ Edmond Pereira Law Corporation, mã hóa đầu cuối có thể ngăn chặn quyền truy cập dữ liệu của bên thứ ba.
Bên cạnh mã hóa đầu cuối, Telegram còn cho phép người dùng duy trì tính ẩn danh và xóa dữ liệu trong cuộc trò chuyện. Ông James Gomez lưu ý rằng Telegram cung cấp "tính năng tự hủy tin nhắn và xóa từ xa để xóa toàn bộ dữ liệu trong cuộc trò chuyện".
Điều này đồng nghĩa là ngay cả khi bên thứ ba có được thiết bị của người dùng thì cũng chưa chắc có thể khôi phục tin nhắn.
Đặc biệt, Telegram không yêu cầu nhập số điện thoại di động khi đăng ký, cho phép người dùng sử dụng ứng dụng mà không tiết lộ thông tin cá nhân.
“Bất kỳ ai cũng có thể sử dụng sim rác để đăng ký các nền tảng tương tự như Telegram”, chuyên gia Wee giải thích. “Số tạm thời chỉ dùng một lần để nhận mã code đăng ký tài khoản. Ngay sau khi đăng ký, tội phạm thường thủ tiêu sim rác ngay lập tức”.
Mặt khác, ông Ng Yuan Siang khẳng định ứng dụng nhắn tin này không phải là nền tảng “hoàn hảo” đối với tội phạm: “Nhiều giao dịch bất hợp pháp chắc chắn diễn ra bên ngoài các nền tảng nhắn tin, ví dụ, giao dịch ma túy dẫn đến việc giao hàng, thanh toán bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản ngân hàng, tất cả đều có thể dẫn đến dấu vết mà tổ chức điều tra có thể tận dụng để xác định thủ phạm”.
PV
Nguồn Du lịch TP.HCM : https://tcdulichtphcm.vn/giai-tri/tai-sao-telegram-la-ung-dung-duoc-toi-pham-ua-thich-c3a97422.html