Tái tạo năng lượng tinh thần qua kiến trúc công cộng

Tái tạo năng lượng tinh thần qua kiến trúc công cộng
14 giờ trướcBài gốc
Trên thế giới, kiến trúc không chỉ dừng lại ở việc tạo ra nơi ở hay làm việc, mà đang dần trở thành một công cụ chữa lành, tái tạo năng lượng tinh thần. Điều này càng trở nên ý nghĩa bởi trong nhịp sống đô thị hối hả, những áp lực vô hình đè nặng, bào mòn tinh thần con người...
Nhưng tại Việt Nam, câu chuyện này vẫn còn mới mẻ, đôi khi chỉ dừng ở mức cảm hứng. Vậy, liệu chúng ta có thể học hỏi và ứng dụng những xu hướng tiên tiến để tạo nên những không gian chữa lành thực sự phù hợp với con người và văn hóa Việt? Để tìm lời giải, chúng ta hãy bắt đầu từ bức tranh rộng lớn hơn: cách thế giới biến kiến trúc thành công cụ chữa lành, nơi không chỉ phục vụ mà còn chăm sóc con người. Đặc biệt, bài viết tập trung vào các công trình công cộng, những không gian mà bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, từ đó nhận diện sức mạnh của kiến trúc trong việc tái tạo và khơi gợi cảm hứng sống.
Kiến trúc chữa lành: tầm nhìn từ thế giới
Kiến trúc chữa lành sẽ được tiếp cận ở ba quy mô: loại hình công trình đặc biệt (Mô hình tắm onsen tại Nhật Bản), công trình tiêu biểu (Quán cà phê Sumsei Terrarium, Hàn Quốc), và pavilion (Chòi đọc sách tại Estonia). Đây là những công trình không giới hạn bởi giai tầng hay điều kiện kinh tế – nơi bất kỳ ai cũng có thể tìm đến, dù là người dân địa phương hay du khách. Lựa chọn những công trình dành cho tất cả mọi người làm ví dụ không chỉ vì tính đại chúng, mà còn vì khả năng lan tỏa tác động tích cực của chúng.
Châu Á là nơi văn hóa và phong tục đề cao sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Mô hình tắm Onsen có thể được coi là một dạng công trình kiến trúc chữa lành đặc trưng Nhật Bản, vừa mang tính biểu tượng văn hóa, vừa đại diện cho sự kết nối giữa con người và thiên nhiên. Hành trình đến với một onsen truyền thống không chỉ là việc đi tắm mà còn là một quá trình chuyển đổi cả về thể chất lẫn tinh thần.
Tỉnh Fukuoka nổi tiếng với những khu tắm onsen được xây dựng như một tác phẩm nghệ thuật sống động. Nguồn: takaragawa.com
Kiến trúc onsen thường nhấn mạnh sự đơn giản, giảm thiểu các yếu tố không cần thiết để giữ sự tĩnh lặng và cân bằng trong không gian. Nguồn: TL
Không gian tiếp đón, phòng thay đồ thường được xây dựng bằng gỗ, đá và giấy washi, với các tủ nhỏ gọn và chiếu tatami - những vật liệu truyền thống của Nhật Bản. Màu sắc trung tính giúp làm dịu tâm trí.
Hành lang dẫn đến khu vực tắm thường hẹp và dài, được trang trí với các yếu tố tự nhiên như tre, đá, và ánh sáng dịu. Lối đi này như một phần của nghi thức tái tạo tinh thần, mô phỏng hành trình con người khi được sinh ra từ bụng mẹ, đưa các giác quan trở về với những giây phút ban sơ. Bóng tối và không gian hẹp tạo cảm giác gần gũi và sâu lắng, tiếng bước chân trên sàn gỗ hoặc đá khuyến khích sự tập trung. Mùi thơm của thảo mộc hay hương liệu tự nhiên từ các bức tường tre tràn ngập không gian, với từng bụi lá dẹt dài hình mũi mác cọ qua da thịt trần, dẫn tới phòng lạnh rộng mở tương phản, tràn ngập ánh sáng.
