Phát triển sinh kế dưới tán rừng ngập mặn đúng cách là biện pháp giúp bảo vệ diện tích rừng. Ảnh: M.Q.
Bị đe dọa mất dần diện tích
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT), nước ta hiện có khoảng 160.000ha rừng ngập mặn tại 28 tỉnh, thành. Diện tích rừng ngập mặn tập trung nhiều tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Hồng. Rừng ngập mặn chạy dọc theo đường bờ biển, có một số khu rừng ngập mặn lớn như, rừng ngập mặn Cần Giờ (TPHCM), rừng ngập mặn Rú Chà (tỉnh Thừa Thiên - Huế), rừng ngập mặn nguyên sinh ở Tam Giang (tỉnh Quảng Nam), rừng ngập mặn ở Cà Mau. Và Việt Nam là một trong những quốc gia đứng trong top đầu có diện tích rừng ngập mặn trên toàn thế giới.
Vẫn theo Cục Lâm nghiệp, rừng ngập mặn đóng vai trò quan trọng trong việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, xây dựng nền kinh tế xanh và phát thải thấp, phát triển kinh tế xã hội… Rừng ngập mặn được xem là vườn ươm cho nhiều loài sinh vật biển, làm khiên chắn tự nhiên rất hiệu quả của vùng ven biển trước những cơn bão và sóng thần. Các nghiên cứu đều cho thấy rừng ngập mặn ven biển vượt trội hơn so với hầu hết các khu rừng khác về khả năng lưu giữ carbon, giúp chống lại sự nóng lên toàn cầu bằng cách loại bỏ khí cacbonic khỏi tầng khí quyển, phần lớn được lưu trữ trong sinh khối. Trong khi đó, theo một thống kê khác của ngành lâm nghiệp, năm 2019 diện tích rừng ngập mặn của Việt Nam 256.300ha, trong đó diện tích có rừng 150.100ha (trong đó rừng tự nhiên là 54.700ha, rừng trồng là 95.300ha), diện tích chưa thành rừng 106.200ha.
Theo PGS.TS Nguyễn Tất Toàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Nông lâm TPHCM, rừng ngập mặn tại nhiều địa phương, nhất là khu vực ĐBSCL đang chịu nhiều áp lực, đe dọa đến diện tích và đa dạng sinh học. Cụ thể, dân số gia tăng, biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng nhanh chóng và những thay đổi về chính sách, thị hiếu của người dùng liên quan đến các sản phẩm có liên quan tới rừng ngập mặn, quá trình chuyến đổi kinh tế khiến rừng ngập mặn đang chịu nhiều áp lực.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Cục Lâm nghiệp cho hay, trong một thời gian dài, rừng ngập mặn bị suy giảm cả về chất lẫn lượng và diện tích với nhiều nguyên nhân khác nhau. Mất rừng ngập mặn dẫn đến suy giảm đa dạng sinh học, mất sinh cảnh và các bãi sinh sản cho nhiều loài cá và thủy sản, phá hủy chu trình dinh dưỡng trong các vùng rừng ngập mặn, và đặc biệt là làm suy giảm các dịch vụ hệ sinh thái...
Phát huy vai trò “bức tường xanh”
Theo nhiều chuyên gia về môi trường, với vai trò là “bức tường xanh”, rừng ngập mặn cũng sẽ làm hạn chế thiệt hại trong sản xuất và đời sống do thiên tai, bão lũ gây ra, phòng chống xói lở bờ biển, cố định đất bãi bồi, mở rộng sản xuất, hạn chế tình trạng mặn xâm nhập, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, thủy sản ổn định và bền vững thông qua việc chặn gió biển, cải tạo làm sạch môi trường.
Bà Đỗ Thị Thanh Huyền - Giám đốc điều hành Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia nêu quan điểm, rừng ngập mặn là hệ sinh thái giúp “khóa” được carbon hiệu quả. Một số nghiên cứu cho thấy lượng hấp thụ và tích trữ carbon của rừng ngập mặn có thể gấp 4 lần so với rừng nhiệt đới trên cạn, tùy vào các khu vực khác nhau. Có thể nói, rừng ngập mặn là “bể chứa carbon” vô cùng hữu hiệu vì có thể lưu trữ carbon trong hơn 5.000 năm. Vì vậy, việc bảo tồn và phát triển những khu rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Còn theo ông Nguyễn Nam Sơn, đại diện Cục Lâm nghiệp, một trong những giải pháp quan trọng để Việt Nam đạt mục tiêu Net Zero, phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là dành nguồn lực cho bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng ngập mặn. Do đó, khi thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ rừng, các khu rừng ngập mặn sẽ càng phát huy giá trị, đóng góp tích cực vào quá trình triển khai kế hoạch thích ứng quốc gia và mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính. Trong thời gian qua, Bộ NNPTNT đã tham mưu trình Chính phủ nhiều chính sách, đề án bảo vệ và phát triển rừng vùng ven biển nhằm ứng phó với biển đổi khí hậu và thúc đẩy tăng trưởng xanh.
Đại diện Cục Lâm nghiệp cho biết thêm, để ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ thiệt hại thiên tai, các địa phương có rừng ngập mặn cần phải bảo vệ, khôi phục và phát triển loại rừng này hiệu quả hơn. Bảo vệ, phát triển rừng ngập mặn có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ đa dạng sinh học, cũng như bảo vệ sinh kế cho người dân. Trong đó, phát triển các mô hình sinh kế dưới tán rừng cần được quan tâm hơn nữa để song hành giữa phát triển kinh tế với bảo vệ rừng.
NAM ANH