Trong khi các nhà sản xuất ô tô nước ngoài và người tiêu dùng Mỹ lo ngại giá xe tăng cao, nhà sản xuất xe điện (EV) Tesla do Musk lãnh đạo có thể không bị ảnh hưởng nhiều bởi mức thuế 25% áp dụng cho hàng hóa từ Canada và Mexico vào Mỹ của Tổng thống Donald Trump nhờ vào chiến lược sản xuất trong nước.
Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận xe Tesla với tỷ phú Elon Musk. Ảnh: NYT
“Tesla đã chọn một mô hình kinh doanh phục vụ họ rất tốt", Simon Ellis, chuyên gia về chuỗi cung ứng tại IDC Manufacturing Insights, nhận xét. “Họ có thể lập luận thuyết phục rằng xe của họ thực sự được sản xuất tại Mỹ. Và trong bối cảnh hiện tại, điều đó có lợi cho họ", Ellis nói thêm.
Mức thuế 25% của Trump dự kiến có hiệu lực vào ngày 2/4, là một phần trong cuộc chiến thương mại rộng lớn hơn của ông. Trump lập luận rằng các mức thuế này sẽ khuyến khích các nhà sản xuất ô tô nước ngoài chuyển sản xuất sang Mỹ và tạo thêm việc làm cho người Mỹ.
Tesla sản xuất tất cả các xe dành cho thị trường Bắc Mỹ tại Mỹ, trong các nhà máy ở California và Texas, điều này có thể làm giảm tác động đối với công ty của Musk, theo các chuyên gia trong ngành.
“Tesla có lợi thế vì họ tích hợp theo chiều dọc”, Stephanie Valdez Streaty, Giám đốc phân tích ngành của Cox Automotive, nhận định. “Họ tự sản xuất xe, pin,... Điều đó giúp họ kiểm soát chuỗi cung ứng tốt hơn".
Mức thuế này nhằm buộc các hãng xe phải chuyển sản xuất về Mỹ, một quá trình có thể kéo dài và tốn kém.
Trump nói trên chương trình "Meet The Press" hôm Chủ nhật rằng, ông không quan tâm đến việc người Mỹ phải trả giá xe cao hơn, miễn là xe được sản xuất trong nước.
“Tôi không quan tâm. Tôi hy vọng họ tăng giá, vì nếu họ làm vậy, người dân sẽ mua xe sản xuất tại Mỹ. Chúng ta có đủ”, Trump tuyên bố.
Tesla đã đi trước trong quá trình chuyển đổi này, theo các nhà quan sát, vì quy trình sản xuất của họ đã diễn ra tại Mỹ.
“Các hãng xe khác sẽ mất thời gian để điều chỉnh. Sẽ mất nhiều thời gian hơn để họ cải tạo nhà máy hoặc chuyển đổi sản xuất", Valdez Streaty cho biết. “Và đó là một lợi thế khác của Tesla.”
"Các đối thủ EV của Tesla có thể bị ảnh hưởng nặng nề bởi thuế ô tô của Trump", Maxwell Shulman, nhà phân tích nghiên cứu chính sách tại Beacon Policy Advisors, nói với The Hill.
Xe điện vốn đã đắt hơn xe chạy xăng và phụ thuộc vào chuỗi cung ứng pin cùng khoáng sản quan trọng, phần lớn đến từ Trung Quốc, Shulman lưu ý.
“Việc tăng giá sẽ khiến chúng kém hấp dẫn hơn với người tiêu dùng trung bình", Shulman nói. “Và nhiều công ty hiện đang lỗ với mỗi chiếc EV họ sản xuất, với hy vọng sẽ có lợi nhuận trong tương lai".
Trong một báo cáo gửi nhà đầu tư tuần trước, các nhà phân tích của Deutsche Bank dự đoán Tesla sẽ bị ảnh hưởng ít nhất bởi thuế quan so với các hãng xe lớn khác như Ford, Honda, General Motors (GM), Nissan, Toyota và Stellantis.
Họ dự báo GM sẽ chịu tác động mạnh nhất do sự hiện diện của hãng tại Mexico, trong khi Nissan và Toyota có thể bị “tác động đáng kể” do nhập khẩu từ Nhật Bản và Mexico.
Tesla không hoàn toàn miễn nhiễm
Tesla không hoàn toàn miễn nhiễm, vì một số linh kiện của hãng không có nguồn gốc từ Mỹ.
Đầu tháng này, Tesla thừa nhận trong một lá thư gửi đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer rằng một số linh kiện xe là "khó hoặc không thể" tìm thấy trong nước.