Kiến trúc của onsen được thiết kế để dẫn dắt người sử dụng qua các không gian khác nhau, mỗi không gian đánh thức một giác quan, giúp giải tỏa căng thẳng và chuẩn bị cho trải nghiệm chữa lành cuối cùng. Khu vực onsen chính thường mở ra một khung cảnh thoáng đãng với bồn nước khoáng nóng, bao quanh bởi cảnh quan tự nhiên. Đây là lúc cả năm giác quan hợp nhất, mang lại cảm giác bình yên và tái sinh.
Nhiều onsen bố trí các tảng đá lớn, cây cối, và suối nước chảy để tạo sự hòa hợp với thiên nhiên. Ảnh tại Takaragawa Onsen. Nguồn: Reddit.com
Kiến trúc luôn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối con người, tạo ra cảm giác thuộc về, và khơi gợi sự cân bằng trong cuộc sống đô thị. Tại Hàn Quốc, Sumsei Terarium không chỉ là một quán café xanh, mà còn là một “liệu pháp không gian”. Bằng cách kết hợp các yếu tố tự nhiên, trải nghiệm giác quan, và thiết kế bền vững, công trình này đã mang đến trải nghiệm chữa lành thông qua việc kết nối con người với thiên nhiên, dù chỉ trong một không gian giới hạn.
Không gian yên bình với mùi hương dịu nhẹ của gỗ, tiếng nước chảy nhẹ nhàng từ các hồ cá và tường cây xanh mướt. Sumsei Terrarium là nơi lý tưởng để sắp xếp lại suy nghĩ, thư giãn và trốn khỏi stress. Nguồn: Archdaily
Trong quan điểm của Sumsei, để thực sự ngắt kết nối với vòng quay thường nhật, ta cần đưa cơ thể về trạng thái hư vô. Các khu vực trong Sumsei Terarium được liên kết một cách mềm mại, không có sự ngăn cách rõ ràng giữa bên trong và bên ngoài. Điều này giúp tạo cảm giác liên tục, tự do khi di chuyển.
Lấy cảm hứng từ ý tưởng "terarium" (hệ sinh thái nhỏ được tạo ra trong hộp kính), Sumsei Terarium là một không gian kiến trúc khép kín nhưng được thiết kế như một hệ sinh thái tự nhiên.
Cây xanh được bố trí xuyên suốt công trình, từ các loại cây bản địa đến thảm thực vật phong phú, mang lại không gian xanh mát và thư thái. Giếng trời lớn và mặt kính trong suốt cho phép ánh sáng tự nhiên tràn ngập không gian, giúp giảm cảm giác ngột ngạt và tạo sự gắn kết với thiên nhiên bên ngoài. Công trình có các không gian như quán cà phê, khu vực đọc sách và phòng thiền, nơi người sử dụng có thể tương tác với nhau hoặc dành thời gian cho bản thân.
Không gian xanh và yên tĩnh giúp giảm nhịp sống hối hả của thành phố. Nguồn: Archdaily
Layout mặt bằng mang tính xuyên suốt, tạo nên một dòng chảy không gian mượt mà, nơi các khu vực được kết nối hài hòa như một hành trình khám phá, vừa duy trì sự liên kết tổng thể vừa giữ được nét riêng biệt của từng góc nhỏ. Nguồn: Archdaily
Đối với loại hình kiến trúc ứng dụng nhỏ, chòi đọc sách tại Estonia - White Sheet Reading Pavilion là một ví dụ điển hình. Đây là một công trình kiến trúc tối giản, nơi được thiết kế để phục vụ việc đọc sách và thiền định.
