Ảnh: Medium.
Đối với nhiều thế hệ, tác phẩm giả tưởng sử thi Chúa tể những chiếc nhẫn luôn là một huyền thoại. Hình tượng chiếc nhẫn làm tha hóa những ai sử dụng nó đã là một ẩn dụ mạnh mẽ về lòng tham, điều Tolkien gọi là "ham muốn thống trị" độc ác.
Và đó là lý do hành trình tiêu diệt chiếc nhẫn nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của những người yêu hòa bình, bác bỏ chủ nghĩa quân phiệt và áp bức chính trị.
Tuy nhiên, một điều đáng chú ý ngày nay là tác phẩm này không chỉ nhận được sự hâm mộ từ những ông trùm công nghệ ở Thung lũng Silicon như Elon Musk và Peter Thiel mà họ còn muốn biến những câu chuyện giả tưởng này thành hiện thực.
Một lý do là sự nổi tiếng của các tác phẩm này. Ví dụ, bộ ba cuốn Chúa tể những chiếc nhẫn đã bán được hơn 150 triệu bản trên toàn thế giới và thấm nhuần vào trí tưởng tượng của công chúng, trong đó có Thung lũng Silicon, những người có sở thích sở hữu thứ quyền lực tối thượng.
Trong một bài viết trên tờ The New York Times năm ngoái, cựu giám đốc điều hành của Apple và Google, Kim Scott đã chỉ ra "sức hấp dẫn của chế độ lãnh đạo độc tôn ở một số lĩnh vực công nghệ", được gọi là "chế độ người sáng lập". Theo đó, người sáng lập công ty được tự đưa ra quyết định thay vì hợp tác với những người khác.
Điều này được tóm tắt trong bản tuyên ngôn năm 2023 do nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen viết, người mô tả bản thân và những người đồng hành đang "thực hiện hành trình của người anh hùng, chống lại tình trạng hiện tại, lập bản đồ lãnh thổ chưa được khám phá, chinh phục rồng và mang chiến lợi phẩm về cho cộng đồng".
Thôi thúc những giấc mơ "vô tiền khoáng hậu"
Sự thành công của khoa học viễn tưởng trong việc dự đoán được nhiều phát minh đáng chú ý như điện thoại di động, hội nghị truyền hình hoặc sàng lọc sinh trắc học), đã truyền cảm hứng cho những nhà tiên phong công nghệ hiện nay thực hiện những dự đoán viễn tưởng còn chưa thành hiện thực như hợp nhất trí thông minh con người và máy móc hay sống ngoài không gian.
Ảnh minh họa: Scientific american.
Elon Musk muốn thuộc địa hóa Hỏa tinh. Jeff Bezos thích các kế hoạch của những năm 1970 về các môi trường sống trên những quỹ đạo khổng lồ. Peter Thiel thì đang tài trợ cho nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo, kéo dài tuổi thọ và xây dựng các thành phố nổi trên biển. Còn Mark Zuckerberg đã tiêu 10 tỷ USD để phát triển Metaverse, khái niệm xuất phát từ tiểu thuyết Snow Crash của Neal Stephenson.
Những người đàn ông này với số tài sản hàng nghìn tỷ USD đã chi đậm để hiện thực hóa những phát minh được chắt lọc từ những câu chuyện khoa học viễn tưởng và kỳ ảo mà họ đọc khi còn là thiếu niên. Nhưng đây là những ý tưởng tồi tệ vì các tác phẩm khoa học viễn tưởng và kỳ ảo của thế kỷ trước thường chứa đầy những giả định nguy hiểm, theo Charles Stross, tác giả cuốn Accelerando and Halting State.
Ví dụ, thế giới metaverse được Neal Stephenson khắc họa là một tương lai đen tối đáng báo động, khi một loại virus nguy hiểm hoành hành khắp Trái Đất và quyền lực của các tập đoàn thay thế các tổ chức chính phủ.
Hoặc lấy ví dụ về Stargate, tên sáng kiến AI của OpenAI với SoftBank và Oracle. Tên gọi này giống với tiêu đề của một bộ phim khoa học viễn tưởng năm 1994, trong đó một thiết bị stargate mở ra một cánh cổng đến một hành tinh xa xôi, nơi một người ngoài hành tinh độc tài thề sẽ hủy diệt Trái Đất bằng một quả bom nguyên tử. Đây không hẳn là cánh cửa thần kỳ được bất kỳ ai chào đón.
Sự ra đời của những niềm tin nguy hiểm
Trên thực tế, thể loại khoa học viễn tưởng gây tác động lớn tới giới tỷ phú hiện nay đã tồn tại từ những năm 1970, có nguồn gốc từ nhà phát minh và xuất bản Hugo Gernsback. Gernsback đã xuất bản nhiều bài viết khoa học và cả tiểu thuyết về sự tuyệt vời của công nghệ. Ông bắt đầu xuất bản tạp chí Amazing Stories vào năm 1926 để truyền tải tầm nhìn về một tương lai công nghệ như vậy.
Niềm tin này kết hợp với sự thành công của giấc mơ Mỹ, tôn vinh tốc độ, máy móc, sức trẻ và thế giới công nghiệp tư bản. Thêm vào đó, cuộc đua không gian trong Chiến tranh Lạnh cũng góp phần thổi bùng lên giấc mơ về thuộc địa hóa không gian, cuộc sống bất tử hay phát triển những sức mạnh mới cho con người. Tất cả điều này đều có sức hấp dẫn trí mạng với các tỷ phú ngày nay, những người ngồi ở đỉnh cao quyền lực và đang khao khát những thứ mình chưa có được.
Sức hút này có thể thấy rõ ở việc Thiel từng chia sẻ trên The Atlantic rằng ông say mê với sự bất tử của những chú yêu tinh trong Chúa tể những chiếc nhẫn và ông tự hỏi: "Tại sao chúng ta không thể trở thành yêu tinh?"
Đi ngược lại ý nguyện tác giả
Trong khi nhiều người tại Thung lũng Silicon tự nhận mình là người hâm mộ nhiệt thành của Tolkien, họ không biết rằng mình đang đi ngược lại hoàn toàn mong muốn của tác giả.
Bản thân Tolkien luôn coi "những người tôn thờ máy móc" là đáng ngại, thậm chí là ghê tởm. Là một người lính sống sót sau Thế chiến thứ nhất, ông đã phải chịu đựng nỗi kinh hoàng dai dẳng về chiến tranh cơ giới. Và khi trở về nhà, ông cũng kinh hoàng trước tình trạng nhà máy và đường sá biến đổi cảnh quan nước Anh.
Đây là lý do vùng đất Mordor (lãnh địa của Chúa tể bóng tối) được miêu tả là một nơi hoang tàn, bị tàn phá trong chiến tranh, từng bị công nghiệp hóa quá mức và môi trường bị hủy hoại. Nơi này trái ngược với vùng đất Shire xanh tươi, tuyệt đẹp, nơi người Hobbit gọi là quê hương.
Với niềm tin vào những giá trị con người, Tolkien đã viết Chúa tể những chiếc nhẫn không chỉ theo góc nhìn của người Hobbit, mà cụ thể hơn là người làm vườn nhỏ bé Sam Gamgee. Đây mới là người anh hùng thực sự của sử thi, thay vì vua Aragorn cao quý hay phù thủy vĩ đại Gandalf.
Minh Hoa