Ít nhất 20-25% linh kiện của Tesla được nhập khẩu, theo tài liệu từ Cơ quan Quản lý An toàn Giao thông Đường cao tốc Quốc gia Mỹ. Khoảng 60-75% còn lại được sản xuất tại Mỹ và Canada.
Musk tuần trước cho biết Tesla “không hoàn toàn tránh khỏi” tác động từ thuế quan, và chúng vẫn gây ảnh hưởng “đáng kể” đến công ty.
Nhà phân tích Dan Ives của Wedbush Securities đồng tình, cho rằng thuế vẫn là “cản trở” đối với Tesla.
“Tesla bị ảnh hưởng ít hơn so với các hãng xe khác, nhưng tôi không thấy cách nào họ có thể không tăng giá nếu thuế quan giữ nguyên như hiện tại", Ives nói với The Hill.
Thuế của Trump có thể làm tăng trung bình 4.711 USD vào chi phí mua xe, theo báo cáo của nhà kinh tế học nổi tiếng Arthur Laffer tuần trước.
Trump đã áp thuế mạnh tay trong nhiệm kỳ thứ hai của mình, đánh thuế nhập khẩu từ các đối tác thương mại lớn của Mỹ.
Sau khi áp thuế 25% lên tất cả sản phẩm nhập từ Canada và Mexico, Trump tuyên bố trì hoãn một tháng đối với linh kiện ô tô và các sản phẩm khác thuộc thỏa thuận thương mại Bắc Mỹ mà ông đã ký trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Thời gian gia hạn sẽ hết vào ngày 2/4, cùng ngày Trump dự kiến công bố các mức thuế đối ứng lớn với các quốc gia áp thuế lên hàng Mỹ, mà ông gọi là “Ngày giải phóng".
Nguy cơ bị trả đũa từ các quốc gia khác
Tesla cảnh báo về điều này trong lá thư gửi Greer đầu tháng này, khẳng định "các nhà xuất khẩu Mỹ vốn đã chịu tác động bất cân xứng khi các quốc gia khác đáp trả các biện pháp thương mại của Mỹ".
Shulman lưu ý Tesla không có “dấu chân toàn cầu” như các nhà sản xuất ô tô khác, nghĩa là họ có thể bị ảnh hưởng nặng hơn khi các nước khác đáp trả thuế Mỹ.
Mối quan hệ của Musk với Trump cũng có thể khiến công ty trở thành mục tiêu trả đũa. Canada tuần trước thông báo cấm Tesla tham gia các chương trình giảm giá của nước này để đáp trả thuế của Trump.
Tuy nhiên, việc Tesla ít chịu ảnh hưởng từ thuế quan ô tô có thể là một điểm sáng cho công ty, vốn đang gặp khó khăn trong những tháng gần đây khi Musk đảm nhận vai trò gây tranh cãi trong chính quyền Trump với tư cách là người đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE).
Cổ phiếu Tesla đã giảm gần 50% kể từ cuối tháng 12, và công ty EV này đã trở thành mục tiêu của cả các cuộc biểu tình, bao gồm cả phá hoại, tấn công và đốt phá.
Trump và các đồng minh của ông đã ủng hộ Tesla trong những tuần gần đây. Tổng thống cam kết mua một chiếc xe của Musk và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick kêu gọi người Mỹ mua cổ phiếu Tesla.
Một số chuyên gia trong ngành lập luận rằng tác động giảm nhẹ của thuế quan đối với Tesla sẽ không đủ để bù đắp cho những thách thức mà công ty đang đối mặt.
“Tesla đang trải qua một cuộc khủng hoảng thương hiệu do ảnh hưởng của Musk tại DOGE”, Ives nói. “Tôi nghĩ cuộc khủng hoảng thương hiệu còn ảnh hưởng lớn hơn lợi ích ròng từ thuế ở Mỹ".
Ives mô tả đây là một "điểm bước ngoặt" khi Musk cố gắng điều hành cả DOGE và Tesla, cùng các công ty khác như SpaceX, nền tảng xã hội X và công ty trí tuệ nhân tạo xAI.
Dù Tesla từ lâu đã là một thế lực lớn trong lĩnh vực EV, trọng tâm của thương hiệu dường như đang chuyển hướng nhiều hơn sang trí tuệ nhân tạo (AI) và robot. Ngoài Cybertruck, Tesla chưa ra mắt mẫu EV mới tại Mỹ kể từ năm 2020, khi họ giới thiệu crossover SUV Model Y.
(Theo The Hill)
Hải Phong