Sự yên tĩnh và tối giản của kiến trúc giúp người sử dụng thoát khỏi nhịp sống hối hả, tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, từ đó giảm căng thẳng và làm mới tinh thần. Nguồn: Archdaily
Pavilion đã biến không gian đô thị từng bị bỏ hoang thành một nơi mời gọi mọi người đến tham gia các hoạt động, góp phần làm phong phú thêm môi trường đô thị. Hình ảnh công trình lấy cảm hứng từ một ý tưởng trong văn học, với phần mái giống như tờ giấy trắng bay lơ lửng trên không, được nâng đỡ bởi các kệ kính bên dưới. Các kệ sách vừa là nơi chứa đựng tri thức, vừa là một “bức tường” linh hoạt, khuyến khích sự chia sẻ sách giữa các cá nhân. Điều này thúc đẩy tinh thần cộng đồng, tạo môi trường giao lưu tự nhiên nhưng không làm mất đi tính riêng tư.
Sự kết hợp giữa yếu tố minh bạch (nhờ kính) và bao bọc (nhờ kệ sách và mái che) mang lại cảm giác an toàn cho cả người thích tương tác lẫn người tìm kiếm sự tĩnh lặng. Còn sự yên tĩnh và tối giản của kiến trúc giúp người sử dụng thoát khỏi nhịp sống hối hả, tập trung vào khoảnh khắc hiện tại, từ đó giảm căng thẳng và làm mới tinh thần.
Người sử dụng không gian sẽ cảm nhận sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên nhờ các bức tường kính trong suốt. Nguồn: Archdaily
Ba ví dụ từ Nhật Bản, Hàn Quốc, và Estonia minh họa rõ nét cách các nền văn hóa khác nhau đã ứng dụng kiến trúc vào việc hỗ trợ đời sống tinh thần. Qua việc phân tích và tìm hiểu các mô hình này, có thể đề xuất các ứng dụng phù hợp với bối cảnh, góp phần tạo nên những không gian sống hỗ trợ tốt hơn cho sức khỏe tinh thần trong môi trường đô thị.
Hành trình ứng dụng tại Việt Nam
Việt Nam sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển các không gian chữa lành. Từ nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú đến văn hóa coi trọng sự gắn kết cộng đồng, việc áp dụng các giải pháp kiến trúc nhằm hỗ trợ sức khỏe tinh thần là hoàn toàn khả thi, nếu biết khai thác đúng cách.
Các không gian công cộng nên được ưu tiên chuyển đổi vì tính tiếp cận không giới hạn. Tính chất này giúp lan tỏa mạnh mẽ ý nghĩa của kiến trúc tái tạo, biến nó thành một phần của đời sống thường nhật. Các công viên, thư viện, nhà văn hóa cộng đồng hiện nay tại Việt Nam thường tập trung vào chức năng giải trí hoặc giáo dục, nhưng chưa khai thác triệt để tiềm năng chữa lành cho cư dân.
Một số cải tiến đơn giản như bố trí thêm khu vực thư giãn với vật liệu tự nhiên, tạo các khu thiền định hoặc không gian tĩnh lặng trong thư viện có thể mang lại những thay đổi tích cực. Ví dụ, một công viên không chỉ là nơi tập thể dục, mà còn có thể trở thành điểm đến giúp cư dân thư giãn và tái tạo năng lượng.
Các dự án khu đô thị đã phát triển tiện ích công viên sinh thái, đề cao quan điểm về chức năng nghỉ dưỡng cho cộng đồng trong khu ở. Nguồn: TL
Hình ảnh trái ngược với tình trạng xuống cấp, kém hiệu quả tại các công viên. Nguồn: cafefcdn.com
Phát triển không gian sống kết hợp với thiên nhiên là một hướng đi thịnh hành. Nhà ở, văn phòng, trường học – những không gian con người dành phần lớn thời gian trong ngày – cần được thiết kế để kết nối chặt chẽ hơn với thiên nhiên. Các giải pháp như sân vườn nhỏ trong nhà, giếng trời, hoặc ban công xanh không chỉ mang lại thẩm mỹ mà còn cải thiện sức khỏe tinh thần cho người sử dụng.
Nhiều khu nhà ở hiện nay đang hướng tới việc tích hợp các khu vực sinh hoạt cộng đồng với không gian xanh, tạo nên môi trường sống thân thiện và gần gũi hơn.
Một số thương hiệu lớn tại Việt Nam đã bước đầu đặt mục tiêu về phụng sự cộng đồng và quan điểm về kiến trúc chữa lành. Ảnh về kiến trúc không gian Thiền Cà Phê, nơi được thiết kế chuyên và đặc biệt dành cho thưởng lãm, trải nghiệm văn minh Cà Phê Thiền, mang đến sự tĩnh tâm và tạo nên nhiều năng lượng tích cực trong cuộc sống. Nguồn: trungnguyenlegendcafe.net
Các bước gợi mở cho kiến trúc sư và nhà đầu tư
Để hiện thực hóa kiến trúc chữa lành tại Việt Nam, kiến trúc sư và nhà đầu tư cần có những bước đi cụ thể, dựa trên thực trạng, nhu cầu thực tế cũng như bối cảnh văn hóa của nước ta.
Đầu tiên, đó là xây dựng tiêu chuẩn kiến trúc chữa lành phù hợp cho các công trình. Việc áp dụng những nguyên lý kiến trúc chữa lành quốc tế là cần thiết, nhưng không thể bỏ qua yếu tố văn hóa và điều kiện địa phương. Chẳng hạn, trong khi các quốc gia khác có thể tập trung vào không gian thiền định tĩnh lặng, người Việt Nam có xu hướng thích các không gian sinh hoạt cộng đồng kết hợp yếu tố xanh. Do đó, các tiêu chuẩn chữa lành cần được điều chỉnh linh hoạt, vừa giữ được giá trị cốt lõi vừa phù hợp với tâm lý và thói quen của người sử dụng.
Bên cạnh đó, để tạo ra những không gian chữa lành hiệu quả, sự hợp tác giữa kiến trúc sư, nhà khoa học, nhà đầu tư, và cộng đồng trong một thúc đẩy hợp tác đa ngành là rất quan trọng. Kiến trúc sư có thể phối hợp với các chuyên gia về tâm lý, sinh thái học để xây dựng các thiết kế tối ưu. Đồng thời, cần kêu gọi sự tham gia của các nhà đầu tư và chính quyền địa phương để triển khai các giải pháp lâu dài. Những dự án mẫu nhỏ, chẳng hạn như cải tạo một khu công viên hay thư viện, có thể là bước đầu tiên để chứng minh hiệu quả và từ đó nhân rộng quy mô.
* * *
Kiến trúc chữa lành không chỉ là một xu hướng toàn cầu mà còn là một giải pháp thiết thực cho các vấn đề đô thị tại Việt Nam. Thông qua việc chuyển đổi các không gian công cộng, phát triển không gian sống gần gũi với thiên nhiên, và xây dựng các tiêu chuẩn phù hợp với văn hóa địa phương, chúng ta có thể tạo ra những thay đổi tích cực cho cuộc sống đô thị. Hành trình này không những đòi hỏi sự sáng tạo của kiến trúc sư mà còn cần sự chung tay từ nhiều phía, mở ra một tương lai mà không gian sống không chỉ là nơi ở, đồng thời còn là nơi tái tạo năng lượng tinh thần cho con người.
Nguyễn Đặng Phương Linh
____________________
Nguồn tham khảo:
https://www.archdaily.com/972944/sumsei-terarium-none-space
https://www.archdaily.com/998582/white-sheet-reading-pavilion-ninja-stuudio
https://giaoducthudo.giaoducthoidai.vn/hien-trang-3-cong-vien-o-ha-noi-duoc-chi-hang-tram-ty-dong-de-cai-tao-106113.html
Nguồn Người Đô Thị : https://nguoidothi.net.vn/tai-tao-nang-luong-tinh-than-qua-kien-truc-cong-cong-46745.html